31/05/2023 14:37 GMT+7

Những học bạ 'siêu đẹp'

Nhiều thí sinh có học bạ đẹp như mơ khi xét tuyển vào các trường đại học năm nay với điểm gần tuyệt đối với nhiều môn trên 9,0 và thậm chí có môn 9,9.

Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh: T.L.

Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh: T.L.

Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhiều thí sinh có điểm xét tuyển học bạ ba môn từ 27 điểm trở lên, tức bình quân mỗi môn 9 điểm.

Toàn giỏi, hiếm khá

Không chỉ ba môn xét tuyển theo tổ hợp, các môn học khác cũng "đẹp như mơ" khi điểm trung bình cả năm trên 9,0 và chỉ có một, hai môn dưới 9. Chẳng hạn một học sinh có điểm trung bình cả năm lớp 10 và 11 là 9,2 và học kỳ I lớp 12 là 9,0. Đáng chú ý, điểm các môn năm lớp 11 của thí sinh này rất cao. Các môn đều có điểm từ 9,0 trở lên, cao nhất là sinh học 9,5. Chỉ có môn văn đạt 8,5 - thấp nhất trong các môn.

Một học sinh khác có điểm trung bình năm lớp 10 là 9,6; lớp 11 là 9,5. Trong hai năm này, điểm trung bình cuối năm tất cả các môn đều trên 9. Trong đó năm lớp 10, môn vật lý có điểm trung bình gần như tuyệt đối là 9,9 và thấp nhất là giáo dục công dân với 9,2. Đến năm lớp 11, môn hóa học có điểm 9,9 và thấp nhất là ngoại ngữ 9,1. Sang đến học kỳ I lớp 12, điểm số của học sinh này rớt xuống ngưỡng 9 khi điểm trung bình học kỳ I chỉ còn 8,8. Thí sinh này xét tuyển tổ hợp toán - lý - tiếng Anh.

Trong số học bạ chúng tôi thu thập được, nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi và hiếm học sinh loại khá. Riêng điểm trung bình ba môn xét tuyển đa số từ 26 đến trên 27 điểm. Một học sinh khác có điểm trung bình học kỳ I là 9,3 trong đó nhiều môn đạt điểm gần tuyệt đối như toán 9,8, vật lý 9,9, ngoại ngữ 9,8.

Những học bạ siêu đẹp khiến các trường đại học cũng e ngại khi xét tuyển

Những học bạ siêu đẹp khiến các trường đại học cũng e ngại khi xét tuyển

Tại khu vực miền Trung, số thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng có điểm học bạ "siêu đẹp". Những học bạ này của học sinh một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk. Trong số này có học sinh một trường THPT tư thục tại TP.HCM nộp hồ sơ xét tuyển. Mặc dù điểm thành phần các môn đã bị che một phần nhưng có thể thấy hầu như các cột điểm trong học kỳ I lớp 12 của thí sinh này đều đạt 9, 10. Điểm trung bình năm lớp 11 của học sinh này là 9,6 với điểm các môn đều trên 9.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), nhiều học bạ của học sinh có điểm loại giỏi. Trong đó, một học sinh trường chuyên có điểm trung bình học kỳ I lớp 12 đạt 9,6, không có môn nào thấp hơn 9,3. Không chỉ các môn tự nhiên mà kể cả các môn xã hội, ngoại ngữ điểm cũng rất cao. Môn văn đạt 9,4, toán và lịch sử đạt 9,6.

Ở một số trường đại học khác, thí sinh cung cấp điểm học bạ trung bình của ba môn xét tuyển. Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhiều thí sinh đạt trên 27 điểm ở nhiều tổ hợp khác nhau. Thí sinh nhập điểm các môn học, phần mềm tuyển sinh của trường đưa ra điểm tổng của 12 tổ hợp xét tuyển. Một thí sinh có điểm cao nhất là tổ hợp văn - sử - địa với 28,1 điểm. Hầu hết các tổ hợp còn lại đều trên 27, thấp nhất là 26,7 của tổ hợp toán - hóa - sinh. Thí sinh khác có tổng điểm tổ hợp toán - lý - hóa lên đến 28,5, bình quân 9,5 điểm/môn.

Phương thức xét tuyển học bạ của trường này cũng ghi nhận nhiều thí sinh chỉ có mức điểm khá. Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhiều thí sinh cũng có điểm ba môn xét tuyển trên 27...

Những học bạ "siêu đẹp" - Ảnh 3.

Chúng ta dần dần áp dụng cách của nước tiên tiến là xét tuyển qua học bạ thay cho thi cử, những tưởng qua học bạ thì đánh giá đúng sức học trong 3 năm của học sinh. Nhưng ai cũng biết điểm ở trường có "số phận" như thế nào. Khi con tôi đạt điểm trung bình hay khá, cô giáo bảo con tôi làm lui làm tới để được điểm cao để lớp xuất sắc theo thành tích trường giao. Đó là chưa kể trường hợp "này nọ" để có điểm đẹp.

Ông Quang Phú (phụ huynh ở TP.HCM)

Đại học e ngại

Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết điểm học bạ của học sinh nộp vào trường vài năm gần đây cao hơn so với trước. Ông Sơn cho rằng nguyên nhân có thể do "thầy cô nới tay" khi cho điểm, nhất là điểm năm lớp 12.

"Năm trước trường xét tuyển kết quả 5 học kỳ (hai năm lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) và kết quả lớp 12. Kết quả điểm chuẩn phương thức xét điểm lớp 12 cao hơn rất nhiều so với 5 học kỳ. Có những môn điểm 7, 8 lớp 10 nhưng đến năm lớp 12 tăng vọt lên 9. Đó là lý do năm nay trường giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ vì nhận thấy kết quả này không phản ánh chính xác năng lực học sinh" - ông Sơn cho biết.

Ông Lê Trường Tùng - chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT - nói dường như có sự nới tay trong đánh giá của giáo viên với kết quả học tập của học sinh. Theo ông Tùng, thường giáo viên nâng điểm một học sinh sẽ nâng cho toàn bộ lớp. Đó là lý do dù sử dụng kết quả học tập THPT để xét tuyển nhưng trường sử dụng thang đo khác một chút, không xét điểm trung bình.

Trường xây dựng công cụ riêng để xếp loại học tập của học sinh dựa trên phương pháp của Úc để xếp hạng kết quả học tập của học sinh toàn quốc.

Hệ thống này đối sánh kết quả học phổ thông và điểm tốt nghiệp của từng tỉnh trong nhiều năm để có hệ số điểm phù hợp cho học sinh tỉnh đó. Dựa trên kết quả học tập của từng thí sinh, hệ thống điều chỉnh để cho ra kết quả tương đối nhất. Trên cơ sở này trường sẽ quyết định xét kết quả học tập ở top 30 hay 40% học sinh toàn quốc.

"Phương án này xét năng lực từng thí sinh và trường đánh giá phù hợp về chất lượng đầu vào. Việc xét dựa vào học bạ sẽ không công bằng khi mỗi trường đánh giá khác nhau" - ông Tùng nói thêm.

Nguồn: Bộ Giáo dục và đào tạo - Đồ họa: Tấn Đạt

Nguồn: Bộ Giáo dục và đào tạo - Đồ họa: Tấn Đạt

"Đạt điểm cao không khó như ngày xưa"

Ở góc độ quản lý trường THPT, ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) - có cách nhìn nhận khác về kết quả học tập của học sinh.

Theo ông Phú, chủ trương của ngành giáo dục hiện nay là dạy học nhẹ nhàng, học sao kiểm tra vậy. Về phương pháp dạy học, nếu như trước đây dạy theo kiểu đọc chép thì hiện nay việc tương tác, làm việc nhóm, thảo luận theo tổ được đẩy mạnh. Công nghệ phát triển mạnh, học sinh có thể tìm kiếm được nhiều kiến thức cho bài học của mình. Học sinh làm tốt sẽ được cộng thêm điểm khuyến khích.

Trước đây mỗi môn một bài kiểm tra hằng tháng thì hiện nay có nhiều bài kiểm tra hơn. Học sinh không đạt điểm cao đợt này sẽ cố gắng hơn ở đợt sau và điểm bài nào cao nhất sẽ được ghi nhận chính thức. Điều này tạo sự hứng thú, cố gắng cho học sinh. Do đó, học sinh kiếm được điểm cao không khó như ngày xưa.

Điểm thi tốt nghiệp luôn thấp hơn học bạ

Vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh, thành. Kết quả cho thấy điểm thi tốt nghiệp THPT luôn thấp hơn điểm học bạ của học sinh. Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn các khu vực khác.

Thầy cô ủng hộ xét học bạ vào đại học, giảm áp lực thi cửThầy cô ủng hộ xét học bạ vào đại học, giảm áp lực thi cử

Xét học bạ vào đại học đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các em chọn trường, chọn ngành sớm, giảm áp lực phụ thuộc hoàn toàn vào điểm thi THPT Quốc gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên