Cung thủ Kim Je Deok (phải) ăn mừng sau khi giành chiến thắng - Ảnh: AFP
Nhưng chi tiết đó trở nên kém quan trọng với câu chuyện đằng sau những giờ tập luyện vất vả của anh. HLV Hwang Hyo Jin, người đã huấn luyện Kim Je Deok 2 năm qua, chia sẻ thêm về hoàn cảnh của anh.
Vừa tập vừa chăm sóc cha
"Tôi rất buồn khi nhìn thấy Kim thường phải hét to "cố lên" mỗi lần chuẩn bị bước ra thi đấu. Cậu ấy phải làm vậy để xoa dịu thần kinh của mình" - HLV Hwang nói. Những gì mà Kim trải qua là câu chuyện vượt khó cảm động.
"Mồ côi mẹ từ nhỏ, Kim còn phải chăm sóc người cha bệnh tật của mình. Chúng tôi luôn cố gắng giúp đỡ Kim nhiều nhất có thể. Do phải nghỉ thi đấu một thời gian vào năm ngoái vì chấn thương, Kim đã tập luyện 16 giờ mỗi ngày để lấy lại phong độ trước thềm Olympic" - HLV Hwang nói thêm.
Ngay lập tức, câu chuyện về Kim đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng hâm mộ thể thao Hàn Quốc. "Anh ấy thật tuyệt vời", "Cha anh ấy hẳn rất tự hào"... rất nhiều câu cổ vũ, chúc mừng như vậy đã được cư dân mạng Hàn Quốc gửi đến chàng cung thủ trẻ tuổi.
Việc Kim có thể đến được Olympic Tokyo 2020 là một câu chuyện đầy may mắn khi Thế vận hội phải hoãn lại 1 năm vì đại dịch. Nếu không, anh chắc chắn đã lỡ hẹn vì chấn thương vai khá nặng.
Giờ đây, cuộc đời anh bước sang trang mới với thành tích ấn tượng ở Olympic Tokyo 2020. Không chỉ mức thưởng khổng lồ, việc đoạt HCV giúp Kim Je Deok được miễn nghĩa vụ quân sự và người hâm mộ cũng vui lây vì điều đó đồng nghĩa anh sẽ có thêm thời gian dành cho người cha ốm yếu của mình.
Nhà vô địch đồng tính
Nhiều VĐV đã bật khóc vì hạnh phúc trên bục nhận huy chương, trong số đó có Tom Daley - nhà vô địch nhảy cầu đôi 10m người Anh. Những giọt nước mắt của Daley gói ghém một câu chuyện dài về hành trình vượt qua những thị phi, mặc cảm giới tính cũng như nỗi đau gia đình.
Chàng trai 27 tuổi này đến với thể thao chuyên nghiệp ở lứa tuổi U-10. Và khi bước vào trung học, anh đã được truyền thông Anh mệnh danh "thần đồng nhảy cầu".
Nhưng đó cũng là lúc cuộc đời Daley gặp phải vô số rào cản. Anh trở thành nạn nhân của việc bắt nạt trong trường học vì tính cách dị biệt cũng như sự nổi tiếng của mình.
May mắn cho Daley, anh có một người cha sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ vì con. Ông Robert Daley liên tục chuyển trường cho Tom để tránh tình cảnh anh bị bắt nạt, cũng như hy sinh công việc để có thời gian đưa anh đi du đấu khắp thế giới.
Nhưng mùa hè 2011, ông Robert qua đời vì bệnh u não.
Một cú sốc thực sự với Daley khi anh chuẩn bị tham dự kỳ Olympic đầu tiên ở London 2012. Bất chấp nỗi đau, Daley có sự khởi đầu khá tốt ở đại hội và giành được HCĐ.
Một năm sau đó, Daley công khai mình là người đồng tính cũng như chuyện tình với đạo diễn Hollywood Dustin Black. Năm 2017, cả hai kết hôn ở lâu đài Bovey tại Devon.
Trước những phán xét và gây sức ép của dư luận, Daley đã chứng tỏ sự trưởng thành tuyệt vời như cha anh đã kỳ vọng. Anh khổ luyện không ngừng để liên tục giành được HCV ở các giải vô địch thế giới những năm sau đó, thêm một lần giành HCĐ ở Olympic 2016, rồi chính thức bước lên bục cao nhất ở Olympic Tokyo 2020.
"Tôi tự hào khi tuyên bố mình là một người đồng tính và cũng là một nhà vô địch Olympic. Khi tôi còn trẻ, tôi đã nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì hay giành được bất kỳ thành tích gì. Nhưng bây giờ tôi đã là nhà vô địch Olympic và chứng mình được rằng ai cũng có thể làm được điều họ muốn" - Daley phát biểu sau khi giành HCV.
1 tay đấu 2 tay
Một VĐV đến Olympic và chấp đối thủ... một tay. Đó là tay vợt bóng bàn người Ba Lan Natalia Partyka. Cô là một huyền thoại của làng bóng bàn khuyết tật khi từng giành đến 5 HCV trong các kỳ Paralympic.
Nhưng Partyka luôn quyết tâm chứng tỏ mình cũng chẳng thua kém gì các tay vợt bình thường và luôn nỗ lực thi đấu song song cả hai đấu trường. Partyka từng lọt vào top 50 thế giới.
Đây cũng là kỳ Olympic thứ 4 Partyka tham dự. Cô vượt qua vòng 1 khi thắng đối thủ người Úc và dừng bước ở vòng 2 khi thua tay vợt hạng 36 thế giới Meshref Dina.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận