04/05/2014 04:37 GMT+7

Những đứa trẻ Châu Mạ

HOÀNG XUÂN
HOÀNG XUÂN

TT - “Tụi nó không đi học được đâu, xa cha mẹ nhớ lắm, nhớ đọt mây, lá nhíp lắm (lá nhíp hay lá bép là một thứ lá rừng nấu canh ăn vị rất lạ, thơm ngọt và bùi; đọt mây là ngọn non của dây mây, luộc ăn giòn ngọt), về với người Kinh không có dốc mà leo, không đi khỏi buôn được đâu”.

K’Kheng 77 tuổi (già làng thôn 4, một nhóm dân Châu Mạ ở lọt giữa Vườn quốc gia Cát Tiên) giải thích cho việc mấy chục năm nay nơi này vẫn “sản xuất” con nít đều đều nhưng chẳng em nào học lên được tới cấp II.

hgx7uZbz.jpgPhóng to
Lớp học của thôn. Một góc lớp là nơi ăn nghỉ của thầy giáo khi ở lại trường - Ảnh: Hoàng Xuân

Vì học tới cấp II thì phải xuống núi, về thung lũng cách đó chừng 20 cây số mới có trường.

Thôn 4 vỏn vẹn gần 40 hộ, hơn 100 nhân khẩu, heo hút trong rừng sâu, vùng lõi sâu nhất của Vườn quốc gia Cát Tiên, thuộc xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Bao quanh mênh mông những ngọn đồi đã bị chặt trụi cách đây hàng chục năm - trong phong trào kinh tế mới rầm rộ bấy giờ để trồng điều.

Tổng cộng diện tích điều lên tới 100ha. Mùa điều chín, trái vàng rực cây cứ tự rụng xuống, chừng nào chỉ còn hột điều khô nằm lẫn trong cỏ thì quét gom chờ thương lái lên mua.

Một ký hột điều bán được 12.000-15.000 đồng, con nít mỗi ngày đi mót cũng được một hai ký thì đi học chi cho mệt? Học có ra tiền đâu?

Già K’Kheng nói người nhiều rẫy điều nhất của thôn thu được 70-80 triệu đồng/năm. Với dân miền núi là khá lắm.

Trước đây, K’Lon - người có nhiều rẫy điều nhất thôn, nhưng giờ chỉ còn 3ha vì phải chia cho tới... 11 người con. Con của K’Lon cũng giàu nhất thôn. K’Lon 53 tuổi, vợ 50 tuổi, mấy đứa sau còn nhỏ nhưng dường như tương lai cũng đã được mặc định trong vườn điều.

Cũng có người nghĩ khác. “Mình phải cho con đi học thôi, bây giờ phải học mới làm ăn được” - K’Lanh, 50 tuổi, có sáu con và ngôi nhà vách ván to nhất thôn 4, nói vậy.

Nói vậy nhưng trăm phần trăm K’Lanh chẳng toại nguyện nổi. Ở đây con trai con gái 16 tuổi đã muốn lấy chồng lấy vợ. “Nó thèm trong bụng rồi, mình không cấm được đâu” - già làng K’Kheng cười hơ hơ.

Thôn 4 dù ở sâu trong rừng nhưng vẫn có tivi, có nước đá, có nước ngọt, xe máy, đĩa phim các loại, có cả bảo hiểm. Có gần như mọi thứ để tồn tại! Nhưng chỉ chừng 15 năm nữa, những rẫy điều hết vòng đời, trùng với dân số ngày càng nở ra khiến phần đất của mỗi người thu lại, họ sẽ sinh tồn bằng cách nào?

Chẳng ai lo nghĩ. Dưới bóng mát ngôi nhà gỗ dài hàng chục mét của K’Lanh, nhiều phụ nữ và trẻ con ngồi chơi cả buổi chiều. Không sách. Không báo. Không dọn dẹp nhà cửa, trồng rau, trồng hoa. Không việc gì sất. Mặc kệ rác rưởi ngập trước hiên nhà. Những đôi mắt trong veo không gợn lấy một chút suy tư, dù là suy tư cho chính mình. Chỉ có con khỉ cứ nhâng nháo giằng sợi xích để vồ một cái đĩa CD hư quẳng bừa trước sân.

Trong thôn, coi vậy cũng có lớp tiểu học. 21 đứa trẻ rải rác từ lớp 1-5 chia ra hai phòng học, hai ông thầy bên dạy văn, bên dạy toán. 20km đường rừng cực kỳ khó đi và nguy hiểm. Góc phòng học đồng thời là nơi ăn ở của thầy, tạm bợ, nhếch nhác.

Giữa thiên nhiên xanh thắm mà tôi như bị một luồng khí nặng nề cứ dần dần ép vào tim.

HOÀNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên