TTO - Ngay khi sinh ra con đã sống trong làng Hòa Bình. Con không được như bao đứa trẻ khác, được mẹ nâng niu, cho ăn, dẫn đi học, đi chơi…. Có lẽ con với mẹ kiếp này không có nợ với nhau mẹ nhỉ? Con sinh sai thời điểm phải không mẹ?

Trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) hơn 20 năm qua có một nơi được gọi là "Làng Hòa Bình" - ngôi nhà nương náu của nhiều trẻ em bị bỏ rơi.

Ngoài công việc chính là quản lý hồ sơ, nhiều năm qua chị Lê Thị Kim Thủy (40 tuổi, chuyên viên phòng hành chính quản trị của bệnh viện) còn được được giao một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt: Chạy lo thủ tục và đứng tên trên giấy khai sinh cho các trẻ em bị bỏ rơi.

Thấm thoắt gần 6 năm kể từ ngày chị làm "mẹ" đứa trẻ đầu tiên, đến nay con số này là 250 bé được chị đứng tên trong giấy khai sinh của chúng.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 1.

Khi hay tin chị Thủy làm việc này, có người ngăn cản bởi lo sợ sau này các bé tìm đến lo mấy chuyện giấy tờ phiền phức. Bỏ ngoài tai mọi lời ra tiếng vô, chị vẫn quả quyết: "Tôi không sợ gì cả vì đây chính là cái duyên, cái nghiệp của tôi rồi".

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 2.

Hoàn cảnh bé nào cũng éo le bởi khi vừa mới lọt lòng đỏ hỏn đã bị cha mẹ lén bỏ rồi trốn biệt tăm. Cũng có bé sinh ở ngoài rồi cha mẹ lén đưa vào trong bệnh viện để ở một xó xỉnh nào đó cho người qua lại dễ phát hiện.

Lần giở chồng hồ sơ nhuốm màu thời gian, chị Thủy nói điều khiến chị đau lòng nhất là khi phải nghe thêm một trường hợp trẻ bỏ rơi.

Mới cách đây 5 tháng, chị rối bời khi tiếp nhận tin một bé trai bị cha mẹ bỏ ở cầu thang lầu 1 của khoa sơ sinh. Bé cân nặng 3,3kg. Lúc ẵm bé trai bụ bẫm có gương mặt sáng sủa, mái tóc đen nhánh, chị lặng đi vì đau xót.


Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 3.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Kim Thủy người đứng tên khai sinh cho hàng trăm trẻ bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại Làng Hòa Bình - Ảnh HOÀNG LỘC

Trong số những đứa trẻ mà chị Thủy đứng tên "mẹ", có một bé gái sinh năm 2014. Bé có ngày sinh, tháng đẻ trùng với ngày, tháng sinh của chị. Một sự trùng hợp lạ kỳ.

Thế rồi khi đi làm thủ tục giấy khai sinh, chị ghi luôn họ tên của mình đặt cho bé gái, coi như đó cái duyên, một kỷ niệm đáng nhớ trong đời.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 5.

Trên tờ danh sách nhóm trẻ (trong đó có trẻ bỏ rơi) tại một phòng ở Làng Hòa Bình bao giờ cũng có các ô nội dung tên, tuổi, địa chỉ và bệnh lý. Đa phần các em đều mang một bệnh lý rất đặc biệt - Ảnh: HOÀNG LỘC

"Đến ngày chuyển bé vào trung tâm bảo trợ cả vú nuôi và tôi đều không dám nhìn, không sao cầm được được mắt, ai cũng muốn níu kéo, chẳng muốn xa bé chút nào" - chị Thủy xúc động nói.

Suốt bao năm qua ai cũng thấy chị tất tả chạy đi chạy lại như con thoi để lo thủ tục giấy tờ cho trẻ bị bỏ rơi, nhiều người thấy vậy hỏi chị có phiền lắm không?

Chẳng thấy phiền. Trái lại chị còn bỏ thời gian khuyên các cặp vợ chồng trót dại bỏ con thức tỉnh.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 6.

Một tiết học của các bé khuyết tật, một số bị bỏ rơi ở Làng Hòa Bình - Ảnh: HOÀNG LỘC


Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 8.

Làng Hòa Bình ra đời với mục đích cao cả là cưu mang trẻ nhiễm chất độc da cam, trẻ bị bỏ rơi. Sứ mệnh của ngôi làng này nay mai sẽ tạm khép lại bởi một Làng Cam đang dần hình thành ở  ngoại thành.

Điều dưỡng trưởng khoa phục hồi chức năng Thái Thiên Hương cho biết, hiện tại Làng chỉ còn nuôi dưỡng 36 em, với đủ mọi lứa tuổi từ 3 tuổi đến 37 tuổi. Có khoảng 2/3 số trẻ bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc còn nhỏ.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 9.

Và có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất đối với các "mẹ" là khi được nhìn thấy những đứa con của mình chăm bẵm, dạy dỗ bao năm qua vượt lên mọi nghịch cảnh của số phận.

Những cái tên Đặng Minh Bằng (20 tuổi, sinh viên ĐH Kiến Trúc), Trần Minh An (23 tuổi, sinh viên trường ĐH Công nghệ thông tin) và Phạm Thị Thu Thủy (21 tuổi, sinh viên trường ĐH Sư Phạm TP.HCM) luôn được các "mẹ" nhắc  như những tấm gương cho các "đứa em" học hỏi tiếp bước.

Cả ba "đứa con" này vào đại học bằng nghị lực phi thường, bởi chúng mang những dị tật vô cùng nặng nề.

Minh Bằng bị cụt hẳn một chân, hai bàn tay dính ngón. Minh An bị vẹo cột sống, dị tật ở hầu họng. Còn Thu Thủy bị dị tật nhọn đầu và đôi chân bị quặt ngược  cong queo, phải đi bằng đầu gối.

Cô bé Thủy ngày nào giờ đây đã là một thiếu nữ ngồi trên ghế giảng đường đại học với các bạn bình thường khác. Ước mơ của Thủy là trở thành cô giáo dạy trẻ khiếm thính. Trò chuyện với Thủy chưa bao giờ đôi môi cô bé "tắt" nụ cười.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 10.

Bị tật, bị bỏ rơi nhưng em Phạm Thị Thu Thủy (21 tuổi, sinh viên trường ĐH Sư Phạm TP.HCM) vượt qua mọi nghịch cảnh để vươn lên đậu vào đại học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dù rằng từ lúc lọt lòng không biết mặt ba mẹ nhưng cô bé nói mình rất hạnh phúc bởi được sống ở đây như trong một gia đình.

Ở đó, Thủy có "bà nội Chung" - thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Ngày Thủy đậu đại học, chính "bà nội" tặng em món quà là chiếc xe điện để ngày ngày Thủy đến trường đỡ cực nhọc.

Bị bỏ rơi, nhưng giờ đây cô bé bảo rằng trong lòng mình không còn chỗ của hận thù mà chỉ tràn ngập tình thương yêu.

21 tuổi, cô bé ấy chỉ mong một ngày được gặp ba mẹ, dù chỉ một lần….

Những đứa trẻ bị bỏ rơi ở làng Hòa Bình - Ảnh 11.

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC, DUYÊN PHAN
KIỀU NHI
BẢO SUZU
16/11/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên