03/01/2010 06:28 GMT+7

Những đứa trẻ ven sông Hồng

THU HÀ - HÀ HƯƠNG thực hiện
THU HÀ - HÀ HƯƠNG thực hiện

TT - Bãi Giữa sông Hồng chỉ cách hồ Gươm 500m đường chim bay. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã ghi lại cuộc sống của những đứa trẻ sống như cây cỏ hoang dại ở bãi Giữa. Ông muốn cho mọi người biết “ngoài bờ đê kia, ngay cách hồ Gươm không đầy nửa cây số đường chim bay, là một thế giới khác”.

Xem bộ ảnh mà ông đã kỳ công đeo đuổi thực hiện trong hơn một năm, chúng ta không khỏi ray rứt: tương lai của các em sẽ đi về đâu?

BzvRlGyt.jpgPhóng to

Một cô bé ở bãi Giữa ăn xoài. Không ai dạy em biết phải sử dụng dao như thế nào cho đúng cách - Ảnh: Quang Phùng

Khi giới thiệu những tấm ảnh này, ông Quang Phùng vừa sờ vào ảnh, vào từng khuôn mặt của nhân vật vừa nói như nói về con mình, cháu mình. Bộ ảnh mới nhất của ông có chủ đề “Những đứa trẻ ven sông Hồng” được thực hiện trong hơn một năm.

hKTpkBG9.jpgPhóng to
Hai đứa trẻ này hầu như không biết bố mình là ai. Anh tên Bắc, em tên Tuyết. Một đứa 10 tuổi, một đứa 9 tuổi. Với hai anh em này, một bữa mì ăn liền là một bữa cỗ. Gia vị của gói mì để ăn với cơm nguội. Ngày nào chúng cũng đi khiêng nước sông về cho mẹ dùng sinh hoạt
IXSWnRBy.jpgPhóng to
Túp lều nhà cu Bắc ở bãi Giữa (trái)... và sau khi bị giải tỏa
wVVtkYCi.jpgPhóng to
Giữa những lần “chạy” giải tỏa: ba mẹ con nhà cu Bắc lại phải chuyển nhà, người ta đuổi thì họ chạy, yên vài bữa lại về chỗ cũ, gia tài chất hết lên xe đạp
s6v7VZWF.jpgPhóng to

Bé gái này dùng dao cắt xoài đưa vào miệng. Đưa ngay phía lưỡi dao bén vào miệng mới kinh chứ! Chẳng có ai dạy cả mà...

g6grv7Vp.jpgPhóng to
Người lớn đi vắng hết, bé phải tự nấu ăn bằng củi rác ở rìa bãi sông
GEk5oGWu.jpgPhóng to
Cậu bé cầm cái ly bắt chước tôi chụp ảnh. Một năm có khoảng 10 vụ chết đuối ngoài bãi Giữa, thế mà bố mẹ vẫn phải để bé ở nhà một mình để đi kiếm ăn
CS8fHFvG.jpgPhóng to
Tôi tiếc cho gương mặt thiên thần như bé Tuyết bế tắc ở bãi Giữa...
Fui3BCu1.jpgPhóng to

“Còn bé này nữa. Tôi chụp bé trong một lần thấy cháu lẫm chẫm bước ra sông nghịch nước. Nhưng vài tháng sau thì nghe bé chết rồi. Cháu bị thụt xuống cái hố. Bé chỉ mới 3-4 tuổi. Bé ra đây bắt chuồn chuồn rồi bị chết. Chết vì con chuồn chuồn”

JM9DFy8K.jpgPhóng to

Đây là búp bê của bé. Bé chết rồi, bố bé chôn luôn con búp bê, lâu ngày mưa xói, cát trôi, trồi lên búp bê còn mỗi cánh tay

07n0BFMZ.jpgPhóng to
Tương lai của những đứa bé ở bãi Giữa chưa biết đi về đâu. Nhưng một đứa trẻ nữa sắp sửa ra đời! Cô gái trẻ trong ảnh mà tôi chụp tuổi chỉ mới đôi mươi nhưng sắp làm mẹ...

Nhiếp ảnh là nhân chứng

Ngõ Hạ Hồi nằm giữa Hà Nội, toàn “nhà giàu” nhưng vẫn giữ nguyên được một khu vườn xanh mát như trong thơ Lưu Quang Vũ. Trong mảnh vườn xanh ấy có một ngôi nhà nhỏ xíu, cũ kỹ. Đó là nhà lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, năm nay vừa bước qua tuổi 80. Ông Quang Phùng làm cán bộ ngoại giao, hơn 50 năm trời đi khắp thế giới, nhưng về già dân trong ngõ chỉ biết ông là ông già chụp ảnh. Ông không chụp ảnh Hà Nội đẹp và thơ, ông toàn chụp Hà Nội nghèo và buồn.

Bộ ảnh mới nhất của ông có chủ đề “Những đứa trẻ ven sông Hồng” được thực hiện trong hơn một năm. Thực hiện xong bộ ảnh ấy, ông bệnh một trận liệt giường, đến gần cuối năm 2009 mới nhúc nhắc đi lại. Và chúng tôi là một trong những người đầu tiên ông đem khoe “Những đứa trẻ ven sông Hồng”.

GMYt5zRg.jpgPhóng to

Lão nghệ sĩ Quang Phùng - Ảnh: Hà Hương

* Có rất nhiều thứ trong cuộc sống đáng để chụp, sao cụ chỉ thích chụp những đề tài gai góc và xa lạ với mình như thế?

- Không phải là tôi thích, mà tôi thấy mình có nghĩa vụ phải chụp.

* Năm 2004, cũng vì “nghĩa vụ” mà cụ đã có được cuộc triển lãm nổi đình nổi đám về chủ đề “Ma túy lộng hành giữa thủ đô”?

- Đúng vậy. Ai mà chịu nổi cái cảnh mấy con nghiện cứ vén quần lên giữa thanh thiên bạch nhật để chích vào háng bao giờ.

* Cụ cũng đã có một bộ ảnh “Gánh hàng rong” đậm chất hiện thực phê phán?

- 50 năm làm ngoại giao, tôi rút được một chân lý máu thịt: người nước ngoài chỉ tôn trọng mình khi họ chắc chắn mình là một người VN yêu nước. Yêu nước, theo tôi, đơn giản nhất là phải có văn hóa Việt trong máu, và đừng để bị “xâm lược văn hóa”. Đừng thấy người ta giàu mà phát sốt lên, đừng thấy đồ người ta “xịn” mà sinh ra mặc cảm về áo dài nón lá, về gánh hàng rong nhà mình.

* Chụp những ảnh gai góc thế, cụ không sợ sao?

- Chụp những đứa côn đồ, nghiện ngập, cứ chụp xong tôi lại đến sờ vào người chúng nó, chúng nó không nghĩ là tôi biết chụp ảnh. Đừng giấu máy. Hay chụp bọn trẻ con ở bãi Giữa, lạ lắm, cho tiền cũng không khiến được chúng. Chúng bảo báo chí rách việc lắm, đăng lên thì thể nào chính quyền địa phương cũng đi đuổi họ với cái cớ: “Chúng bay sống bẩn thỉu báo chí nó nêu kia kìa”.

Vì thế, bọn trẻ tránh báo chí, kể cả người lớn cũng thế. Nhưng tôi thì cứ kiên trì lần theo, rồi mọi người cũng không để ý đến ông già này, và nhờ thế tôi đã có được những bức ảnh cho thấy sự tương phản của cuộc sống những đứa trẻ ven sông với xã hội phồn vinh của thủ đô chỉ cách đó 500m đường chim bay.

Tôi chụp không dụng công để đăng báo, tôi chụp để mong thanh lọc, minh bạch. Ảnh của tôi là ảnh thực trạng, ảnh minh chứng. Cốt lõi của nhiếp ảnh là nhân chứng của thời đại, của từng giai đoạn lịch sử. Tôi muốn mọi người biết ngoài bờ đê kia, ngay cách bờ hồ Gươm không đầy nửa kilômet, là một thế giới khác, là những cảnh đời đáng được sống hạnh phúc không kém gì chúng ta, vậy mà họ đang phải tồn tại qua ngày với “mức sống” như thế này.

====================================================================

* Ở Việt Nam chúng ta còn bao nhiêu hình ảnh như thế này? Chắc hẳn mọi người khi nhìn xong những bức hình này đều có những cảm xúc khác nhau. Lẽ ra ở cái tuổi này các em phải được cắp sách tới trường, được vui đùa tung tăng... Vậy mà...

* Có cách nào để giúp những đứa bé và khu dân cư này không? Câu trả lời là có! Vậy chúng ta phải làm thế nào? Đó là một dấu hỏi lớn? Khi nào xã hội mới công bằng?

* Xem qua ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng thật muốn khóc. Những mảnh đời đó đã phải chịu đựng quá đau khổ. Vậy mà vẫn không yên, bị đuổi, bị vùi dập.

* Đa số các nhà nhiếp ảnh chọn đề tài gần gủi với nhiên nhiên, hay là những ảnh của người mẫu, những công trình kiến trúc đồ sộ để ghi nhận chúng qua ống kính và coi những tác phẩm này đễ trưng bày hay dự thi. Riêng nhiếp ảnh gia Quang Phùng lại chọn những đề tài khá "nhạy cảm": những đứa côn đồ, nghiện ngập.

Những tấm ảnh của những đứa bé này, cánh tay bị cụt của con búp bê bên cạnh mộ phần của em nhỏ đã làm cho người chiêm ngưỡng phải nhói đau. Những bức ảnh quá đẹp về kỷ thuật, nhưng lại làm trái tim của con người phải đau.

--------------------

Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.

THU HÀ - HÀ HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên