01/07/2016 11:34 GMT+7

Những chặng đường gọi tên

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Từ năm 1946, cũng xuất phát từ ý kiến của những đại biểu người dân Nam bộ, tên gọi thành phố Hồ Chí Minh từng được kiến nghị bằng văn bản để thay cho tên gọi Sài Gòn - Gia Định.

Trang lưu chiểu cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch ghi địa chỉ nhà in Võ Tánh ở thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: L.ĐIỀN
Trang lưu chiểu cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch ghi địa chỉ nhà in Võ Tánh ở thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: L.ĐIỀN


Từ 57 người dân Nam bộ

Câu chuyện bắt đầu từ bản tin đăng trên trang nhất báo Cứu Quốc số ra ngày 27-8-1946: “Thành phố Sài Gòn từ nay sẽ đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh”. Bản tin này cho biết vào ngày 25-8-1946 có một cuộc họp gồm những người đại diện nhân dân miền Nam tại “Phòng Nam bộ trung ương, đường Gia Định”.

Tại cuộc họp này, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là người đầu tiên đề nghị “thành phố Sài Gòn đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh”.

Đề nghị này được các đại diện nhân dân Nam bộ gồm 57 người tán đồng. 57 người này đã cùng ký tên vào bản quyết nghị được làm ngay ngày hôm sau, 26-8-1946, với nội dung ghi rõ: “Xin Quốc hội và Chính phủ trung ương đổi ngay tên thành phố Sài Gòn lại làm tên thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hi sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam bộ”.

Toàn văn bản quyết nghị như sau:

Bản quyết nghị gửi Quốc hội và Chính phủ trung ương

Toàn thể đồng bào Nam bộ đủ các đảng phái, giai cấp, họp mặt tại Hà Nội hôm nay, 25 tháng tám năm thứ hai của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, để kỷ niệm ngày Nam bộ khởi nghĩa.

Xin Quốc hội và Chính phủ trung ương đổi ngay tên thành phố Sài Gòn lại làm tên thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hi sinh và cương quyết trở về với (bản chính dư 1 chữ “với” - L.Đ.) Tổ quốc của dân Nam bộ. Ký tên: 57 người

Đi trước cả Quốc hội

Trước ngày đổi tên, có ít nhất 3 trường hợp tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh” xuất hiện trên báo chí chính thống thời bấy giờ, đó là:

1/ Bản tin trên báo Nhân Dân ra ngày 18-4-1976: “Mặt trận Dân tộc giải phóng thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào lao động xã hội chủ nghĩa chào mừng cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước... Ông Tạ Bá Tòng, phó chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng thành phố Hồ Chí Minh và ông Võ Văn Kiệt, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, đã đọc diễn văn chào mừng Đoàn quân tình nguyện lao động xã hội chủ nghĩa đầu tiên của thành phố”.

2/ Báo Cứu Quốc ra ngày 21-5-1976 có bản tin đề cập đến Hội nghị liên tịch vào ngày 13-5-1976: “Hội nghị liên tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Ủy ban trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Hội đồng cố vấn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã họp tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phạm Hùng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, luật sư Trịnh Đình Thảo đã chủ tọa hội nghị...”.

3/ Báo Cứu Quốc ra ngày 18-6-1976 có bản tin về Hội nghị liên tịch bàn việc thống nhất các tổ chức mặt trận trong cả nước diễn ra vào ngày 15-6-1976: “Tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị liên tịch giữa Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Ủy ban trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã khai mạc trọng thể để bàn việc thống nhất Mặt trận đoàn kết dân tộc trong cả nước và cử đoàn đại biểu đi dự cuộc họp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề thống nhất Mặt trận”.

Trong tháng 6-1975, NXB Thanh Niên Giải Phóng tái bản quyển sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, trang lưu chiểu quyển sách này còn ghi: “in tại nhà máy in Võ Tánh, địa chỉ 29 Võ Tánh - Thành phố Hồ Chí Minh, xong ngày 25-6-1975”.

Nghị quyết đặt tên

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI diễn ra tại hội trường Ba Đình từ ngày 24-6 đến 3-7-1976 với 482 đại biểu tham gia đã quyết định nhiều nội dung quan trọng của nước nhà lúc bấy giờ, trong đó có nghị quyết “chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”.

Theo “Văn kiện kỳ họp thứ I Quốc hội khóa VI”, sáng ngày 25-6-1976, trong phiên họp của Quốc hội, sau bản báo cáo chính trị của ông Lê Duẩn, ông Hoàng Văn Hoan đã thay mặt Đoàn chủ tịch đề nghị với Quốc hội các vấn đề về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô, quốc ca và việc đặt tên cho Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh.

Về vấn đề chính thức đặt tên cho Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị của Đoàn chủ tịch như sau: “Đoàn chủ tịch nhận rõ Sài Gòn là một thành phố lớn có một vị trí rất quan trọng, nên Sài Gòn bị bọn thực dân xâm lược tìm cách chiếm đóng ngay từ những ngày đầu và bám giữ đến ngày cuối cùng.

Từ Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi mùa xuân năm 1975, Sài Gòn chỉ được hưởng độc lập, tự do trong vòng một tháng. Tuy vậy, nhân dân Sài Gòn một lòng hướng về Tổ quốc, không ngừng đấu tranh chống bọn xâm lược và tay sai, và cuối cùng mùa xuân năm 1975 đã anh dũng nổi dậy tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Với lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân Sài Gòn, từ năm 1946, đã lấy tên người đặt cho thành phố Sài Gòn. Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, tên thành phố Hồ Chí Minh đã ăn sâu vào tình cảm của nhân dân Sài Gòn.

Vì vậy, khi Sài Gòn được giải phóng, chính quyền và nhân dân đã nhất trí gọi Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Nay Đoàn chủ tịch đề nghị Quốc hội quyết định chính thức cho Sài Gòn vinh dự lấy tên là thành phố Hồ Chí Minh”.

Một trong số 132 đại biểu nữ của Quốc hội khóa VI ngày ấy hiện còn nhớ kỷ niệm về kỳ họp thứ nhất là bà Dư Huệ Liên.

Năm nay đã 81 tuổi, bà Liên nhớ lại: “Riêng đoàn Sài Gòn thì rất phấn khởi. Chúng tôi hồi nào giờ chỉ nghe kể về Bác Hồ, thấy Bác thật vĩ đại, nay đi dự họp Quốc hội, được quyết định đặt tên Bác cho thành phố của mình, thật xúc động quá đi”.

Hồi ức của ông Phan Minh Tánh

Ông Phan Minh Tánh - Ảnh: L.Đ.
Ông Phan Minh Tánh - Ảnh: L.Đ.

“Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI năm 1976, tôi nhớ trước khi vào kỳ họp chính thức có một phiên trù bị, nội dung chính là để bàn thống nhất việc đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành thành phố Hồ Chí Minh.

Phiên họp trù bị có 5 người, ông Trường Chinh chủ trì, bên cạnh là ông Văn Tiến Dũng và ông Xuân Thủy, tôi là thơ ký của đoàn miền Nam, ông Trần Đình Tri làm thơ ký đoàn miền Bắc.

Ông Trường Chinh nói trước, rằng xưa nay tôi chưa nghĩ đến việc đặt tên Hồ Chí Minh cho thành phố Sài Gòn, tôi có cho lục lại tài liệu hồi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I năm 1946 nhưng không thấy văn bản gì...

Ông Văn Tiến Dũng mới nói: Anh Năm ơi, cái tên này thực tế đã đi vào đời sống nhân dân rồi, kể cả trong thơ Tố Hữu, giờ coi như đương nhiên mình nhận thôi. Rồi ông Xuân Thủy nói thêm: Kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới cho thấy tên vị lãnh tụ không nhất thiết phải đặt tại thủ đô, có khi đặt tại một thành phố lớn.

Trao đi đổi lại, cả ba ông thống nhất. Và khi đưa ra kỳ họp Quốc hội chính thức thì tất cả đều thống nhất xác nhận tên thành phố Hồ Chí Minh thay cho Sài Gòn - Gia Định”.

_________________________

Kỳ tới: Đổi thay sau 40 năm

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên