22/09/2022 10:27 GMT+7

Những điều thú vị từ quyển truyện tranh dày nhất thế giới

THÁI Ý
THÁI Ý

TTO - Quyển truyện tranh dày 21.450 trang, phiên bản giới hạn của bộ truyện tranh dài tập One Piece của Nhật đang được coi là cuốn sách dày nhất thế giới hiện tại.

Những điều thú vị từ quyển truyện tranh dày nhất thế giới - Ảnh 1.

Quyển truyện tranh dày nhất lịch sử là phiên bản giới hạn của bộ truyện tranh "One Piece" - Ảnh: JBE

Với 21.450 trang, về cơ bản là không ai có thể cầm lên và đọc như bình thường được. Điều này biến cuốn sách trở thành một dạng tác phẩm nghệ thuật chỉ nên dùng để trưng bày, hoặc là ấn phẩm kỷ niệm đối với người hâm mộ của một trong những bộ truyện tranh của thời đại này.

Với giá lên đến 1.640 bảng Anh (khoảng 44 triệu đồng), cuốn sách không được ghi công cho Eiichiro Oda, tác giả gốc của One Piece, mà thay vào đó là Ilan Manouach, người lên ý tưởng và chịu trách nhiệm thiết kế phiên bản giới hạn với tựa đề ONEPIECE (chơi chữ: Một mảnh liền nhau, thay vì một bộ truyện tranh nhiều tập đăng hằng tuần trên tạp chí Shōnen Jump của Nhật kể từ năm 1997).

Manouach sử dụng phiên bản kỹ thuật số được phát hành tại Nhật Bản của One Piece để kết nối chúng lại với nhau, coi các tập truyện tranh như là "chất liệu điêu khắc", theo Nhà xuất bản JBE của Pháp.

Người phát ngôn của JBE nói với báo Guardian rằng ONEPIECE là "tác phẩm điêu khắc có hình dạng của một cuốn sách - tác phẩm lớn nhất cho đến nay về số trang và chiều rộng gáy sách".

Dù nó được phân loại là sách truyện hay là tác phẩm điêu khắc, thì có vẻ ONEPIECE vẫn có một thị trường riêng. Bằng chứng là phiên bản giới hạn chỉ 50 bản này đã được bán hết trong vài ngày kể từ ngày phát hành 7-9.

Tác phẩm của Manouach phản ánh "sự phong phú của nội dung trực tuyến và sự số hóa của ngành công nghiệp truyện tranh", cũng như "thách thức kỹ thuật thủ công truyện tranh hiện đại", theo như những gì nhà xuất bản của ông chia sẻ với truyền thông.

JBE cũng mô tả truyện tranh là "vật thể kép", có "giá trị sử dụng" cho người đọc và "giá trị trao đổi" cho người sưu tập. Khi tạo ra một cuốn sách mà không ai có thể đọc, Manouach đã biến truyện tranh trở thành một dạng hàng hóa mới.

Khi được hỏi liệu tác giả gốc của bộ truyện là Eiichiro Oda có tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện hoặc góp mặt dưới tư cách cố vấn cho phiên bản ONEPIECE hay không, cũng như về vấn đề bản quyền, người phát ngôn của JBE cho biết: "Tác phẩm của Manouach xoay quanh những vấn đề tồn đọng của hệ sinh thái truyện tranh, đây là một nhà điêu khắc sử dụng những gì có sẵn trên nền tảng trực tuyến để làm nguồn tài liệu". 

Phía nhà xuất bản tin rằng không thể có hành vi vi phạm bản quyền vì thực tế là không ai có thể đọc cuốn sách truyện này.

Ông Keita Murano - một nhân viên thuộc bộ phận bản quyền quốc tế tại Shueisha, nhà xuất bản truyện tranh manga hiện nắm giữ toàn quyền sử dụng bộ truyện - xác nhận rằng công ty của ông chưa được hỏi ý kiến ​​về cuốn sách phiên bản đặc biệt ONEPIECE này. 

Ông chỉ nêu ý kiến: "Sản phẩm của họ không phải là sản phẩm chính thức. Chúng tôi không cấp quyền cho họ. Nhà xuất bản hợp pháp của One Piece tại Pháp là Nhà xuất bản Glénat".

Eiichiro Oda có thể không nhận được bất kỳ khoản tiền bản quyền nào từ việc xuất bản phiên bản ONEPIECE, nhưng bộ truyện tranh đã đưa ông trở thành tác giả truyện tranh manga giàu nhất mọi thời đại, với giá trị tài sản ròng ước tính khoảng 200 triệu USD. 

Bộ truyện tranh One Piece gốc của ông được sách kỷ lục Guinness liệt kê là có nhiều phiên bản nhất được xuất bản cho cùng một bộ truyện tranh của một tác giả duy nhất, với hơn 416 triệu bản được in cho đến nay.

Hiện tượng "manga" đã lan tỏa khắp thế giới ra sao? Hiện tượng 'manga' đã lan tỏa khắp thế giới ra sao?

TTO - Doraemon, Đội trưởng Tsubasa, Thủy thủ Mặt trăng... là những bộ manga đã xâm nhập vào mọi nền văn hóa thế giới, từ châu Á cho đến châu Phi, Trung Đông. Điều gì giúp manga có sức hút như vậy?

THÁI Ý
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên