09/01/2012 06:18 GMT+7

Những câu chuyện sát sườn

Bạn Lê Thị Như Mai (học sinh Trường THPT Đồng Xoài)
Bạn Lê Thị Như Mai (học sinh Trường THPT Đồng Xoài)

TT - Sáng 8-1, khoảng 3.000 học sinh tỉnh Bình Phước đến với Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2012. Dù chương trình đã kết thúc nhưng rất nhiều học sinh vẫn nán lại để được thầy cô tư vấn, giải tỏa những băn khoăn của mình.

Jd9tiX5Q.jpgPhóng to
Học sinh tỉnh Bình Phước tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp - Ảnh: Trần Huỳnh
Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Đây là lần thứ tư liên tiếp chương trình đến với học sinh Bình Phước và để lại những ấn tượng tốt đẹp cho học sinh nơi đây. Vì vậy số học sinh đến tham gia chương trình đã vượt quá số ghế ngồi chuẩn bị của ban tổ chức. Nhiều học sinh đến trễ đã đứng gần hai giờ để được nghe phần tư vấn về thông tin tuyển sinh ở khu vực tư vấn chung.

Trăn trở trước kỳ thi

"Sợ thi đại học thì kinh tế gia đình không kham nổi nên em định thi cao đẳng và sau này xin làm việc ở tỉnh nhà"

Chỉ vài tháng nữa thôi, những gương mặt đang nghe tư vấn tại chương trình này sẽ bước vào kỳ thi lớn trong đời. Nhiều bạn tham gia chương trình nhưng vẫn tranh thủ mang theo sách vở các môn để ôn bài hoặc làm bài tập trắc nghiệm, làm đề thi thử ở góc các khu vực tư vấn. Sự lo lắng, băn khoăn thể hiện rõ trong những ánh mắt háo hức nghe các thầy cô tư vấn về bí quyết chọn ngành nghề, sự khác và giống nhau giữa những ngành giống nhau ở những trường khác nhau, hay nhu cầu nhân lực ở Bình Phước và các tỉnh lân cận trong vài năm trở lại đây.

Những câu hỏi thông minh, thú vị của các bạn học sinh cũng thể hiện các bạn đã đầu tư tìm hiểu kỹ về ngành nghề mà mình sắp chọn lựa. Tuy vậy bên cạnh đó cũng có những học sinh chưa thể xác định được nghề nghiệp phù hợp với mình. Có bạn nói vừa thích làm giáo viên lại vừa muốn theo ngành điện - điện tử. Có bạn phân vân giữa ngành kế toán và ngành công nghệ sinh học. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng đã khuyên các bạn nên kiểm tra lại xem sở thích và năng lực bản thân phù hợp với ngành nghề nào. Nhiều phiếu câu hỏi gửi lên quan tâm đến cơ hội việc làm sau khi ra trường.

“Có vẻ lo xa nhưng em rất băn khoăn khi tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm hay phải làm trái nghề. Không biết các trường ĐH có lo đầu ra cho sinh viên hay không?” - bạn Trần Thị Cẩm Hường, học sinh lớp 12C Trường THPT Đồng Xoài, đem thắc mắc của mình hỏi các thầy cô trong ban tư vấn, nhưng đây cũng là nỗi lo chung của rất nhiều thí sinh đang sắp phải đưa ra quyết định cuối cùng trong việc chọn một nghề cho cuộc sống tương lai của mình.

Chạy xe hơn 15km để đến với chương trình tư vấn, ông Đặng Văn Đông - phụ huynh Trường THPT chuyên Quang Trung - mang theo nhiều thắc mắc, trăn trở muốn đặt ra với ban tư vấn. Là một giáo viên đang giảng dạy tại một trường THCS nên ông quan tâm, tìm hiểu và hướng nghiệp cho con từ rất sớm. Cũng như nỗi lòng những người cha, người mẹ có con đang bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, ông tâm sự: “Cháu là con gái nên tôi rất lo. Tôi nghĩ nữ giới thì khó chọn ngành nghề hơn. Tôi đã tìm hiểu, tính từng bước cho con và thấy nếu con mình theo các ngành như kế toán, sư phạm hoặc y dược thì cha mẹ sẽ đỡ lo hơn và cháu có điều kiện về làm việc gần nhà. Tôi sợ con đi học xa sẽ vất vả”. Biết bao nỗi lo thể hiện trên khuôn mặt gầy gò của người cha. Ông nán lại đến cuối chương trình tư vấn chuyên sâu để nhờ các thầy cô nhóm ngành kinh tế tư vấn giúp cách chọn trường.

Bạn Lê Thị Như Mai, học sinh THPT Đồng Xoài, mang đến buổi tư vấn nỗi băn khoăn giữa hai lựa chọn: học kế toán rồi về làm việc gần nhà để đỡ đần mẹ cha hay đi theo ngành du lịch là ngành có sở trường và đã yêu thích từ lâu. Mai tâm sự: “Nhà em ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, cách đây gần 20km. Lên cấp III em bắt đầu ở trọ và đi học xa nhà. Xã em nhiều bạn học khá nhưng gia đình khó khăn phải bỏ học, em thấy mình may mắn vì còn được học và thi”. Mai cũng là học sinh rất sôi nổi đặt nhiều câu hỏi cho ban tư vấn suốt chương trình.

Chuẩn bị từng bước

Những băn khoăn làm thế nào để chọn nghề phù hợp, cần chuẩn bị những gì trước kỳ thi được rất nhiều học sinh đặt ra. TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ: để có thể chọn ngành phù hợp và cơ hội việc làm tốt sau này, trước hết cần có sự chuẩn bị từng bước. Giai đoạn này các em nên vạch kế hoạch học tập thế nào, sinh hoạt ra sao để có hiệu quả tốt nhất nhằm hoàn thành bậc THPT. Bên cạnh đó, tìm hiểu ngành nghề nào phù hợp với mình. Nên chọn ngành mình yêu thích để sẵn sàng dấn thân, vượt khó trong quá trình học ĐH. Nếu có kết quả cao, khi ra trường chính kết quả này cộng với sự yêu thích nghề nghiệp, được rèn luyện thêm các kỹ năng mềm... thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Cơ hội việc làm tốt phụ thuộc vào sự đầu tư cho nghề nghiệp của mỗi cá nhân chứ không phải đánh đồng cho tất cả mọi người. Không có ngành nào thấp kém, chỉ có ngành không phù hợp với mình, điều này sẽ khiến mình khó thành công.

Đồng quan điểm chọn ngành theo sở thích, năng lực, TS Lê Thị Thanh Mai - ĐHQG TP.HCM - tư vấn: khi chọn ngành học sinh cần xác định rõ sở thích và năng lực, tìm hiểu rõ về ngành sẽ dự thi thông qua tư vấn của phụ huynh, báo chí. Tuy vậy, cô Mai khuyên học sinh thích và có năng lực là một chuyện nhưng nên xem tố chất của mình có phù hợp hay không. Những ngành đòi hỏi tố chất năng động nhưng những em thụ động lại thích thi vào thì nên xem lại. Với nhiều câu hỏi về sự chuẩn bị trước kỳ thi, TS Phạm Tấn Hạ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - chân tình chia sẻ kinh nghiệm của mình: các thầy cô cũng đã trải qua nhiều cuộc thi, dù ai đi nữa cũng không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng. Để tránh điều này cần học kỹ, nắm vững kiến thức sẽ giúp các em tự tin. Yếu tố tự tin sẽ giúp các em rất nhiều. Chuẩn bị tốt thì thành công sẽ đến.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - dặn dò các em học sinh về việc làm hồ sơ dự thi. “Trước kỳ thi, các em cần chuẩn bị thật kỹ hồ sơ đăng ký dự thi. Các em cần ghi chính xác tên trường, ngành và mã ngành dự thi. Học sinh cũng hết sức lưu ý việc khai khu vực và đối tượng trong hồ sơ đăng ký dự thi để tránh các trường hợp đáng tiếc sau này. Tiếp nối hướng dẫn này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết trường vừa buộc thôi học một sinh viên vì khai sai đối tượng ưu tiên bởi nếu không có điểm ưu tiên này sinh viên sẽ không trúng tuyển. Để tránh các trường hợp đáng tiếc như trên, các em chú ý khi khai hồ sơ đăng ký dự thi phải hỏi bố mẹ và phải khai chính xác khu vực của mình.

Hãy chia sẻ thông tin với học sinh ở huyện

Anh Vũ Thanh Ngữ, phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, chia sẻ: “Đây là năm thứ tư liên tiếp chương trình tổ chức tại Bình Phước và là chương trình vô cùng ý nghĩa vì không phải tỉnh nào cũng có. Tôi mong các em hãy trân trọng tình cảm mà Tuổi Trẻ và thầy cô từ các trường ở TP.HCM đã dành cho chúng ta. Chương trình này mới đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận học sinh, rất nhiều học sinh ở các huyện thị khác chưa được hưởng thụ nội dung của chương trình này. Tôi mong các em học sinh có thể chia sẻ thông tin với các bạn học sinh ở các huyện thị khác để có thể thành công hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp”.

Bạn Lê Thị Như Mai (học sinh Trường THPT Đồng Xoài)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên