28/12/2017 15:54 GMT+7

Những câu chuyện từ bão Tembin

DANH QUỐC CƯỜNG
DANH QUỐC CƯỜNG

TTO - Sau cơn bão Tembin cho thấy người dân miền Tây còn thiếu cả kinh nghiệm lẫn phương tiện để phòng chống bão, vì thế yêu cầu nâng cao khả năng ứng phó thiên tai cho bà con vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

Những câu chuyện từ bão Tembin - Ảnh 1.

Một căn nhà ở Cà Mau được chằng chống bằng ống nước để chống bão - Ảnh: H.KHOA

Người miền Tây quý trọng tình làng, nghĩa xóm, yêu từ bụi chuối, gốc khế sau hè... Tâm lý bám đất bám vườn, trọng bàn thờ tổ tiên không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Bão đến, vận động họ rời khỏi nhà, khỏi xóm làng quả thật là một thách thức.

Trong ứng phó biến đổi khí hậu nói chung và phòng chống thiên tai nói riêng, ngoài tư duy công trình, chúng ta đã tính toán đến những vấn đề tâm lý, văn hóa và đặc thù của vùng sông nước Mekong chưa? Nó thể hiện ở những nội dung nào?

Lúng túng phòng chống bão

Tôi biết ở miền Tây trong những ngày vừa qua, có những hộ khá giả xây được nhà tường, nên đã đi mời các hộ nghèo sang nhà mình tránh bão. Trong khi họ đi mời mọc, có người nói họ lo xa, có người mắng họ là "miệng mồm xui xẻo"... Họ nói với tôi phải bỏ ngoài tai những lời ấy vì: "Bị chửi sao cũng được, miễn bà con an toàn tính mạng".

Anh bạn cùng quê Cà Mau và cùng đang ở Cần Thơ kể rằng khi nghe tin bão, anh gọi điện về cho mẹ già trên 70 tuổi nói "Má lên Cần Thơ đi, con đặt xe vào rước má liền", mẹ anh trả lời: "Thôi con, đi làm gì, ở đây có con cháu đầy nhà, đã chuẩn bị kỹ rồi. Đi bỏ nhà, vườn tược, bỏ bàn thờ ba mày lạnh lẽo lắm". Tôi cũng kể với anh là tôi nói chuyện đi tránh bão với vài người thân ở quê Cà Mau thì họ trả lời là không muốn rời nhà, họ còn nói: "Đã đốn cây, cột dây, nhà chắc chắn lắm rồi!".

Nhà chằng buộc chắc chắn rồi? Xem phóng sự ảnh "Dân Cà Mau lấy lưới, ống nước "neo" nhà chống bão" trên Tuổi Trẻ Online mà đau lòng. 

Tôi nhớ hoài hình ảnh chị Châu Thị Trúc Ly (xã Lâm Hải, Năm Căn, Cà Mau) đứng tựa vào cột nhà yếu ớt của mình và nói với phóng viên: "Nhà cũ quá rồi, cột dây vừa vừa vậy thì được, cột cứng quá nó sập luôn". Chia sẻ điều này với bạn tôi, anh nói: "Nếu mình ở đó chắc cũng chỉ làm đến vậy thôi. Ở Cà Mau nền đất yếu, dựa vào cây cối là chính, làm gì có sẵn cát đá để mà làm hơn được nữa?".

Phải nâng cao năng lực ứng phó

Trong khi mọi người vui mừng vì bão Tembin chuyển hướng, không đổ bộ vào đất liền, cũng có một số người mặc dù vui mừng nhưng đã vội trách móc rằng công tác dự báo của ta thiếu chính xác, gây "nhốn nháo". 

Là người từng ở trong vùng bị "càn quét" bởi cơn bão Linda (bão số 5 năm 1997) và trực tiếp thống kê thiệt hại ở từng hộ gia đình thuộc vùng ven biển U Minh (Cà Mau) lúc ấy, tôi lại đánh giá cao công tác dự báo đối với bão Tembin trong đợt này.

Chính vì người dân ít kinh nghiệm chống bão, thiếu cả phương tiện, kỹ thuật cộng với vấn đề tâm lý, dự báo ở mức xấu nhất là đúng đắn. Qua cơn bão Tembin, có rất nhiều bài học cho cả người dân và người có trách nhiệm. 

Vì thế hãy xem đây như một đợt diễn tập. Trong ứng phó thiên tai, chúng ta muốn phòng ngừa hay là khắc phục thảm họa? Câu trả lời chắc chắn là ở vế đầu.

Nếu so với các nước phát triển, đợt diễn tập của đồng bằng sông Cửu Long vừa qua không có gì đáng kể cả. Ở các nước phát triển, hệ thống cảnh báo cháy, thiên tai của họ dày đặc và họ rất nghiêm túc với những cảnh báo này. 

Tôi nhớ có lần một chị lao công chạm vào nút báo cháy ở một trường đào tạo ngoại ngữ của Hội đồng Anh (TP.HCM), mặc dù chị đã báo là do chị lỡ tay chạm nút nhưng lãnh đạo trường này vẫn phải sơ tán hàng trăm học sinh, giáo viên từ tầng 8-9 xuống khỏi tòa nhà. Họ cũng nói xem như diễn tập, đừng vội bực bội.

Ở nhiều nơi công cộng và các khu dân cư của Úc đều được xây dựng các khu vực sơ tán khẩn cấp "evacuation area". Khi có nhu cầu sơ tán, người dân biết ngay họ nên chuẩn bị gì và đi đến đâu để chờ nhà chức trách cho xe đến rước. 

Tại các khu vực sơ tán hay chỗ đỗ xe đều có vạch đậu xe ưu tiên cho người khuyết tật, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Ngoài ra, ở các trường học thường có thiết kế các khóa học bắt buộc hay tự nguyện (có chứng chỉ hẳn hoi) đối với công tác đề phòng thiên tai, thảm họa.

Thiết nghĩ, đã đến lúc đồng bằng sông Cửu Long cần có cách làm tương tự, tức phải có những chương trình tổng thể nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai vì vùng này đang đối mặt với quá nhiều sự thay đổi về khí tượng thủy văn. Việc này cần được Nhà nước quan tâm sớm.

May là bão không vào

Người ở quê kể với tôi là có một đám cưới ở cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau) rơi vào ngày được dự báo là có bão (ngày 25-12). Đồ ăn, thức uống đã được tư gia chuẩn bị sẵn nhưng không dùng được cho đêm nhóm họ vì ai cũng lo trú bão. Cô dâu này đã mất cha trong cơn bão Linda hồi 20 năm trước. Rất may là bão Tembin tan sớm nên sáng hôm sau đám cưới của cô trở nên tưng bừng hơn, hạnh phúc hơn.

DANH QUỐC CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên