12/08/2015 07:29 GMT+7

Những đoàn tàu trật bánh

NGUYỄN THỊ PHINH (Thanh Hóa)
NGUYỄN THỊ PHINH (Thanh Hóa)

TT - Từ khi biết điểm thi THPT đến nay, thi thoảng tôi lại nhận được một email của học trò về việc chọn ngành học.

Thư của các em vừa mang tâm trạng lo sợ bị rớt đại học, vừa băn khoăn khi phải nộp hồ sơ vào những trường, những ngành không phải thế mạnh của mình.

Có em sau khi than thở đã tỏ ra buông xuôi: “Thôi em cứ nộp cô ạ, đằng nào thì bố em cũng đã nói rồi, nếu may mắn đỗ vào trường này thì em còn có cơ may xin được việc làm”.

Đang trong giai đoạn gấp rút nộp rồi rút hồ sơ, nhiều em tỏ ra khá lúng túng. Có em rất thích nộp hồ sơ vào trường đại học luật nhưng lại không nhận được sự đồng tình của bố mẹ vì “sau này ra trường biết xin việc ở đâu?”.

Em khác có ước mơ làm cô giáo nhưng mẹ em lại định hướng em nộp vào trường kinh tế. Bởi theo mẹ của em, "chỉ cần có tấm bằng thì ném đâu cũng sống được", cùng lắm là vào làm trong công ty của người quen.

Cũng có em gái tâm sự: “Em rất thích được học chuyên ngành thiết kế thời trang nhưng bố mẹ bảo nghề đó không sang, không có tương lai!”.

Một học trò nam lại bị bố mẹ ra điều kiện: “Nộp hồ sơ vào trường nào cũng được, miễn phải là ngành y”. Tôi rất muốn các em hãy bảo vệ ước mơ của mình, nhưng có em nhăn nhó: “Bố mẹ em bảo thủ lắm cô ạ. Cô giúp em thuyết phục bố mẹ được không cô?”.

Tôi cũng có trò chuyện chân tình với phụ huynh của em nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Với không ít phụ huynh, con chọn ngành học phải “sang”, phải “oai”, hay những ngành sau này dễ kiếm ra tiền, dễ tìm được chỗ đứng. Thế nên nhiều em phải gạt đi ước mơ của mình, để rồi đằng sau bộ hồ sơ đại học ấy là những nỗi niềm trắc ẩn, là những tiếng thở dài.

Có một người mẹ nói rằng thời buổi này không có chỗ dành cho đam mê. Vào học ngành yêu thích nhưng ra trường bỏ xó tấm bằng, chẳng thà nộp vào ngành có việc làm ngay, tự nuôi được thân, không phải ăn bám gia đình, dẫu cho ngành đó có không thích đi chăng nữa.

Chuyện các em từ bỏ đam mê để thi đại học theo ý bố mẹ, hay chẳng thể hình dung được con đường phải đi như thế nào không phải là hiếm.

Thực tế, khi không được đặt đúng vị trí thì các em không thể phát huy được thế mạnh của mình. Điều này hầu như ai cũng biết, nhưng nhiều phụ huynh vẫn cứ mắc sai lầm, vẫn o ép con theo ý mình, vẫn sai lầm này nối tiếp sai lầm kia.

Hằng năm, chuyện các em tốt nghiệp ra trường rồi thi lại đại học rất nhiều. Cũng có em cứ phải theo đuổi con đường mà mình không yêu thích. Thật buồn khi thấy không ít học trò đang “dở khóc dở mếu” khi không được sống thật với con người mình, phải ém chặt niềm đam mê của mình để vui lòng cha mẹ.

Vì những lý do rất riêng, những bộ hồ sơ chọn ngành học được gửi đi mang bao tâm trạng, nỗi niềm, thậm chí là nỗi buồn của người gửi. Tôi rất ủng hộ ước mơ của các em, rất muốn các em đi theo con đường của mình, bởi tôi không muốn các em như những đoàn tàu trật bánh, chệch choạc, chao đảo trước hành trình tương lai của mình.

NGUYỄN THỊ PHINH (Thanh Hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên