Ảnh minh họa |
Bạn đọc tên Ngân chia sẻ với TTO về lần đầu tiên mình đến ga Nha Trang, một nơi được xem là thành phố du lịch nổi tiếng nên khách di chuyển bằng phương tiện tàu không phải ít. Thế nhưng “vệ sinh dọc đường ga không thể tưởng, chưa kể nhà vệ sinh không còn gì để nói, không thể chịu đựng được”.
Ghi nhận những thay đổi tích cực của ngành đường sắt trong những năm qua, nhưng lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch vẫn cho rằng còn đó những điều cần phải điều chỉnh ngay để chất lượng dịch vụ tốt hơn, điển hình nhất là chuyện bố trí thùng rác tại những vị trí thuận lợi để hành khách vứt rác. Cũng theo vị này, ngoài những bảng cấm nên có những khẩu hiệu yêu cầu mọi người giữ vệ sinh chung.
Có cùng cảm nhận về vấn đề vệ sinh trên tàu, bạn đọc Phạm Thế Tùng cho biết toilet trên tàu “cực kỳ kinh tởm”.
Một vấn đề khác mà bạn đọc đề cập là chất lượng bữa ăn trên tàu. “Tôi sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để được ăn ngon hơn. Gọi tô mì mà lõng bõng nước với vài lát thịt làm cảnh thì chẳng muốn ăn rồi” - anh Quốc Bảo (TP.HCM) nói.
Về vấn đề thông tin, có bạn đọc cho rằng “loa thông báo tất cả đều sử dụng tiếng Việt, nếu có thể nên dùng thêm ngôn ngữ tiếng Anh. Có rất nhiều khách quốc tế tự túc, họ sẽ làm gì khi có sự thay đổi mà không hiểu chút gì về bản tin thông báo như thời gian, cửa số…” - bạn đọc đặt câu hỏi.
Chị Nguyễn Linh (Q.8, TP.HCM) đặt vấn đề: Nên chăng ngành đường sắt cần đề ra quy định tàu trễ bao lâu phải có trách nhiệm thông báo với khách hàng qua tin nhắn hoặc điện thoại trực tiếp để khách đỡ mất công đến sớm và chờ đợi?
Sẽ cố gắng phục vụ tối đa
Trao đổi về những phản ảnh của hành khách đi tàu, ông Huỳnh Cường, giám đốc Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội, cho biết tại toa ghế cứng, thùng rác được đặt ở hai đầu toa và trong nhà vệ sinh, toa giường nằm thì mỗi phòng đều có thùng rác riêng.
Theo ông Cường, hiện thỉnh thoảng vẫn có những trục trặc ở phòng vệ sinh do vấn đề công nghệ, dẫn đến tình trạng trên bề mặt thì sạch nhưng lại có mùi. “Vấn đề là nhà cung cấp không bảo dưỡng kịp” - ông Cường nói.
Về vấn đề nhân viên vệ sinh lười biếng và không dọn dẹp, ông Cường cho rằng “chuyện đó là cực kỳ hiếm”.
Ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, cho rằng dù kiểm tra, giám sát thường xuyên nhưng cũng có những nhân viên thiếu ý thức, trách nhiệm trong công việc. "Khi có những phản ảnh cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp thu, chấn chỉnh và sửa chữa” - ông Sang nói.
Về vấn đề thông tin đến khách hàng, ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, cho biết những thông báo bình thường luôn được trình bày bằng hai thứ tiếng là Việt và Anh. Tuy nhiên, những thông báo đột xuất thì không có tiếng Anh.
Ông Sang cho biết thêm những thông tin đột xuất thường chỉ thông báo đến các hành khách có liên quan chứ không thông báo đến cả đoàn tàu. Nếu khách nước ngoài không hiểu thì nhân viên của tàu sẽ trả lời và hướng dẫn cụ thể.
“Trước kia, tôi cũng từng nghe phản ảnh ngành đường sắt chỉ quan tâm đến khách nội địa mà không chăm sóc khách nước ngoài. Tuy nhiên, không chỉ căn cứ vào nội dung thông báo bằng tiếng Việt, tiếng Anh mà nói như vậy được. Khách nào cũng được phục vụ như nhau trên tàu” - ông Sang khẳng định.
“Với điều kiện hiện tại của ngành đường sắt, chúng tôi sẽ cố gắng phục vụ tối đa, dù nhiều khi vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu của hành khách” - ông Sang kết luận.
Đang thiết kế chương trình chăm sóc khách hàng Ông Đinh Văn Sang cho biết hiện đang phối hợp với một đơn vị để thiết kế chương trình chăm sóc khách hàng. Ông Sang cho biết để chính sách chăm sóc khách hàng hiệu quả thì cần có những thông tin cụ thể của khách, chẳng hạn như số điện thoại liên lạc. “Nhưng chỉ mới yêu cầu cung cấp tên thôi thì một số khách hàng đã khó chịu, nay yêu cầu thêm số điện thoại nữa thì có thể họ sẽ còn khó chịu hơn” - ông Sang băn khoăn. |
Nghe các phát biểu trong bài:
>> Ông Huỳnh Cường
>> Ông Đinh Văn Sang
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận