17/08/2024 17:57 GMT+7

Những đứa trẻ tổn thương tâm lý thực sự cần gì ở cha mẹ?

Theo các diễn giả, chăm sóc những đứa trẻ không chỉ đơn thuần về thể chất mà còn là việc tương tác cảm xúc, giao tiếp qua ánh mắt, nụ cười. Sự phát triển trong tâm lý của các em phụ thuộc vào việc được quan tâm và yêu thương như thế nào.

Những đứa trẻ tổn thương tâm lý thực sự cần gì ở cha mẹ? - Ảnh 1.

Từ trái qua: TS Nguyễn Đức Nhật; ThS Nguyễn Tú Anh; ThS.BS Đào Thị Thu Hương chia sẻ với độc giả - Ảnh: HỒ LAM

Sáng 17-8, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra buổi ra mắt sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó với sự tham gia của TS Nguyễn Đức Nhật - nhà tham vấn, giám sát lâm sàng; ThS.BS Đào Thị Thu Hương - bác sĩ nội trú chuyên khoa tâm thần nhi; ThS Nguyễn Tú Anh - nhà thực hành tâm lý, Parenting Coach.

Cuốn sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó do tiến sĩ Perry và nhà báo Maia Szalavitz thực hiện đã chọn lọc những ca bệnh điển hình trong quá trình làm việc và nghiên cứu, được sắp xếp theo trình tự thời gian, cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của lĩnh vực tâm thần nhi.

Đa số các ca bệnh là về những vấn đề sang chấn, tổn thương tâm lý ở trẻ em.

Những tổn thương tâm lý của một "đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó"

Ông Perry viết trong phần mở đầu sách:

"Chúng tôi đã làm việc với hàng trăm trẻ em phải sống trong cảnh bị bỏ bê ở các mái ấm hay bởi chính cha mẹ hoặc người giám hộ của mình.

Chúng tôi hy vọng rằng sức mạnh cũng như tinh thần quật cường của những đứa trẻ trong các câu chuyện được kể trong cuốn sách này, cũng như rất nhiều đứa trẻ từng trải qua những tổn thương tương tự, sẽ được truyền tải qua từng câu chữ bạn sắp đọc".

Những đứa trẻ tổn thương tâm lý thực sự cần điều gì ở cha mẹ?  - Ảnh 2.

Sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó - Ảnh: HỒ LAM

Trong sách, ông Perry không chỉ lật đổ quan niệm sai lầm về khả năng tự phục hồi ở trẻ em mà còn cho thấy tác động của sự vô tâm, nghèo đói, bạo lực, lạm dụng tình dục… có thể hủy hoại những nhân cách còn non trẻ và những bộ não đang trong quá trình phát triển ra sao.

Tại sự kiện, các diễn giả cho rằng những trường hợp được đề cập trong sách không chỉ xuất hiện trong xã hội Mỹ mà còn rất gần với Việt Nam.

Trong quá trình làm việc của Tú Anh, bên cạnh chứng kiến những trường hợp trẻ em bẩm sinh đã bị rối loạn phát triển như: rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý... thì cô gặp không ít ca bệnh khi sinh ra hoàn toàn bình thường nhưng dần dà trải qua tổn thương tâm lý nặng nề vì một số nguyên nhân như bị bạo hành, bỏ bê về mặt cảm xúc...

Theo cô, những trường hợp này phải cần có thời gian để bóc tách và gỡ rối tâm lý dần dần.

TS Nguyễn Đức Nhật cùng các đồng sự mất 2 năm dịch và chỉnh sửa, hiệu đính sách. Câu chuyện trong sách khiến anh ấn tượng nhất là trường hợp của em Justin, một đứa trẻ đúng nghĩa là từng có thời gian lớn lên trong chuồng chó:

"Justin đến gặp tiến sĩ Perry khi chỉ khoảng 3, 4 tuổi, trong tình trạng không biết nói, nhiều lần gào thét, không ai tiếp cận được, đến nỗi mọi người phải giữ em vào trong cũi nhốt em bé. Em ngần ngừ, ngân nga những tiếng vô nghĩa.

Mẹ Justin sinh em khi bà còn rất nhỏ, chỉ khoảng 15, 16 tuổi. Vì không thể chăm sóc con nên mẹ Justin đã bỏ lại em cho bà ngoại đang già yếu, bệnh tật nuôi. Trong 1 năm đầu đời, Justin được ngoại yêu thương. Nhưng sau đó, ngoại em đột ngột qua đời. Arthur, người bạn trai sống chung với ngoại Justin, đã phải nuôi em.

Tuy nhiên, người này không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em. Ông sống bằng nghề nhân giống chó, và đáng buồn thay, ông đã áp dụng những kiến thức trong nghề để chăm sóc đứa trẻ".

Những đứa trẻ tổn thương tâm lý thực sự cần điều gì ở cha mẹ? - Ảnh 3.

TS Nguyễn Đức Nhật chia sẻ với độc giả - Ảnh: NXB

Anh Đức Nhật kể ông bắt đầu giữ Justin trong chiếc chuồng chó, cho ăn đầy đủ, thay quần áo cho cậu bé nhưng hiếm khi dành bất cứ hành vi chăm sóc nào cho cậu. Justin đã sống trong chiếc chuồng ấy suốt năm trời, phần lớn thời gian chỉ bầu bạn với những con chó.

Theo nhận định của tiến sĩ Perry, Arthur không hề đối xử tàn bạo với Justin. Với năng lực khá hạn chế, có lẽ còn bị thiểu năng ở mức độ nhẹ nên ông đã nuôi Justin như cách ông chăn nuôi những con vật khác.

Theo anh Đức Nhật, đây là một trường hợp vô tình bỏ bê trẻ vì thiếu hiểu biết, kiến thức, dẫn đến sự sang chấn tâm lý ở trẻ.

Không có phương pháp thần kỳ nào ngoài tình yêu thương

Bác sĩ Thu Hương nêu quan điểm trong trường hợp của Justin thì người chăm sóc đã có tương tác sai với trẻ. Điều này là nguyên do chính khiến cậu bé gặp khó khăn trong việc vận động, tương tác và dễ bị kích động.

Nếu không thăm khám, theo dõi sâu sát, phát hiện càng trễ thì sẽ càng khó hồi phục hơn.

Vậy những đứa trẻ tổn thương tâm lý thực sự cần điều gì ở cha mẹ?

Các diễn giả đồng tình rằng chính sự quan tâm và tình yêu thương mới là liều thuốc tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em gặp sang chấn.

Theo tiến sĩ Perry, càng có nhiều mối quan hệ lành mạnh thì một đứa trẻ càng có nhiều khả năng hồi phục sau sang chấn.

Các mối quan hệ chính là tác nhân của sự thay đổi và liệu pháp hiệu quả nhất chính là tình yêu thương của con người.

Ông Perry nhấn mạnh: "Những đứa trẻ rắc rối thường phải chịu đựng một nỗi đau nào đó. Không hề có phương pháp chữa lành ngắn hạn thần kỳ nào cả, mà chỉ có sự chăm sóc một cách kiên nhẫn, yêu thương và nhất quán mới mang lại hiệu quả. Điều này đúng với một đứa trẻ ba, bốn tuổi và cũng đúng với một thiếu niên".

Những đứa trẻ tổn thương tâm lý thực sự cần điều gì ở cha mẹ?  - Ảnh 5.Cần đối diện để chữa lành chấn thương tâm lý

Tối 27-10, trong chương trình ‘Thanh âm chữa lành’ diễn ra tại Trường đại học Văn hóa TP.HCM, tầm quan trọng của việc chữa lành chấn thương tâm lý để có sức khỏe tinh thần ổn định đã được nêu lên và bàn luận cùng nhiều sinh viên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên