14/11/2018 14:50 GMT+7

Người bệnh vô danh - kỳ 3: Những hũ cốt không người nhận

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM còn 16 bộ hài cốt bệnh nhân qua đời đến nay chưa có thân nhân tới nhận. 16 hũ cốt được lưu giữ, nhang khói cẩn thận là 16 câu chuyện buồn về thân phận của những người bệnh xấu số.

Người bệnh vô danh - kỳ 3: Những hũ cốt không người nhận - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, người phụ trách việc tìm kiếm thân nhân người bệnh của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: HOÀNG LỘC

Mỗi trường hợp là một hoàn cảnh riêng, tôi biết chắc có lý do nào đó ở phía sau, quan trọng là mình có tìm được thân nhân của người bệnh để hiểu được lý do đó hay không.

Ông NGUYỄN TRỌNG DŨNG

Tất cả họ đều mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Những ngày cuối đời, họ chỉ còn biết "gửi gắm" tấm thân ở chốn bệnh viện bởi sợi dây liên hệ với gia đình mờ ảo, mong manh như chính cuộc đời họ.

Cô đơn đến lúc lìa đời

Những hũ cốt này bao năm qua được đặt trang trọng trong một căn phòng khá yên tĩnh, sạch sẽ ở khuôn viên bệnh viện. Ngày ngày đều có người lau chùi, nhang khói.

Bao nhiêu hũ cốt là bấy nhiêu hồ sơ ghi chép tỉ mỉ thông tin cá nhân, ngày nhập viện, qua đời, loại bệnh, các nơi liên hệ tìm kiếm...

Đến nay, trong tủ của phòng công tác xã hội (CTXH) bệnh viện còn một chồng hồ sơ dày cộp ghi chép tỉ mỉ về "lịch sử" những người bệnh không thân nhân. Bao nhiêu hồ sơ là bấy nhiêu câu chuyện buồn.

Trên một trang giấy A4 có ghi vắn tắt về bệnh nhân N.T.H. (sinh năm 1956) bị ung thư cổ tử cung, qua đời ngày 5-8-2015.

Người phụ nữ này không có địa chỉ quê quán cụ thể, chỉ biết rằng nơi cuối cùng bà ở trước lúc nhập viện là Trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hiệp (Hớn Quản, Bình Phước).

Không gia đình, bao năm qua bà H. sống với thân phận "vô gia cư", rồi lấy trung tâm bảo trợ làm chốn dung thân tuổi xế chiều. Tuổi cao sức yếu, càng ngày bà đổ đủ thứ bệnh như suy kiệt, viêm phúc mạc, rối loạn đông máu rồi cuối cùng là căn bệnh ung thư cổ tử cung quái ác.

Bao lần nhập viện điều trị rồi xuất viện, trong một lần tái khám, không hiểu vì lý do gì bà quyết định bỏ trốn.

Rồi bẵng đi một thời gian, bà H. quay lại bệnh viện điều trị và qua đời chỉ sau ít ngày nhập viện.

"Từ lúc nhập viện đến khi qua đời, người phụ nữ này cô đơn, không có bất cứ người thân nào ở bên chăm sóc, tài sản quý giá nhất là chiếc điện thoại với rất ít số liên hệ" - ông Nguyễn Trọng Dũng, phó trưởng phòng CTXH Bệnh viện Ung bướu, cho biết.

Sau khi bà H. chết, các nhân viên phòng CTXH phải đi tìm thân nhân của bà. Lần giở lại các đầu mối, họ được cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hiệp cung cấp một thông tin về người bệnh: "Ấp An Giang, Tân Biên, Tịnh Biên, An Giang, có tên mẹ là Nguyễn Sương".

Thế nhưng sau nhiều lần xác minh cả tên ấp và tên xã đều không chính xác. Hi vọng cuối cùng lóe lên khi rà soát tất cả các số điện thoại của bà H., có một số máy lưu bằng tiếng Anh khá đặc biệt: "Me, father" (tạm dịch là tôi, cha).

Chuông điện thoại reo, đầu dây là giọng một người đàn ông nhưng người này trả lời không biết, không quen và cho biết nhiều lần bị gọi nhầm. Mọi hi vọng tìm người thân cho bà H. đóng sập lại.

Người bệnh vô danh - kỳ 3: Những hũ cốt không người nhận - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - người giúp Tú gặp được cha khi ông qua đời - Ảnh: HOÀNG LỘC

Số phận bí ẩn

"Mỗi trường hợp là một hoàn cảnh riêng, tôi biết chắc có lý do nào đó ở phía sau, quan trọng là mình có tìm được thân nhân của người bệnh để hiểu được lý do đó hay không" - ông Dũng nói về thân phận của người bệnh vô danh.

Suốt nhiều năm gắn bó với công việc này, ông từng chứng kiến nhiều câu chuyện bi đát. Người qua đời khổ một, nhưng người ở lại chẳng khá hơn. Đó như là tấn bi kịch dai dẳng.

Cuối năm 2015, một nữ bệnh nhân tên N.T.H. (sinh năm 1975) được một người đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng apxe vú. Chỉ sau hai ngày nhập viện, bệnh nhân qua đời.

Điều khó khăn nhất đối với các bác sĩ là bệnh nhân không khai địa chỉ. Sau này, khi kiểm tra hồ sơ bệnh án chỉ thấy số điện thoại của một phòng khám. Từ số điện thoại này, thân phận người bệnh bí ẩn dần hé lộ.

Bệnh nhân có tên thật là N.T.T., tức tên trong bệnh án là giả. Từ năm 2010, người phụ nữ này đã bị nhiễm HIV. Sau khi chấp hành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy Phú Nghĩa (Bình Phước), chị được giới thiệu trở về tái hòa nhập cộng đồng tại địa chỉ xã Thạch Phú (Bình Long, Bình Phước).

Tưởng rằng khi có được thông tin nơi ở, người bệnh xấu số này sẽ được gia đình đón về mai táng, nào ngờ sau đó cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc đến tận bây giờ dù có xác minh từ địa phương: "Bệnh nhân có cha, mẹ từng sinh sống tại địa phương, nhưng 5 năm trước họ đã bỏ đi biệt tăm. Những người thân khác cũng không còn ai ở đó".

Nghèo nên không dám nhận xác cha

Số phận của Tú - con trai ông T.D.T. (sinh năm 1976, quê Sóc Trăng), người qua đời vì căn bệnh ung thư lưỡi - cũng chua xót không kém.

Năm 8 tuổi, cha mẹ Tú ly hôn. Tú được gửi ở đợ cho một gia đình trong vùng, sau đó may mắn được họ nhận làm con nuôi. Do gia đình nhận nuôi chẳng khá giả gì nên Tú không có điều kiện được học hành, lớn chút đi phụ hồ, sơn nước kiếm sống qua ngày.

Suốt 10 năm không tin tức, một ngày nọ Tú nhận tin sốc: "Ba của con vừa qua đời, con hãy gặp nhìn mặt ông lần cuối", lời của người bà con xa từng đưa cha Tú vào bệnh viện nói.

Khi hay tin về người cha xấu số, Tú bất lực, dù muốn nhận nhưng không dám đưa xác cha về lo hậu sự bởi... quá nghèo.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - phòng hành chính quản trị, người trực tiếp xử lý trường hợp này - nói bằng mọi giá ông đã cố gắng thuyết phục, hứa lo mọi chi phí ma chay để Tú được gặp cha vì đây là giây phút cuối cùng họ có cơ hội đó.

Nhờ vậy, Tú đồng ý lên bệnh viện nhận lại cha mình, lúc này anh 18 tuổi.

Người bệnh vô danh - kỳ 3: Những hũ cốt không người nhận - Ảnh 4.

Nhân viên Bệnh viện Ung bướu TP thắp nhang cho 16 hũ cốt chưa có người nhận - Ảnh: NVCC

Bi kịch

Ông Nguyễn Trọng Dũng cho biết trong vòng 20 năm qua, bệnh viện xử lý khoảng 50 bộ hồ sơ bệnh nhân vô danh. Cạnh những người may mắn tìm được gia đình, những bộ hồ sơ còn lại vẫn nằm im trong tủ.

"Các bệnh nhân này lúc nhập viện có thể tự đi hoặc do người nhà, người ngoài đưa đến. Vào đây thường là bệnh hiểm nghèo, điều trị dài ngày, tốn kém rất nhiều chi phí... không thể cáng đáng nổi nên gia đình cố tình cắt đứt liên lạc.

Có người tự cắt đứt vì không muốn là gánh nặng cho người thân" - ông Dũng nói.

************

Kỳ tới: Đoạn kết về người cha bỏ nhà 37 năm

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên