06/07/2011 03:43 GMT+7

Những đốm sáng lung linh trong đời

MAI VINH - CÔNG NHẬT
MAI VINH - CÔNG NHẬT

TT - 400 gương mặt nhận học bổng Chung một ước mơ lần này chỉ là số ít trong số hàng trăm, hàng nghìn bạn trẻ biết vươn lên trong cuộc sống. Dẫu cuộc đời quanh mỗi bạn trẻ đó còn tối tăm nhưng chính mỗi bạn là một đốm sáng nhỏ làm lung linh cuộc sống.

Chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 286 - Học bổng Chung một ước mơ năm 2011

* Dành cho 400 học sinh THPT vượt khó, học giỏi của bảy tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và Hà Nội.

* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ cùng bảy tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và TP Hà Nội - Tài trợ: Tập đoàn SCG (Thái Lan)

4lO6wtNb.jpgPhóng to

400 bạn trẻ về Đồng Nai đã có một ngày vui chơi thỏa thích - Ảnh: Thuận Thắng

Cách nay ba tháng, đúng vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương, cha mẹ bạn Nguyễn Thị Thúy Hiền (Trường THPT Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai) đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông, để lại cho Hiền là một căn nhà trống hoác và một đứa em gái hở van tim, một em trai mới 3 tuổi.

Oằn vai người chị

Tại một quán cơm gần nhà, Hiền vừa làm vừa nhìn đồng hồ canh chừng chạy về nhà nấu cơm cho em trai ăn. Đây là công việc Hiền làm thêm, còn thu nhập chính là làm móc câu chùm cho một cơ sở sản xuất trong xã. Cô học trò cho biết mỗi ngày làm giỏi thì được khoảng 20.000 đồng.

Cô Nguyễn Thị Minh Hương, phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Bình An, cứ chép miệng khi nói về gia cảnh của ba chị em Thúy Hiền: “Lúc còn sống, ba mẹ tụi nhỏ cũng làm thuê làm mướn nhưng đủ lo cho mấy chị em, giờ mất rồi bao nhiêu trách nhiệm dồn hết lên vai Hiền”. Cha mẹ mất, Thúy Hiền đang thấp thỏm với số nợ 35 triệu đồng do ba mẹ lúc còn sống vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện để mua heo về nuôi, nay sắp đến hạn mà đàn heo cứ èo uột.

Mơ ước bay cao

Còn Võ Văn Trường (lớp 9A1 Trường THCS Lê Bá Trạc, Q.8, TP.HCM), mẹ mất sớm, cha cũng bỏ đi biền biệt khi bạn chỉ mới lên 3. Trường và anh trai được cô Hai (người chị của ba) đem về nuôi. Ngày trước cô mở tiệm tạp hóa tại nhà nhưng nhanh chóng cụt vốn, giờ sẵn có một số công trường gần nhà đang thi công nên cô mở quán hủ tiếu, cà phê kiếm ăn qua bữa.

Lớn lên, anh trai của Trường không đành trước gánh nặng đè lên vai người cô nên xin nghỉ học, đi làm thợ sửa xe máy. Cô của Trường cho biết: “Nó làm hoài mà thu nhập vẫn ba đồng ba cọc nên nản rồi nghe bạn bè xúi dại đi cướp giật nên phải ngồi tù”. Năm rồi Trường đoạt giải ba học sinh giỏi cấp thành phố khiến cô Hai phấn khởi nhiều.

Cùng cảnh nghèo và mồ côi mẹ với Trường là Lê Đình Tâm, hiện đang ở Xuân Tâm, Xuân Lộc, Đồng Nai. Căn nhà nơi Tâm đang ở khó có thể gọi là nhà, đúng ra là một cái chòi được giằng giữ bằng những cây bạch đàn non và che chắn bởi mấy tấm tôn mục, trước nhà là chiếc xe đạp cũ nát hằng ngày Tâm dùng để đến trường. Nhà không có điện nên chiếc tivi trắng đen lâu lâu được mở bằng bình ăcquy. Cha Tâm đã đổi hai ngày công để có chiếc tivi này.

Thầy Nguyễn Hữu Công, giáo viên chủ nhiệm của Tâm, cho biết: Tâm là lớp trưởng gương mẫu và một đàn anh trong hoạt động Đoàn, Đội ở trường. Cha Tâm thì bảo: “Nghỉ hè là nó đi làm luôn tay. Vào đến lớp 10 nó mừng lắm nhưng tối tối nó hay bảo: Càng học lên cao càng khó khăn cha ạ, học phí và mọi thứ đều đắt đỏ”. Hằng đêm, căn nhà nhỏ giữa chốn đầy muỗi mòng, ánh đèn dầu tù mù vẫn soi rọi lên những con chữ để Tâm nuôi ước mơ trở thành một kiểm toán viên.

Sáng nay trao 400 học bổng Chung một ước mơ

9g sáng nay 6-7, tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai, báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ tôn vinh, biểu dương và trao học bổng Chung một ước mơ (3 triệu đồng/suất) cho 400 học sinh của bảy tỉnh thành miền Đông Nam bộ và học sinh TP Hà Nội. Đây là học bổng dành cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã vươn lên đạt những thành tích cao trong học tập. Học bổng do Tập đoàn SCG (Thái Lan) tài trợ. Dịp này ban tổ chức cũng trao 20 phần thưởng trị giá 4 triệu đồng/phần cho những giáo viên khu vực miền Đông Nam bộ có những đóng góp tích cực trong việc giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn không bỏ học.

Trước đó, ngày 5-7, các bạn học sinh đã tề tựu về TP Biên Hòa, được tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử Đồng Nai, vui chơi tại khu du lịch Bửu Long, chuyện trò với các chuyên viên tư vấn tâm lý tuổi mới lớn...

TỐ OANH

Điều đặc biệt của học bổng Chung một ước mơ lần 5 năm 2011 là có thêm đoàn học sinh thủ đô Hà Nội. Cũng như các bạn miền Đông Nam bộ, những cánh thư đầy lo toan, trăn trở về hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống nhưng cũng đầy mạnh mẽ hướng đến tương lai tươi đẹp.

Ở nhà, ngoài việc phụ giúp đỡ đần bố mẹ công việc nhà, chỉ bảo hai em học, tôi nhận thêm công việc đan giỏ. Tuy thù lao chẳng được bao, nhưng cũng có thêm tiền để tôi mua bút, vở, phần nào giúp thêm bố mẹ. Và trong những năm học vừa qua, tôi luôn giành danh hiệu học sinh giỏi. Tôi biết đó chính là món quà ý nghĩa nhất tôi có thể dành tặng bố mẹ. Thời gian trôi đi. Vậy là chỉ còn một năm nữa để tôi có thể thực hiện ước mơ của mình. Ước mơ trở thành một nhà báo. Nhiều bạn hỏi: “Sao cậu lại thích làm nhà báo? Vừa vất vả, vừa nguy hiểm”. Tôi không ngại vất vả và hiểm nguy. Làm báo tôi có thể đi được nhiều, được gặp gỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, dùng ngòi bút của mình để giúp đỡ những mảnh đời còn khốn khó, để không còn những gia đình khó khăn như gia đình tôi nữa.

DƯƠNG THỊ TRANG (lớp 11A Trường THPT Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội)

Tôi quên đi vết bỏng

Bố mẹ sinh ra tôi là một đứa trẻ bình thường, nhưng năm tôi lên 3 tuổi một trận hỏa hoạn đã làm tôi bị bỏng toàn bộ cánh tay trái và nửa mặt bên trái. Không may mắn hơn khi nửa bàn tay trái của tôi cũng bị mất từ đó.

Những thương tật đó vẫn còn cho đến ngày hôm nay và suốt cuộc đời này, gây cho tôi không ít khó khăn trong học tập cũng như giao tiếp.

Những ngày đầu tiên đến trường với tôi thật khó khăn. Tôi luôn phải đón nhận những ánh mắt tò mò của bạn bè và mọi người. Có những lúc tôi định bỏ học. Tôi sợ cảm giác quen thầy, quen bạn thì lại chuyển cấp chuyển trường, lại phải đối diện với những ánh mắt tò mò. Đặc biệt khi lên cấp III, khi trở thành một cô gái thì cảm giác này còn kinh khủng hơn nữa. Lúc nhỏ tôi chỉ biết bỏng thì đau thôi, đâu có nghĩ nhiều như bây giờ...

Nhưng tất cả rồi sẽ là quá khứ. Điều quan trọng nhất là hướng về phía trước, cố gắng học tập, phấn đấu để có một tương lai tốt đẹp. Tôi đã được đi học, được hưởng hạnh phúc mà bạn nhỏ nào cũng ước ao. Tôi bù lại bằng việc học. Suốt 10 năm đi học, tôi luôn là học sinh khá, giỏi và nhiều năm làm lớp trưởng nữa. Say mê học đã giúp tôi quên đi sự tự ti mặc cảm. Hơn bao giờ hết ước mơ được vào đại học luôn cháy bỏng và thúc giục trong tôi, sau này được trở thành cô giáo dạy cho học sinh khuyết tật không may mắn như tôi.

MAI VINH - CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên