22/06/2023 14:16 GMT+7

Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 8: Nhớ những chuyến xe đò nơi miền sông nước

Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - những chuyến xe ắp đầy kỷ niệm đó nay vẫn còn trong ký ức nhiều người.

Hình ảnh cũ kỹ đầy hoài niệm bên trong xe đò thời bao cấp, nhưng thường là đông nghịt khách - Ảnh tư liệu

Hình ảnh cũ kỹ đầy hoài niệm bên trong xe đò thời bao cấp, nhưng thường là đông nghịt khách - Ảnh tư liệu

"Trên chuyến xe năm nào xuôi về miền Tây, tôi quen một người em gái. Mái tóc buông bờ vai, ánh mắt say hồn ai, lòng tôi vẫn chưa mờ phai...". Mỗi lần nghe bài hát Chuyến xe miền Tây của tác giả Đài Phương Trang này, tôi lại nhớ về những chuyến xe ắp đầy kỷ niệm...

Mòn mỏi đợi xe đò chạy

Gia đình tôi sống tại Sa Đéc nhưng nhà ngoại ở Sài Gòn nên năm nào chị em tôi cũng được đi xe đò vài lần vào dịp lễ, Tết. Phần nhiều xe đò hoạt động ở miền Tây vào những năm 1980 có gắn chữ DESOTO với hai cửa để khách lên xuống ở phía trước và sau nhưng ít khi được đóng kể cả lúc xe chạy. Bởi đó là chỗ mấy anh lơ đứng nhoài người ra ngoài đón khách hoặc vừa hò hét vừa đập vào thùng xe để cảnh báo những phương tiện lưu thông cùng chiều nhường đường.

Cửa sổ xe bám đầy bụi bặm lại gỉ sét nên chỉ được kéo xuống khi trời mưa, còn bình thường khách kéo lên hết cho thoáng vì làm gì có máy lạnh thời đó. Sàn xe hay gia cố thêm bằng ván, ghế ngồi có lưng dựa thẳng đứng được bện bằng những sợi dây ni lông bạc màu, tơi tả theo thời gian. Hành lý của ai thì để dưới gầm ghế người đó. Nhưng phần lớn mấy người bạn hàng đi buôn quen với chủ xe đã xí chỗ trước với những bao hàng nặng trịch, khách có ấm ức cũng chỉ biết làm thinh ngồi ôm khư khư hành lý trong lòng.

Ở hầu hết các bến xe đò đi TP.HCM (dân gọi tắt là xe chạy thành phố) luôn được đậu đón khách ở chỗ đắc địa, nổi bật nhất trong bến. Cũng vậy, tại bến xe Sa Đéc, xe đò đi thành phố được bố trí đậu ngay đầu bến, trước mặt tiền trụ sở công ty xổ số kiến thiết.

Phải có vé trên tay, hành khách mới được anh lơ cho lên xe và xếp chỗ ngồi. Hàng hóa, hành lý cồng kềnh bị thu thêm tiền và thỏa thuận miệng nên khách và nhà xe cứ hay kỳ kèo thêm bớt.

Mỗi chuyến xe đò thường gánh thêm lượng hàng hóa không thua gì chiếc xe tải. Thượng vàng hạ cám thứ gì cũng được chất hết lên xe. Từ máy móc, xe cộ cho đến nông sản, gia súc. Sa Đéc nổi tiếng làng nghề làm bột nên những chuyến xe đò xuất bến từ đây thường chở theo bột gạo. Nếu bột khô được đóng trong các bao giấy cỡ chục ký sạch sẽ, còn bột ướt luôn là nỗi ám ảnh người đi xe bởi cái mùi chua đến lợm giọng.

Sa Đéc bấy giờ là tỉnh lỵ Đồng Tháp, nhưng mỗi ngày chỉ có ba chuyến xe đi TP.HCM rồi quay đầu về trong ngày. Với quãng đường 145km này, xe đò thường mất 6-7 tiếng, thậm chí lâu hơn do đường sá gồ ghề, nhỏ hẹp. 

Các chuyến xe xuất bến cách nhau một tiếng với xe tài nhất khởi hành lúc 5h30. Đây cũng là chuyến được gắn cái bảng "xe thư" màu đỏ trên tấm kiếng xe phía trước với nhiệm vụ chở thư, báo, bưu phẩm đi TP.HCM nên được ưu tiên qua phà và ít bị kiểm soát. 

Quy định vậy nhưng xe thường xuất bến trễ do phải đợi cho đầy khách. Khi tài xế bước lên nổ máy xe cũng là lúc hành khách trên xe chộn rộn lên hẳn. Tiếng í ới gọi người thân đang còn đứng mua đồ dưới bến, tiếng người đi kẻ ở tạm biệt nhau và cả tiếng thở phào nhẹ nhõm của nhiều người mừng vì sắp thoát cảnh ồn ào, hỗn tạp ở bến xe.

"Mời bà con cô bác xuống xe, qua phà"

Bến phà Mỹ Thuận cách Sa Đéc hơn chục cây số nên hành khách ngồi chưa ấm chỗ đã phải xuống xe. Anh lơ cầm xấp vé, đứng ngay cửa xe hò hét rân trời: "Mời bà con cô bác xuống xe qua phà, nhớ là xe mình số 66A... Ăn uống, mua sắm gì cũng tranh thủ nghen bà con". Những người lười đi bộ hoặc còn lưỡng lự chưa chịu xuống sẽ bị la tiếp: "Xuống hết nghe, chỉ ông bà già với con nít được ở lại!".

Hầu hết đường về các tỉnh miền Tây đều đi hướng này nên lượng xe cộ qua phà Mỹ Thuận rất đông. Mỗi chuyến xe thường mất 2-3 tiếng mới qua tới được bờ bên kia. Nhằm bữa phà hư, xe gặp sự cố hay nước cạn thì thời gian chờ đợi kéo dài tới 5-6 tiếng, thậm chí cả ngày trời.

Mỗi bến phà như cái chợ nhỏ buôn bán thâu đêm, suốt sáng. Hàng quán sát hai mặt đường treo lủng lẳng bánh tráng, nem chua, bánh phồng sữa, lạp xưởng... Rồi các quán ăn bán hủ tiếu, cơm tấm, cháo lòng, bún riêu, bánh mì, bánh bao, cà phê, nước ngọt... thứ gì cũng có. 

Dù đang ăn uống gì thì ai nấy cũng phải để mắt ngó chừng chiếc xe của mình đang đậu ở đâu, sắp xuống phà chưa. Chỉ tội mấy đứa nhỏ đang trệu trạo nhai chưa kịp nuốt đã nghe người lớn đốc thúc: "Ăn nhanh cho kịp qua phà".

Người cẩn thận hơn thì đi xuống bến, đứng đợi sẵn ở cái phao nổi chờ coi xe mình lên chiếc phà nào thì đi theo lên phà đó. Gặp bác tài dễ tính, khi đã xuống phà rồi sẽ cho hành khách lên xe luôn. Còn không thì sau khi phà đã cập bến, mọi người phải chạy bộ "ba chân, bốn cẳng" theo xe lên tới đúng điểm đón cách bến phà gần cả cây số. 

Có lúc xe qua trước rồi mà khách còn ngồi bên đây. Có khi thì khách qua trước, xe còn nằm bên kia, khách lại phải ngồi chờ, chừng nào xe qua mới đi tiếp được. 

Rồi cũng nhiều trường hợp hành khách lên lộn xe. Lúc nhận ra thì xe đã chạy xa, khách phải năn nỉ bác tài dừng lại để xuống trong khi mấy anh lơ xe cằn nhằn, chửi bới. Thỉnh thoảng cũng có người bị mất đồ đạc khi xuống phà do kẻ gian trà trộn lên xe.

Hình ảnh xe đò cũ kỹ một thời với hai anh lơ xe đứng ở cửa xe vẫy khách - Ảnh tư liệu

Hình ảnh xe đò cũ kỹ một thời với hai anh lơ xe đứng ở cửa xe vẫy khách - Ảnh tư liệu

Và những chuyện khó quên

Đường sá ở miền Tây ngày ấy tuy không hiểm trở như ở miệt ngoài nhưng liên tục đi qua những cây cầu to, nhỏ. 

Có cầu chỉ vừa đủ một chiếc xe đò chạy qua nên xe cộ phải xếp hàng dài hai bên chờ đợi người điều tiết giao thông ngồi trên cái chòi giữa cầu quay bảng cho phép qua cầu hay phải dừng lại. 

Có cầu tạm được ghép bằng những tấm sắt lớn, khi xe chạy qua kêu ầm ầm làm hành khách đang ngủ lim dim phải giật bắn mình tưởng bom đạn nổ. Cũng có những cây cầu dốc thiệt cao để thuyền ghe dưới sông qua lọt nhưng lại là thách thức cho những chiếc xe đò rệu rã. Xe lên một đoạn thì khừng khực, tắt máy rồi tụt trở xuống dốc. Mấy anh lơ xe đồng loạt nhảy xuống, rút cục gỗ hình tam giác chèn vô bánh để xe khựng lại trong lúc đợi bác tài loay hoay nổ máy xe.

Xe đò thời đó máy móc cũ, mỗi lần sửa chữa cũng chỉ chắp vá theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia nên xe nằm đường là chuyện thường ngày. Bác tài và lơ xe phải kiêm luôn thợ máy mỗi khi xe gặp sự cố. 

Tôi nhớ có lần xe hư ở đoạn đường đồng trống giữa trưa. Tới lúc mở máy ra, nghe nói là hư tới ba, bốn bộ phận khác nhau. Vậy là những người của nhà xe từ bà chủ, bác tài và cả mấy anh lơ xe mỗi người cầm mỗi thứ đón xe khác đi tìm chỗ sửa. Trên xe, hành khách phải chờ đợi với cái bụng đói meo. Rồi đâu tới chiều tối mịt mới có đủ mấy bộ phận ráp vô để xe đi tiếp.

Cũng vì máy móc cũ nên người ta chế ra cái kiểu làm mát máy xe khá lạ. Trên nóc mỗi xe có hẳn một phuy nước lớn đặt nằm ngang. Nước được dẫn xuống làm mát máy xe sau đó cho chảy thẳng xuống mặt đường, cho nên xe chạy tới đâu cũng có một vệt nước chảy theo. Mỗi lúc nước trên mui sắp cạn, xe sẽ tấp vô những điểm có ghi tấm bảng lớn "Đổ nước mui xe" để đổ đầy phuy nước rồi lại lên đường...

Các phà Mỹ Thuận thường lớn, hai tầng với hai mỏ bàn phà có thể nâng lên hạ xuống để xe cộ di chuyển dễ dàng không phải quay đầu lại. Cặp theo hai bên hông phà có hành lang ở trên lầu với băng ghế dài cho hành khách nghỉ chân, hóng mát. Những hôm nước lớn chảy xiết, chiếc phà không đi thẳng qua bên kia sông mà chạy vòng xuống hạ lưu, nương theo dòng nước rồi mới từ từ tấp vô bờ.

------------

Đi xe đò miền Nam ngày ấy còn rất nhiều cảnh mà người trẻ thời nay không thể biết được, như khi qua trạm kiểm soát, bà buôn hàng nói giọng ngọt như nước mía: "Con nhận đỡ giùm cô chút đồ này, qua được trạm, cô "thồi" lại tiền vé cho con".

Kỳ tới: Sang xe, đi bộ và qua trạm kiểm soát

Những chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 7: Chuyến xe vượt thác lũ kinh hoàngNhững chuyến xe đò về miền kỷ niệm thương nhớ - Kỳ 7: Chuyến xe vượt thác lũ kinh hoàng

Lái xe đò Tây Bắc ngày ấy không sợ đèo, chỉ sợ suối. Cầu cống đã sập hết vì bom đạn, không ai đoán biết được bên dưới dòng nước là đá ngầm, hố sâu hay cơn lũ quét ập về bất cứ lúc nào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên