04/12/2018 09:32 GMT+7

Những ca ghép để đời - kỳ 4: Kỳ tích ghép mặt

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngoài ca ghép da kỳ diệu cứu sống Franck Dufourmantelle bị bỏng 95% cơ thể, Pháp còn nổi tiếng với ca ghép mặt của Jérôme Hamon.

Những ca ghép để đời - kỳ 4: Kỳ tích ghép mặt - Ảnh 1.

Gương mặt Jérôme Hamon trước khi ghép và sau lần ghép đầu tiên - Ảnh: HEGP AP-HP

Lần đầu tiên trên thế giới, ca ghép của Jérôme Hamon đã chứng minh vẫn có thể ghép lại trong lĩnh vực ghép nhiều mạch tổng hợp như mặt, bàn tay.

Giáo sư LAURENT LANTIERI

Jérôme Hamon, 43 tuổi, mắc bệnh di truyền u sợi thần kinh loại 1 (bệnh von Recklinghausen). Từ năm anh lên 2 tuổi, các mô bắt đầu trượt quanh mắt phải rồi dần dà mặt anh biến dạng hoàn toàn. Sau đó, anh đã được ghép mặt không chỉ một lần mà đến hai lần.

Câu chuyện ghép mặt của anh lan truyền trên thế giới như một kỳ tích y học.

Người được ghép mặt hai lần

Năm 2010, giáo sư Laurent Lantieri, trưởng khoa phẫu thuật tái tạo và thẩm mỹ Bệnh viện châu Âu Georges-Pompidou tại Paris, đã chủ trì ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới cho Jérôme Hamon.

Khác với các kiểu ghép khác, ghép mặt có nguy cơ thải loại cao hơn do mặt là mô tổng hợp gồm nhiều thành phần phức tạp như da, mô dưới da, động mạch, dây thần kinh, cơ.

Cuối cùng ca ghép cũng thành công như Jérôme Hamon thuật lại trong tác phẩm T’as vu le Monsieur? dày 269 trang xuất bản vào tháng 4-2015.

Cũng trong năm 2015, sau cơn cảm lạnh thông thường, Jérôme Hamon uống phải loại thuốc kháng sinh không tương thích với thuốc phản ứng thải loại vật ghép đang sử dụng. Triệu chứng thải loại mãn tính xuất hiện. Các mô trên mặt dần bị hoại tử.

Mùa hè năm 2017, anh nhập viện. Khuôn mặt ghép lần đầu được lấy ra.

Suốt ba tháng sau đó, anh nằm ở khoa hồi sức không có khuôn mặt, thở bằng cách mở khí quản, ăn bằng ống thông, không thể nhìn, nghe hay nói chuyện. Sống trong điều kiện mất các giác quan như thế, anh vẫn bình tĩnh đến mức giáo sư Lantieri cũng phải ngạc nhiên.

Thời gian trôi qua, nguy cơ nhiễm trùng gia tăng có thể nguy hiểm tính mạng. Chỉ còn một giải pháp là ghép khuôn mặt mới. Nhiều trở ngại cần phải vượt qua.

Giáo sư Olivier Bastien, giám đốc phòng lấy - ghép cơ quan và mô tại Cơ quan Y sinh học Pháp, phân tích: "Khó khăn ở chỗ rất hiếm người hiến khuôn mặt. Hiến tạng dễ hơn vì tạng ở trong cơ thể, còn mặt là cơ quan dễ nhìn thấy và gắn bó với nhân thân người hiến".

Người hiến và người nhận phải tương thích nhau như cùng nhóm máu, có hệ thống kháng nguyên bạch cầu (HLA) tương cận để tránh phản ứng thải loại và khuôn mặt phải phù hợp về kích thước, màu da.

Những ca ghép để đời - kỳ 4: Kỳ tích ghép mặt - Ảnh 3.

Giáo sư Laurent Lantieri chụp ảnh chung với bệnh nhân Jérôme Hamon vào trung tuần tháng 10-2018 - Ảnh: Twitter

Bí quyết huyết sắc tố giun biển

Đêm chủ nhật 14-1-2018, giáo sư Laurent Lantieri nhận được điện thoại khẩn cấp báo tin một thanh niên 22 tuổi vừa qua đời ở Nantes chấp nhận hiến gương mặt.

6H sáng hôm sau, xe cứu thương chở êkip của ông vượt gần 400km đến Nantes. Ca phẫu thuật lấy khuôn mặt người hiến và làm mặt nạ silicone thay vào kéo dài năm tiếng.

Để kéo dài thời gian đưa vật ghép về bệnh viện bằng đường bộ, giáo sư Lantieri đã áp dụng kỹ thuật mới với sự đồng ý của Cơ quan An toàn dược phẩm quốc gia Pháp. Đó là bảo quản khuôn mặt trong huyết sắc tố (hemoglobin) giun biển (loài Arenicola marina) thay vì cho vào dung dịch làm lạnh ở 4°C.

Huyết sắc tố giun biển giải phóng oxy nhiều gấp 40 lần hơn huyết sắc tố con người. Công ty Hemarina ở Bretagne (Pháp) đã sản xuất chất chiết xuất huyết sắc tố giun biển pha với dung dịch bảo quản cơ quan ghép thông thường có công dụng kéo dài thời gian bảo quản vật ghép.

Êkip phẫu thuật đã thực tập trước nhiều lần trên người chết. 9h sáng 16-1-2018, giáo sư Laurent Lantieri hoàn thành ca ghép mặt lần thứ hai cho Jérôme Hamon.

Ông kể lại: "Phải nối nhiều phần như động mạch cảnh, tĩnh mạch, mi mắt. Trong ca ghép đầu đã xảy ra phản ứng miễn dịch nên lần này tôi đã chuẩn bị kịch bản tệ nhất là khuôn mặt mới có thể bị thải loại, máu đông lại ngay lúc nối mạch máu. Nhưng tất cả đều suôn sẻ!".

Thử thách chưa phải đã hết. Trong thời gian hậu phẫu, Jérôme Hamon phải chịu điều trị chống phản ứng thải loại nặng hơn lần ghép đầu. Anh phải qua nhiều lần lọc huyết tương để loại bỏ kháng thể gây phản ứng thải loại.

Sức khỏe anh yếu hẳn, phải trải qua hai tháng hồi sức vì bệnh phổi và nhiễm virút. Ngoài ra, anh còn được điều trị tổng quát và cục bộ để thúc đẩy liền sẹo nhanh.

Giáo sư Lantieri nhận xét: "Mỗi ngày qua là một ngày chiến thắng. Chúng tôi không thể dự tính trước mà chỉ nhẫn nại đánh giá từng tiến bộ của bệnh nhân".

Sẽ có ngân hàng khuôn mặt?

Đầu tháng 7-2018, Jérôme Hamon xuất viện và vào trung tâm phục hồi chức năng. Anh sử dụng máy kích thích cơ chạy điện để gương mặt linh hoạt hơn, đồng thời tập các bài tập cải thiện khả năng nuốt và nói.

Trung tuần tháng 10-2018, tức chín tháng sau khi nhận ghép mặt lần hai, anh trở về nhà.

Giáo sư Lantieri đã chụp chung với anh bức ảnh và viết trên Twitter: "Jérôme đã từng rất yếu, sau đó bị nhiễm trùng. Chúng tôi rất lo lắng nhưng hôm nay anh ấy đã khỏe lại. Hai chúng tôi đều rất vui sướng".

Giáo sư Olivier Bastien kết luận: "Các kỹ thuật phẫu thuật và quy trình ghép mặt đã ổn. Từ nay ca ghép mặt sẽ tham gia vào các phương pháp trị liệu tái tạo khuôn mặt. Điều cần cải tiến là kéo dài thời gian bảo quản và thời gian sống của cơ quan ghép bằng cách hạn chế phản ứng thải loại".

Theo giáo sư Laurent Lantieri, một trong những định hướng hứa hẹn nhất để tránh phản ứng thải loại là áp dụng kỹ thuật khử tế bào, nghĩa là lấy các tế bào ra khỏi cơ quan ghép và thay vào đó bằng tế bào của người nhận.

Ông cũng mơ đến ngân hàng lưu trữ khuôn mặt để sẵn sàng sử dụng. Đến nay trên thế giới đã có khoảng 40 bệnh nhân được ghép một phần hoặc toàn bộ khuôn mặt.

Công ty nghiên cứu giun biển

kỳ 4 ghép mặt ảnh 3 box 4(read-only)

Tiến sĩ Franck Zal với loài giun biển Arenicola marina - Ảnh: Ouest France

Tiến sĩ sinh học Franck Zal là chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực huyết sắc tố các loài động vật biển không xương sống.

Cách đây 11 năm, ông sáng lập Công ty công nghệ sinh học Hemarina với 90% nhân lực là nhà khoa học.

Hemarina đã tập trung nghiên cứu đặc tính máu loài giun biển Arenicola marina. Máu của chúng chứa huyết sắc tố giải phóng oxy nhanh hơn huyết sắc tố con người trong khi nhỏ hơn hồng cầu 250 lần. Huyết sắc tố giun biển nằm ngoài tế bào nên dễ trích ly và sử dụng.

Sản phẩm huyết sắc tố giun biển đã được thử nghiệm trước đó, trong các ca ghép thận năm 2016. Năm 2019, sản phẩm HEMO2Life dùng để bảo quản cơ quan và mô chờ ghép sẽ được bán ra thị trường.

Kỳ tới: Tái tạo khí quản bằng động mạch chủ

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên