03/01/2022 08:03 GMT+7

Những cuộc 'săn đón' dự án FDI tỉ USD

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Loạt dự án tỉ đô của Foxconn, Lego, Pegatron, Jinko Solar, Luxshare... đã đầu tư vào Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh... năm qua. Đằng sau những cuộc cấp giấy phép là cả một quá trình.

Những cuộc săn đón dự án FDI tỉ USD - Ảnh 1.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VSIP và LEGO - Ảnh: N.K.

Tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào các địa phương trong năm 2021 lên đến hơn 31 tỉ USD. Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chia sẻ với Tuổi Trẻ những cuộc "săn đón" dự án tỉ đô.

Chiến lược thu hút FDI chủ động

Nhìn lại một năm đầy sóng gió, dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho hay chiến tranh thương mại, dịch COVID-19 khiến hàng loạt tập đoàn đa quốc gia cơ cấu lại chuỗi cứng ứng để tránh phụ thuộc vào một trung tâm sản xuất. Một cuộc dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã diễn ra, dòng vốn FDI dịch chuyển từ khu vực Đông Bắc Á sang các nước Đông Nam Á, Nam Á.

Việt Nam có lợi thế, nhưng Indonesia và Ấn Độ cũng vào cuộc cạnh tranh quyết liệt. Để thu hút được hàng chục tỉ USD đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021, Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã thực hiện chiến lược thu hút đầu tư FDI chủ động để tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng.

Ở cấp địa phương, nhiều tỉnh thành cũng triển khai kế hoạch tiếp cận nhà đầu tư chiến lược và chủ động "săn đón" các dự án tỉ đô.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, ngay trong dịch bệnh, các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn được duy trì dưới hình thức trực tuyến. Bên cạnh các hội nghị, hội thảo quảng bá môi trường đầu tư, bộ vẫn có các cuộc họp riêng với các đối tác lớn như Google, Apple, Intel, Dell... và luôn lắng nghe, cung cấp đủ thông tin họ quan tâm.

Trong một số trường hợp đặc biệt, như các nhà đầu tư AT&S, Amkor hay dự án Lego đầu tư hơn 1 tỉ USD làm nhà máy trung hòa cacbon ở Việt Nam, Bộ KH&ĐT cho hay đã thành lập các đoàn công tác để cùng đồng hành với nhà đầu tư từ khâu hỗ trợ nhập cảnh đến khảo sát địa bàn, kết nối, làm việc với các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh việc duy trì và thắt chặt quan hệ hợp tác đầu tư với các đối tác đầu tư truyền thống từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ..., Việt Nam đang xây dựng và cải thiện quan hệ hợp tác đầu tư với các quốc gia châu Âu như Áo, Bỉ, Phần Lan, Anh, Pháp, Thụy Sĩ. Sự chủ động trong xúc tiến đầu tư, tiếp xúc doanh nghiệp FDI trong năm qua, theo ông Dũng, bước đầu mang lại kết quả nhất định khi nhiều nhà đầu tư lớn đã cam kết đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh đi "săn đại bàng"

Những dự án đầu tư tỉ đô xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại Quảng Ninh, theo bà Vũ Thị Kim Chi - phó trưởng ban thường trực Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, không phải do tỉnh đưa ra nhiều ưu đãi hơn địa phương khác mà do lãnh đạo tỉnh chủ động tìm tới những nhà đầu tư lớn ngay cả khi họ chưa có nhu cầu mở rộng đầu tư.

Ví dụ, nghe tin Foxconn sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, lãnh đạo Quảng Ninh đã chủ động tiếp cận và mời đại diện Foxconn tại Việt Nam về Quảng Ninh tìm hiểu địa điểm. Khi mời được ông Harry Zhuo - tổng giám đốc Tập đoàn Foxconn - tới Quảng Ninh, Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh đã trực tiếp đưa nhà đầu tư đi giới thiệu nhiều địa điểm.

Chính sự chân tình, cởi mở đã đưa tới kết quả Foxconn chọn đầu tư vào Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Hay Samsung, khi họ chưa có ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam thì lãnh đạo tỉnh vẫn quyết tâm mời bằng được ông Choi Joo Ho - tổng giám đốc Samsung Việt Nam - đến Quảng Ninh để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đối với các nhà đầu tư lớn, tỉnh quan niệm ngay cả khi họ chưa có ý định đầu tư thì lãnh đạo tỉnh vẫn mời họ về để tìm hiểu.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, với từng dự án trọng điểm lớn của các "đại bàng" như Texhong, Foxconn, Jinko Solar..., Quảng Ninh đều lập tổ công tác do chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh đứng đầu để trực tiếp hỗ trợ triển khai, nên hầu hết các vướng mắc đều được gỡ ngay.

Những cuộc săn đón dự án FDI tỉ USD - Ảnh 2.

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại di động, Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh - Ảnh: TRẦN VŨ NGHI

"Lót ổ" nhiều năm để đón "đại bàng"

Là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI trong năm 2021, đến nay Bắc Ninh không chỉ được Samsung mà còn nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Canon, Foxconn, ABB... lựa chọn để đầu tư.

Theo ông Nguyễn Quang Thành - phó giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Ninh, những năm qua tỉnh này luôn kiên định thu hút dự án đầu tư sử dụng ít lao động, ít đất, suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh thực hiện "5 sẵn sàng" gồm sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch.

Ông Lê Ánh Dương - chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - thì cho hay một trong những dấu ấn về thu hút đầu tư FDI của tỉnh này năm qua là cấp chứng nhận đầu tư nhà máy Fukang Technology cho Tập đoàn Foxconn chỉ trong 4 ngày. Đây là nhà máy chuyên sản xuất iPhone, iPad, MacBook cho Apple với quy mô khoảng 8 triệu sản phẩm/năm. Đại diện của Foxconn tại Việt Nam đã rất bất ngờ khi nhận chứng nhận đầu tư chỉ trong ngày thứ 4.

"Có những giọt mồ hôi ít người nhìn thấy nhưng có lợi chung thì cố gắng làm" - một vị lãnh đạo tỉnh vui mừng nói và cho rằng vẫn còn nhiều thách thức cần các cấp, các ngành cùng nỗ lực vượt qua. Vì các nước khác họ cũng đang tiến rất nhanh. Việt Nam không thể bị bỏ lại vì như vậy ảnh hưởng đến việc làm, tiềm năng phát triển và cả cơ hội vươn lên của đất nước.

31,15 tỉ USD

Đó là tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-12-2021, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%.

6 giải pháp lớn thu hút đầu tư của Việt Nam

Chiến tranh thương mại và quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng đã diễn ra mạnh mẽ, đại dịch là tác nhân quan trọng. Để tăng sức hút, đón đầu dòng dịch chuyển FDI, Bộ KH&ĐT tiếp tục đề xuất 6 giải pháp lớn, trong đó điển hình như chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ;

xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp, công ty tư vấn, công ty luật... để tiếp cận, lên danh sách các doanh nghiệp đang có quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư...

Bất cứ lúc nào cũng có thể gặp lãnh đạo tỉnh

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, bất cứ thời điểm nào nhà đầu tư cũng có thể gặp trực tiếp lãnh đạo tỉnh để đề xuất tháo gỡ khó khăn. Tỉnh cũng lập đường dây nóng lắng nghe phản ánh từ các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho họ.

Sau khi cấp phép đầu tư các dự án lớn, Bắc Giang thành lập tổ công tác riêng để hỗ trợ nhà đầu tư FDI thực hiện các thủ tục liên quan môi trường, đất đai, xây dựng nhà xưởng, kể cả tuyển dụng lao động, phòng chống dịch bệnh... Những thủ tục này nếu để nhà đầu tư FDI tự làm sẽ rất vất vả, khi quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài không giống nhau.

Long An trao giấy đầu tư thêm 4 dự án, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI năm 2021 Long An trao giấy đầu tư thêm 4 dự án, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI năm 2021

TTO - Từ ngày 1-10 đến nay, Long An đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án mới vào trong các KCN của tỉnh. Trong năm 2021, Long An đã dẫn đầu cả nước khi thu hút được 35 dự án FDI.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên