Đó là những năm thập niên 1980, mỗi lần xe gần tới trạm kiểm soát chống buôn lậu là cả hành khách lẫn bác tài, lơ xe nhốn nháo hẳn lên. Có hôm bà buôn hàng còn dúi cho tôi bọc gạo và giọng ngọt như mía: "Cưng cứ nói là học sinh mang chút gạo lên thành phố ăn, mấy ổng thương cho qua".
Nhớ mùi khó tả trên xe
Bây giờ nhớ lại hồi đó, thấy nhiều chuyện cũng lạ thiệt. Thuở ngăn sông cấm chợ gắt gao sau năm 1975, các quốc lộ, tỉnh lộ lớn nào ở miền Nam cũng có trạm kiểm soát hàng lậu gắt gao.
Nhiều trạm có cả công an, du kích cầm súng, cầm còng nhưng người ta vẫn có đủ chiêu để lọt qua trạm. Và chiếc xe đò cứ như là cả một cái chợ hỗn tạp đầy người quê hiền lành, chất phác lẫn kẻ lém lỉnh, khôn ngoan kiếm kế mưu sinh...
Mà xe đò ngày ấy thì người trẻ sinh cuối thập niên 1990 chắc khó có thể hình dung nổi. Đó là những chiếc hầu hết đều đã hoạt động từ trước năm 1975, có tuổi ít nhất cũng 20-40 năm và cũ nát đến mức hành khách có thể thấy mặt đường dưới chân mình vì sàn xe bị mục thủng lỗ chỗ.
Xe không có máy lạnh như giờ, cũng không có quạt, lại luôn nhồi nhét nhiều người hơn số ghế nên cứ hầm hập nóng như gian bếp củi nhà quê.
Hơi nóng cộng với mùi khét lẹt của dầu nhớt, mùi chua lét của ai đó ói mửa, rồi mùi mồ hôi, mùi dầu tràm bà đẻ, mùi cá khô, cá mắm, kể cả mùi phân gà, phân vịt quyện nhau tạo thành một thứ mùi vô cùng khó tả mà nhiều năm sau nhắc lại tôi vẫn nôn nao không thể quên.
Khi xe chạy có gió lùa qua cửa sổ còn đỡ, lúc xe nằm đợi khách hay hư hỏng dọc đường thì thôi rồi tía má ơi. Hơi nóng và những mùi khó tả đó càng dậy lên, càng quyện vào nhau hành hạ người đi xe.
Nhưng ai đó có khó chịu, bực bội thì cố mà găm trong bụng. Ở cái thời thiếu thốn xe cộ, hành khách nào mà càm ràm thì rất dễ bị đuổi như quăng xuống xe. Mà những chiếc xe đò Desoto cũ kỹ ngày đó có hai cửa trước, cửa sau, tức là ngoài tài xế còn có hai lơ xe.
Dân Sài Gòn lại hay nói câu "đồ mặt lì, mặt chai như cái thằng lơ xe". Hành khách đừng có dại dột mà càm ràm những kẻ phong sương mưa nắng này.
Tuy nhiên, dù nói gì thì nói, tôi rong ruổi nhiều vùng miền, vẫn thấy cánh tài xế và lơ xe miền Tây thường chỉ dữ thần cái miệng, chớ bụng thì lành trớt. Nhà tôi ở Tây Ninh mỗi lần lên Sài Gòn thăm bà con, vẫn thấy cảnh "xin đi ké".
Đó là người lớn dẫn con cháu nhỏ đi theo, xin anh lơ cho ngồi chung một ghế để đỡ tiền mua vé thứ hai. Nói là em bé chứ nhiều khi cũng đã trồng trộng trên dưới mươi tuổi ráng ép mình ngồi vào lòng cha mẹ, ông bà. Năm tháng khó khăn, bớt được một vé xe là đỡ lắm vì vừa khó mua vé vừa quá khó kiếm đồng tiền.
Qua trạm kiểm soát buôn lậu
Còn nhớ hồi đó xe đò miền Nam cũng nhồi nhét hành khách nhưng đỡ hơn miền ngoài. Lơ xe thường đặt thêm "ghế xúp" dọc giữa xe. Ai không mua được ghế chính thì ngồi ghế này, tất nhiên là giá vé rẻ hơn.
Ngán nhất là hàng hóa lỉnh kỉnh chất đầy nhóc, từ những chiếc xe đẹp, quang gánh, rổ rá ràng trên mui xe đến trăm thứ nhét lẫn lộn chỗ ngồi hành khách. Các bà đi buôn gạo thường giấu đồ trước khi khách lên xe. Đó là những cái bọc dưới gầm ghế và bất cứ cái hốc nào khuất tầm nhìn.
Tôi từ Tây Ninh lên TP.HCM, bị chặn xe ở trạm kiểm soát Suối Sâu. Chục xe bị dừng đủ chục để kiểm tra hàng lậu mà thường là gạo quê đưa lên bán lại ở thành phố, sau này có thêm một số mặt hàng khác như dầu tràm, thịt heo cũng bị kiểm soát.
Mấy bà buôn xin xỏ các anh chống buôn lậu hay chia nhỏ đồ để nhờ hành khách nhận giúp không được thì chỉ còn cách quăng bài lơ, "em hổng biết gì" khi bị phát hiện. Thế là nhiều xe bị giữ lại mấy tiếng đồng hồ, thậm chí nửa ngày hay cả ngày là chuyện thường.
Tài xế lanh lợi đi ra phía sau nhà trạm kiểm soát để "nói chuyện" xin thông xe, nhưng nói chung là các trạm kiểm soát chống buôn lậu hồi đó rất gắt gao.
Trạm kiểm soát Tân Hương trên quốc lộ 1, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Tiền Giang từng khét lẹt tiếng tăm với câu "Gạo của Đỗ Mười, Đỗ Mười Một, Mười Hai gì cũng bắt". Đó là câu trả lời của cán bộ chống buôn lậu khi lơ xe xin xỏ "đây là gạo địa phương biếu cho ông Đỗ Mười đi công tác miền Nam".
Mỗi lần cán bộ trạm lên xe kiểm tra thì tất cả hành khách bị đuổi xuống hết. Họ lật từng cái ghế, mở từng cái giỏ, bao đồ xe xem có giấu gạo, thịt heo, dầu tràm gì đó không.
Tôi nhớ có lần đi qua trạm Đức Lập (Long An), mấy anh chống buôn lậu làm căng cả với bao gạo nhỏ xíu của một ông già đã có chữ ký giấy phép địa phương cho mang ít gạo lên thăm con cháu bệnh hoạn gì đó.
Ông già mặc đồ bà ba đen, kiểu dân bưng biền chất phác, bực quá đổ tung bao gạo ra đường. Thế là bị mấy anh du kích lấy dây thừng trói tay. Tài xế tốt bụng, ráng dừng xe đợi ông già nhưng rồi đành phải chạy đi, còn ông già vẫn kẹt lại ở trạm kiểm soát không biết về sau ra sao...
Nơi tiễn người đi
Thời nay không xe cộ nào cho người lên bán đồ ăn trên xe, nhưng năm tháng ấy thì đầy nhóc. Từ mấy cô bé bán nước mía, xiro, xá xị bỏ trong bọc ni lông cắm ống hút cho tiện uống đến bánh mì, kẹo đậu phộng, bắp luộc, cóc ổi mía ghim đều được lên xe tất tần tật.
Thậm chí cả mấy anh chàng cởi trần, mình đô, mang danh Sơn Đông mãi võ lên bán mấy cục thuốc trị đau nhức tròn tròn đen xì bằng đầu ngón tay.
Xe nào cũng chật cứng hành khách, vậy mà họ vẫn luồn lách đi lên đi xuống, oang oang mời chào như chốn không người. Có hành khách vui vẻ mua đồ, có hành khách khó chịu ra mặt. Còn tài xế và lơ xe vẫn tỉnh như ruồi. Chẳng biết họ được lợi lộc gì...
Nhắc ký ức một thời khó quên về những chuyến xe từ quê lên thành và ngược lại, tôi có vô vàn kỷ niệm, nhưng ấn tượng nhất vẫn là những bến xe.
Hơn 30 năm trước, bến xe hoàn toàn không giống như giờ. Nơi tiễn đưa người đi, đón kẻ về, mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa thì nước đọng, rồi rác rưởi và đủ thứ mùi chua lét của ai đó ói mửa, kể cả mùi nước tiểu khai nồng của những đứa bé, kể cả của tài xế, lơ xe "xả bậy" vào góc khuất hông xe.
Nhưng không gian đó vẫn không hề làm giảm đi sự háo hức của đứa học sinh chuẩn bị hành trình đầy hấp dẫn về thành phố mà thường nó sẽ được ba má mua cho một ổ bánh mì để thèm thuồng ăn trên xe. Thi thoảng, nó còn được má mua cho một đĩa cơm sườn chan hành mỡ thơm phức.
Hơn 30 năm rồi, nó vẫn như chảy nước miếng khi nhắc tới đĩa cơm sang trọng thời nghèo khó đó. Má thường chỉ dám mua một đĩa, để cho con mình được ăn miếng sườn, còn má gọi chén cơm thêm để chan nước mắm chua ngọt mà ăn với con.
Và bây giờ, 30 năm sau, nó vẫn tiếp tục nhiều hành trình trên những chuyến xe máy lạnh, giường nằm, ghé uống cà phê sữa, ăn phở ở trạm dừng mà nhớ má vô cùng. Ước gì má còn sống, để nó được gọi đĩa cơm sườn cho má như ngày xưa má đã nhịn miệng để dành cho con...
Người thời nay đi xe đò máy lạnh, giường nằm, vào trạm dừng chân rộng rãi, đầy đủ đồ ăn thức uống sạch sẽ. Còn hồi thập niên 1980 thì đó là hình ảnh hoàn toàn khác.
Anh lơ xe không ngồi yên sau cánh cửa như bây giờ mà luôn bám vào cửa, thò người ra ngoài để đón khách dọc đường. Miệng anh ta bai bải không thua kém gì cái loa: "Xe đi Tây Ninh, Bình Phước, cô bác nhanh lên". Miệng anh ta vừa nói, tay vừa kéo hành khách lên lúc xe chưa dừng hẳn và nhiều tai nạn đã xảy ra, nhất là với người ít đi xe.
Còn dân đi nhiều thì cứ mặt lạnh, đợi xe dừng hẳn mới chịu lên xuống. Tôi cũng hay được ba má dặn dò "nhớ xe dừng hẳn an toàn, mới xuống nghe con".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận