18/08/2012 07:10 GMT+7

Những đôi chân không mỏi

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TT - Đó là những đôi chân của các chiến sĩ Phòng truy nã tội phạm (PC52) Công an TP.HCM, quyết lần theo dấu vết của tội phạm, bắt chúng đền tội trước pháp luật.

3DInxxn6.jpgPhóng to
Các trinh sát mật phục nhiều ngày, giả dạng thợ điện để bắt tội phạm nguy hiểm Đỗ Tiến Cường - Ảnh tư liệu

Giữa trưa nắng gắt, những tiếng súng “đoàng... đoàng...” phát ra trong căn nhà ở huyện Hóc Môn khiến nhiều người giật mình. Khi cánh cửa mở ra, một thanh niên xăm trổ đầy mình bị nhóm người cầm súng mặc đồng phục thợ điện khống chế dẫn đi khiến nhiều người dân trố mắt khó hiểu.

Truy bắt đối tượng nguy hiểm

Phá nhiều chuyên án đặc biệt

Phòng truy nã tội phạm Công an TP.HCM được thành lập ngày 22-6-2011 với nhiệm vụ truy bắt, vận động đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú; truy tìm tung tích nạn nhân, người mất tích, vật chứng có liên quan đến các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật trên phạm vi toàn quốc và quốc tế. Sau hơn một năm hoạt động, Phòng truy nã tội phạm bắt trên 300 đối tượng với hơn 40 đối tượng phải lập chuyên án đặc biệt.

Người bị bắt chính là Đỗ Tiến Cường, có lệnh truy nã đặc biệt về hành vi giết người và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Thượng tá Trần Văn Tém, trưởng PC52, nói lúc bắt được đối tượng, các trinh sát phải vào vai thợ điện, sau khi đã vào nhiều vai từ xe ôm, nhân viên bưu phẩm, thu tiền nước... trong một thời gian dài. Theo trung tá Võ Văn Nhật, sau khi Cường gây án và bỏ trốn, dù đã rà soát các mối quan hệ tìm kiếm nhưng nhiều tháng trôi qua, thông tin về Cường vẫn mờ mịt.

Nhưng nhiều chi tiết nhỏ nhặt đã được chú ý và lần ra đối tượng truy nã khi tháng 2-2012, anh em nhận “tin vàng” ở ngoại ô TP.HCM có căn nhà luôn đóng chặt cửa, bên trong có người giống Cường. Các trinh sát liền mai phục ngày đêm chờ cơ hội. Biết Cường đào hoa, mũi trinh sát khác săn tin liên quan đến các người tình của Cường để nhận dạng những phụ nữ ra vào nhà và một chi tiết quan trọng khi trinh sát núp trên cây phát hiện trong nhà có quần áo nam mới giặt. Trưa 28-2, các “thợ điện” nhận lệnh cắt khóa thâm nhập khám xét nhưng chỉ thấy bốn cô gái. Trung tá Nhật ngước lên trần nhà, dùng cây kiểm tra cảm nhận âm thanh như có vật nặng đè lên laphông nên bố trí đội hình kêu gọi đầu hàng. Mãi đến khi các trinh sát bắn chỉ thiên, Cường mới chịu lên tiếng, thò hai chân ra cho mọi người kéo xuống bắt giữ.

Trước đó, PC52 cũng nhận nhiệm vụ bắt Nguyễn Thế Minh (Minh “khùng”) có lệnh truy nã đặc biệt về tội giết người với nhiều tiền án tiền sự, cùng hơn 20 đàn em chuyên đâm thuê chém mướn. “Trước và sau lệnh truy nã, Minh ngạo mạn tuyên bố trong dân chơi rằng sẽ không ai bắt được bởi hắn có biệt tài lẩn trốn và giả khùng còn hơn cả diễn viên” - thượng tá Tém kể. Toàn bộ lực lượng được huy động truy tìm manh mối Minh “khùng” nhưng khi đến nơi nghi vấn thì hắn vừa trốn cách đó không lâu. Kiên nhẫn lần theo dấu vết, sau Tết Nguyên đán 2012, trinh sát báo về Minh sẽ thuê ôtô đi dự đám cưới tại Tiền Giang. Rút kinh nghiệm nhiều lần giăng bẫy hụt, hai mũi trinh sát đón xe Minh trên đường về TP.HCM. Khi xe đến cầu Bình Điền liền bị cảnh sát giao thông kiểm tra, các trinh sát tìm kỹ mới phát hiện Minh giả một thư sinh đeo kính cận. Khi “thư sinh” Minh rướn người núp dưới băng ghế cũng là lúc mọi người xông vào khống chế nhưng gã chống trả quyết liệt khiến một số anh em bị thương. Trên đường về cơ quan điều tra, Minh “khùng” tái diễn trò giả điên bảo bị bắt nhầm. Đến nơi, Minh tiếp tục giả vờ co giật sùi bọt mép mong chuyển viện điều trị để tìm cách thoát thân, nhưng trước nghiệp vụ của công an, Minh “khùng” đành phải “tỉnh” để nhận tội...

Cuộc đời nay đây mai đó

Những ngày theo các chiến sĩ PC52 tác nghiệp, thượng tá Trần Văn Tém cười hóm hỉnh: “Phóng viên ghé sớm, 9g sáng là anh em chia nhau đi tìm đối tượng phạm tội lẩn trốn hết rồi”. Và câu chuyện giữa chúng tôi cùng các chiến sĩ PC52 luôn bị ngắt quãng bởi điện thoại của chỉ huy reo liên tục, báo lại hiện đang ở đâu, tình hình công việc ra sao. “Sáng bảo ở Tây Ninh, chiều nó lại điện báo tới Bến Tre rồi. Mới khoe đi máy bay ra Hà Nội, xíu nó lại bảo phải đóng vai lơ xe...” - thượng tá Trần Văn Tém cười tươi nói về cuộc đời nay đây mai đó của anh em truy nã tội phạm. Thi thoảng chuông điện thoại trực ban reo lên, đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ chân chất: “Gần nhà tôi có người bị truy nã đó” rồi hồn nhiên giải thích: “Tôi thấy cái mặt gian lắm, nghi lắm”. Thượng sĩ Trương Văn Bạch bảo: “Những thông tin thiếu đầu đuôi như vậy nhưng các anh em quyết theo đến cùng bởi nhiều lần tìm ra nơi ở để bắt đối tượng từ những thông tin nhỏ mà người dân cung cấp”.

Là một trinh sát trẻ tuổi nhưng chỉ trong năm tháng gần đây, thượng sĩ Bạch đã tham gia bắt 20 đối tượng truy nã. Gần nhất, anh cùng đồng đội được giao nhiệm vụ bắt đối tượng Nguyễn Quốc Đại. Khi tìm được họ tên thật của Đại thường trú tại Gò Dầu (Tây Ninh), thượng sĩ Bạch phải giả dạng tiểu thương “ăn bụi ngủ đường” để quan sát. Rồi cùng đồng nghiệp đóng giả vai người của Hội chữ thập đỏ tới thăm người già neo đơn để tiếp xúc với cha Đại tìm cách lấy số điện thoại của đối tượng. Sau đó, thượng sĩ Bạch lại lần mò tìm thông tin và biết Đại đang âm thầm quay trở lại Sài Gòn sống bằng nghề cắt dán decal xe. “Đi cả tuần hết sạch tiền, tôi phải vay bạn thêm 2 triệu đồng mua một số dụng cụ để hành nghề dán xe tìm cách tiếp cận và bắt Đại ra chịu tội trước pháp luật” - thượng sĩ Bạch cười cho biết.

Thượng tá Trần Văn Tém chia sẻ: “Người làm nhiệm vụ truy nã cần phải có lòng kiên nhẫn, sự sắc bén, am hiểu văn hóa vùng miền và thật thận trọng trong mọi trường hợp, bởi chỉ cần tính toán không hợp lý sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và người khác”. Hóm hỉnh hơn, nói như đại úy Trần Bá Phúc: “Anh em vào vai ăn xin cũng được mà đại gia giàu có cũng hay, lại được cái dễ nuôi, ăn gì cũng được, ngủ đâu cũng xong. Nhưng với tội phạm bị truy nã thì chỉ có một cái đích là đưa chúng khỏi vòng lẩn trốn để nghiêm trị cho dù phải đi đến bất kỳ nơi nào”.

Sinh mệnh đặt trên hết

Trung tá Phan Chí Hùng, trưởng đội tham mưu PC52, chia sẻ: “Quyết liệt bắt tội phạm nhưng anh em luôn tự căn dặn không thể bất chấp sinh mệnh của bản thân, của người xung quanh và kể cả tội phạm”. Trung tá Hùng nhớ lại khi bắt Trần Quang Việt (Việt ”cỏ”, quê Hải Phòng), một đối tượng bị truy nã về tội giết người, luôn mang theo khẩu rulo. Anh em đã phát hiện Việt thi thoảng về một ngôi nhà ở Bình Tân cùng đồng bọn đánh bài ăn tiền nhưng không thể bắt ngay để tránh xảy ra đọ súng gây nguy hiểm. Lãnh đạo PC52 thực hiện giả định các trường hợp như nữ nhân viên tặng hoa, sửa chữa điện nước... nhưng cuối cùng chọn giải pháp kiên nhẫn là túc trực canh chừng để tránh đổ máu. Sau nhiều tháng mật phục, cuối cùng ngày 21-8-2011 khi Việt dẫn xe ra khỏi nhà, vừa quay lại khóa cửa thì bị lực lượng truy nã bắt giữ không để đối tượng kịp rờ đến khẩu rulo.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên