Ngày 28-5, hàng chục người ở nhiều xã tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) được nhận chân tay giả mới miễn phí từ chương trình Hỗ trợ nạn nhân và Người khuyết tật (thuộc Dự án RENEW). Với họ, đây là món quà quý giá khiến họ thao thức cả đêm chờ đón nhận.
Những chiếc chân giả cũ nát, chằng chịt dây
Từ sáng sớm, ông Lê Văn Hữu, 66 tuổi, trú thôn Sen Bình (xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy), đã "nóng trong người", đứng ngồi không yên, chờ đến hẹn để đến Trạm y tế xã Hưng Thủy nhận chiếc chân giả miễn phí.
Ông Hữu là cựu chiến binh ở chiến trường Campuchia năm 1979. Vừa tham gia chiến dịch được 15 ngày thì ông vướng mìn, cụt mất chân trái từ dưới đầu gối.
Sau một năm an dưỡng, năm 1980 ông xuất ngũ về quê và gắn bó với chiếc chân giả trong suốt 40 năm qua. Chiếc chân giả cũ được Phòng Lao động và Thương binh hỗ trợ nhưng đã 10 năm tuổi, cũ nát và hư hỏng. Nhận món quà mới, ông mừng lắm.
"Tôi rất mừng, đêm qua háo hức không ngủ được. Từ ngày lấy mẫu mỏm cụt đến giờ chờ đợi suốt.
Chân mới giúp tôi từ một người không hoàn hảo trở thành gần hoàn hảo, có thể đi làm quanh vườn, thuận lợi hơn trước trong cuộc sống thường ngày", ông Hữu nói.
Chung tâm trạng, bà Lê Thị Am, 70 tuổi, trú thôn Thạch Hạ (xã Hồng Thủy, Lệ Thủy), nói lâu ngày quá không nhận được thông báo nhận chân giả, chỉ sợ chương trình quên mất chân của bà.
Vừa nói vừa cười, bà Am xắn ống quần lên để lộ chiếc chân giả chằng chịt dây nhợ. Chiếc chân giả hơn 15 năm tuổi ràng buộc dây khắp nơi vì vỡ, nứt không thể bó sát chân, bàn chân phải độn miếng gỗ.
Ướm chiếc chân mới vào, bà Am đi lại tự tin hẳn. Dù có phần lạ lẫm, phải tập làm quen 7 - 10 ngày nhưng bà Am rất hài lòng. Bà Am mất một chân do bom năm 1966, khi mới 12 tuổi.
Đã tặng 3.000 chân giả
Ông Đặng Quang Toàn, quản lý chương trình Hỗ trợ nạn nhân và Người khuyết tật, cho hay trong 3 ngày, chương trình sẽ trao tặng hàng chục chân tay giả đến các nạn nhân chiến tranh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông… ở nhiều xã của huyện Lệ Thủy.
Để hoàn thiện một chiếc chân tay giả cần ít nhất 3 khâu, gồm lần đầu khám sàng lọc, lấy khuôn; lần 2 thử lại, điều chỉnh; và lần cuối hoàn thiện, trả chân. Tùy vào số lượng, mức độ phức tạp mà quá trình kéo dài cả tháng trời.
"Trung bình một cái chân tay giả giá 6 triệu đồng, chất lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu cuộc sống, làm nông, đi lại... Nếu người dân lao động nhiều thì khoảng 2 năm là có dấu hiệu hỏng bàn chân, ít lao động thì 4 - 5 năm. Nhưng thực tế có người sử dụng chân giả đến 10 năm", ông Toàn cho hay.
Tuy nhiên, cái quý nhất là chương trình đến tận nhà khám và tặng chân giả cho bà con. Tại các tỉnh Trung Trung Bộ chưa có các xưởng chỉnh hình và phục hồi chức năng để làm chân tay giả. Người dân muốn làm chân giả phải vào TP Đà Nẵng, tốn kém về kinh tế và mất thời gian đi lại nên phần lớn người dân tìm cách vá víu, kéo dài tuổi thọ chân giả thay vì đi làm mới.
Ông Toàn cho hay chương trình hoạt động tại tỉnh Quảng Trị từ năm 2008, đến năm 2013 mở rộng ra Quảng Bình hướng đến các nạn nhân chiến tranh, sau đó mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đến nay, hơn 3.000 lượt người được chương trình tặng chân tay giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận