19/09/2020 16:02 GMT+7

Những con đập tử thần - Kỳ 2: Tử thần lũ quét

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Vụ vỡ đập Vajont xảy ra ngày 9-10-1963 là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất châu Âu. Bi kịch phát sinh do những người cố tình không tuân theo lẽ tự nhiên để theo đuổi lợi ích cá nhân hoặc chính trị.

Những con đập tử thần - Kỳ 2: Tử thần lũ quét - Ảnh 1.

Tưởng nhớ các nạn nhân tại thung lũng sau trận lũ quét ngày 9-10-1963 - Ảnh: diarioinviaggio.it

Đập thủy điện Vajont tọa lạc dưới chân núi Toc trên thượng nguồn thị trấn nhỏ Longarone, tỉnh Belluno, cách 'thành phố kênh đào' Venizia, Ý chừng 100km. Con đập tạo thành hồ chứa nước từ suối Vajont chảy trên núi xuống để cung cấp điện. 

Đập vòm được xây dựng trong bốn năm (1956-1960), là con đập cao nhất thế giới với chiều cao lên đến 261,6m.

“Thiên nhiên luôn mạnh mẽ hơn lòng tự phụ của chúng ta.

Đạo diễn RENZO MARTINELLI

Nhiều điềm báo từ trên núi

Ngày 9-10-1963, một buổi tối trời mưa tại thung lũng Vajont. Các gia đình chăm chú xem trận chung kết bóng đá châu Âu trên truyền hình. Vào lúc mọi người chuẩn bị đi ngủ, một tiếng động lớn từ bên ngoài vang lên như cơn bão ập đến.

Đột nhiên bóng tối bao trùm thung lũng và ngày tận thế bắt đầu. 270 triệu m3 đất đá từ núi Toc bất ngờ rơi xuống hồ chứa bên dưới gây ra cột nước dâng cao tới 250m.

Khối lượng đất đá lớn tương đương một thành phố nhỏ cùng với vận tốc rơi nhanh của đất lở đã gây ra sóng chấn động mạnh. Nhà cửa và con người bị gió mạnh thổi bay như sung.

22h39, nước lũ khủng khiếp như sóng thần tràn qua đập Vajont ồ ạt đổ xuống thung lũng. 80% dân số thị trấn Longarone thiệt mạng, 1.918 người nằm dưới khối đất bùn và mảnh vụn.

Thi thể nhiều người mất tích không bao giờ được tìm thấy. Có khả năng họ đã bị nghiền nát dưới sức mạnh của sóng xung kích. Chỉ 750 thi thể tìm thấy được nhận dạng. Đến nay, số người chết được xác nhận ước tính 1.917 người.

Trong bối cảnh thê lương ấy, nước Ý có hai luồng dư luận khác nhau. Một bên khẳng định đây là thảm họa đã được các chuyên gia báo trước và có thể tránh được nếu lắng nghe dấu hiệu lạ của núi.

Bên còn lại cho rằng đây là thảm họa không thể dự báo và xảy ra tình cờ trong điều kiện thời tiết xấu.

Thật ra, trước thảm họa đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Giáo sư địa chất nổi tiếng thế giới Léopold Müller người Áo đã từng cảnh báo xây hồ chứa nước bên dưới núi Toc như thế có thể dẫn đến hiện tượng sạt lở đất đá với khối lượng lớn.

Dù vậy, dự án vẫn tiếp tục vì nước Ý đang "khát" điện trong những năm tái thiết hậu chiến và Chính phủ Ý đánh giá nhà máy thủy điện là giải pháp tốt để giải quyết vấn đề thiếu nhiên liệu hóa thạch.

Đập Vajont do Công ty điện lực tư nhân Società Adriatica Di Elettricità (SADE) xây dựng. Công ty này trước đây thuộc sở hữu của cựu bộ trưởng phát xít Giuseppe Volpi di Misurata, người rõ ràng có quan hệ quen biết ở nhiều cấp.

Năm 1959, tức một năm trước khi công trình hoàn thành, có người phát hiện phía bên trái núi Toc có dấu hiệu lở đất rõ ràng, đặc biệt nếu có nước xâm nhập. Song vẫn có ý kiến xác nhận rằng cấu tạo đá kết dính tốt với số lượng mảnh vụn không đáng kể.

Đến tháng 11-1960, một trận lở đất kinh hoàng đã đổ hơn 700.000m3 đất đá từ trên núi xuống hồ chứa. Nỗi nghi ngờ ngày càng gia tăng. Không ít người khẳng định rồi thảm họa sẽ xảy ra, chỉ là không rõ sớm hay muộn và mức độ lớn thế nào mà thôi.

Một số báo ở Ý thời đó như L'Unità đã đăng bài cảnh báo của nhà báo nữ Tina Merlin. Hai năm trước thảm họa, cô đã nhiều lần cảnh báo những rủi ro cư dân trong thung lũng Vajont sẽ phải gánh chịu.

Không ai lắng nghe cô, ngược lại ông chủ tịch Công ty SADE còn kiện cô ra tòa về tội "truyền bá thông tin sai lệch và có động cơ xấu có thể gây rối trật tự công cộng".

Tòa án ở Milan đã tha bổng cho Tina Merlin nhưng phải đến năm 1983 mới có nhà xuất bản dám in cuốn sách Cứu mạng. Thảm họa bùng phát như thế nào. Vụ án Vajont (Sulla pelle viva. Come si costruisce una catastrofe. Il caso Vajont) của cô viết về thảm họa Vajont.

Thậm chí họ còn không muốn cô xuất hiện điều trần tại phiên tòa xét xử vụ án đến khi có thẩm phán can thiệp.

Nhà báo Indro Montanelli cùng một số đồng nghiệp còn đánh giá Tina Merlin viết bài vì mục đích chính trị và khăng khăng cho rằng thảm họa đập Vajont không thể lường trước được. Vài năm sau đó, Montanelli mới thừa nhận mình phạm sai lầm.

Những con đập tử thần - Kỳ 2: Tử thần lũ quét - Ảnh 3.

Du khách tham quan đập Vajont - Ảnh: flickr

Dự báo sai dẫn đến tù tội

Buổi sáng định mệnh 9-10-1963, kỹ sư Alberico Biadene - giám đốc kỹ thuật xây dựng công trình thủy của SADE - đã viết thư cho phó giám đốc Mario Pancini đang nghỉ hè ở Mỹ báo tin có dấu hiệu đáng lo ngại về đập Vajont. Cuối thư Biadene nhắc Pancini nhanh chóng quay về và kết luận: "Cầu xin Chúa ban phước lành cho chúng con!".

Đến 22h, người giữ đập báo động ngọn núi đang chuyển dịch nhưng Biadene chỉ đơn giản khuyên "nên theo dõi". Nhân viên trực ở Longarone nghe điện thoại đã hỏi lại liệu có gì nguy hiểm hay không. Biadene bảo đừng lo lắng và cứ ngủ ngon.

Lúc đó họ đều biết sạt lở xảy ra sẽ cực kỳ nguy hiểm nhưng không ai nghĩ phải mở cửa xả để giảm lượng nước trong hồ chứa. Cũng không ai tưởng tượng được hậu quả kinh khủng nào sẽ xảy ra bởi mọi ước tính đều căn cứ vào các mô hình sai lệch về khối lượng của vụ lở đất lẫn vận tốc lở đất sẽ lên đến 100 km/h.

Trên thực tế lũ quét kinh hoàng đã san bằng thung lũng thành bình địa. Báo chí Ý đã so sánh bức tường nước tràn đập Vajont chẳng khác gì vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima.

Mọi thiếu sót do con người đều phải trả giá. 11 bị cáo được đưa ra xét xử. Trong quá trình xét xử, hai bị cáo qua đời, kỹ sư Mario Pancini tự sát vào đêm trước phiên tòa sơ thẩm.

Sau bảy năm rưỡi trải qua nhiều cấp xét xử, tòa phá án xử giám đốc thẩm vào tháng 3-1971 đã buộc tội kỹ sư Francesco Sensidoni - người phụ trách bộ phận đập của Bộ Công trình công cộng cùng kỹ sư Alberico Biadene của SADE. Những người còn lại đều được tha bổng.

Sensidoni và Biadene bị khép vào tội dự báo sai dẫn đến lũ quét nghiêm trọng và tội vô ý làm chết người. Cả hai đều nhận tội. Sensidoni bị kết án 3 năm 8 tháng tù giam nhưng được hưởng ân xá 3 năm vì lý do sức khỏe.

Trên thực tế Sensidoni không ở tù ngày nào. Biadene bị kết án 5 năm tù giam nhưng được hưởng ân xá 3 năm cũng vì lý do sức khỏe. Biadene chỉ ngồi tù 1 năm rồi được trả tự do do hạnh kiểm tốt.

Nhà báo nữ Tina Merlin đã từ giã cõi đời cuối năm 1991. Sensidoni và Biadene lần lượt qua đời vào năm 1974 và năm 1985.

Thị trấn Longarone đã xây dựng một nhà thờ tưởng niệm do kiến trúc sư người Ý Giovanni Michelucci thiết kế. Nhà thờ gần đập Vajont có nội thất gần giống con đập với bức tường bêtông nghiêng đáng kinh ngạc.

Đập Vajont vẫn còn nguyên vẹn sau thảm họa, nhưng con đập sừng sững ấy luôn nhắc nhớ mọi người rằng hiểu rõ môi trường tự nhiên xung quanh cấu trúc xây dựng phức tạp là điều hết sức quan trọng.

Thảm họa đập Vajont xảy ra do ba sai lầm cơ bản của con người: xây dựng đập thủy điện trong thung lũng không phù hợp về địa chất, nâng chiều cao hồ nhân tạo vượt ngưỡng an toàn, không phát cảnh báo vào tối 9-10-1963 để kích hoạt công tác sơ tán.

Thảm họa đập Vajont đã được tái hiện trong bộ phim Lũ người điên rồ (Vajont - La diga del disonore) của đạo diễn người Ý Renzo Martinelli. Bộ phim hợp tác Pháp - Ý này đã khởi chiếu năm 2001.

Con đập Vajont không còn sử dụng đã được tôn tạo thành địa điểm du lịch ký ức.

***************

Bứt rứt khi nhìn thấy mẹ rơi nước mắt khi xem cảnh lũ lụt trên truyền hình, cậu con trai cùng người bạn đồng chí hướng từ Mỹ lên đường sang Ấn Độ nghiên cứu vụ vỡ đập Machhu II.

Kỳ tới: Truy tìm sự thật kinh hoàng

Những con đập tử thần - Kỳ 1:  Đêm chết chóc của đập vòm Malpasset Những con đập tử thần - Kỳ 1: Đêm chết chóc của đập vòm Malpasset

TTO - “Trong các cấu trúc do con người xây dựng, đập gây chết chóc nhiều nhất” - kỹ sư cầu đường Pháp André Coyne từng nhận xét.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên