01/02/2022 07:59 GMT+7

Những bước nhảy Nhâm Dần

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Mùa xuân Nhâm Dần 2022 đang về trên khắp các nẻo đường nước Việt. Bồi hồi giở trang sử của dân tộc, gặp lại những năm Nhâm Dần sôi động trong quá khứ gắn liền với cuộc bảo vệ và chấn hưng đất nước.

Những bước nhảy Nhâm Dần - Ảnh 1.

Vua Lê Đại Hành bàn việc trị quốc an dân. Tranh tư liệu

Trong văn hóa Á Đông, Hổ là linh vật trong 12 con giáp, tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy. Trong hệ thống thiên can - địa chi của Á Đông cổ đại, Nhâm là can thứ 9, Dần là chi thứ 3.

Theo thuyết âm dương, cả Nhâm và Dần đều là dương. Sự kết hợp của Nhâm và Dần là hợp lực tạo nên mãnh hổ. Tháng Dần là tháng giêng, mở đầu mùa xuân với đất trời đầy sinh khí.

Phải vậy chăng mà có những năm Nhâm Dần trong lịch sử nước Việt thật sôi động, như là những cột mốc ghi dấu cuộc đổi thay mạnh mẽ.

Nhâm Dần ngoan cường của kỷ Trưng Nữ Vương

Năm Nhâm Dần đầu tiên và duy nhất của thế kỷ đầu tiên (sau Công nguyên) là năm 42. Năm đó cuộc khởi binh xưng vương oai hùng của Hai Bà Trưng đã rúng động phương Nam phương Bắc đang vào giai đoạn bi tráng nhất.

Nhà Hán binh hùng tướng mạnh đã mang lực lượng hùng hậu thiện chiến nhất đến phương Nam hòng tiêu diệt nền độc lập non trẻ.

Những bước nhảy Nhâm Dần - Ảnh 2.

Hai Bà Trưng đánh giặc Hán. Tranh dân gian Đông Hồ

Yêu nước thương nòi, ý chí độc lập, hận nước thù nhà, sự đồng tâm của dân Việt... vẫn chưa đủ để đứng vững. Ý chí vẫn hừng hực nhưng vòng vây đã thít chặt.

Bao nhiêu giày xéo, bao nhiêu máu đổ. Đến năm Quý Mão (43) sau đó, kỷ Trưng Nữ Vương oanh liệt kết thúc trong đau thương, nhưng tinh thần độc lập đã được thắp lên đời đời trong tim óc người Việt.

Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn: "Vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta toan được khôi phục, khí khái anh hùng không những là lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa..." (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Khí phách đó đã được trao truyền, nung nấu suốt các thế hệ người Việt, để ngót ngàn năm sau lại nổi lên thành cuộc đấu tranh giành độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc.

Nhâm Dần 1002 chấn hưng Đại Cồ Việt

Năm 1002 - năm Nhâm Dần đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai, lúc này nước Đại Cồ Việt của vua Lê Đại Hành (nhà tiền Lê) đã trở thành một quốc gia tự chủ.

Sách sử ghi: Nhâm Dần 1002, thái bình thịnh trị, vua đã thực hiện hàng loạt biện pháp cải cách triều chính, sửa sang pháp luật, tăng cường quân sự, khuyến khích kinh tế...

Trước đó, năm 980, tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua trong cảnh đất nước khó khăn trăm bề. Triều Đinh gặp sự biến. Vua Đinh Tiên Hoàng cùng thái tử bị ám sát, vua con Vệ Vương lên ngôi chỉ mới 6 tuổi. Phía Bắc giặc Tống lấy cớ lại kéo quân sang.

Phía Nam quân Chiêm cũng lợi dụng quấy rối. Trong nước các sứ quân lại lăm le nổi dậy. Nền hòa bình do nhà Đinh tạo lập sau 13 năm đứng trước nguy cơ sụp đổ. Sau khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành đã phá Tống, bình Chiêm, dẹp yên nội loạn.

Tiếp đó vua bắt tay củng cố triều chính hòng gây dựng cơ đồ dài lâu cho nước Đại Cồ Việt, mà năm Nhâm Dần 1002 được xem là năm chấn hưng mạnh mẽ với hàng loạt cải cách trên tất cả các lĩnh vực.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa xuân, tháng ba, định luật lệ, chọn quân lính, chia tướng hiệu làm hai ban, đổi mười đạo làm lộ phủ châu".

Nền hành chính với 10 đạo đã được vua phân cấp thành các phủ, châu, lộ. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết mô hình hành chính này của nước Việt được bắt đầu từ năm Nhâm Dần 1002. Quan hiệu được chia làm hai ban văn - võ, và định đặt lại hệ thống quan chức triều đình.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, nhà tiền Lê là triều đại đầu tiên đặt chức quan đầu triều, đó là chức đại tổng quản, tương tự tể tướng. Lê Đại Hành là vị vua đầu tiên đúc tiền (đồng tiền Thiên Bảo), không dùng đồng tiền của các triều đại Trung Quốc như thời trước đó.

Ông cũng là vị vua đầu tiên ra đồng cày ruộng vào ngày đầu xuân (năm 987) để định ra lễ Tịch điền nhằm khuyến khích nông nghiệp. Cũng trong năm Nhâm Dần 1002, vua đã tổ chức tuyển chọn binh lính và trang bị lại quân đội, tăng cường bố phòng dọc biên giới phía Bắc.

Nhâm Dần 1902 - kỷ nguyên của những chiếc cầu

1902, năm Nhâm Dần mở màn cho thế kỷ 20 - thế kỷ của những sự kiện vĩ đại làm thay đổi cả thế giới. Ở Việt Nam, năm 1902 nằm trong giai đoạn mở đầu những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa.

Đây là thời kỳ mà chính quyền bảo hộ Pháp đầu tư lớn để xây dựng hạ tầng ở Đông Dương nhằm phục vụ cuộc khai thác thuộc địa. Nhâm Dần 1902 cũng gắn liền với vua Thành Thái - vị vua say mê canh tân và luôn tìm cách chống Pháp.

Sách Đại Nam thực lục (đệ lục kỷ phụ biên) - bộ chính sử của triều Nguyễn - cho biết mùa xuân năm Nhâm Dần, tháng giêng, vua Thành Thái ngự giá Bắc tuần.

Chuyến đi này vua vừa kinh lý Hà Nội vừa dự lễ khánh thành chiếc cầu kim loại đầu tiên bắc qua sông Hồng. Cây cầu có 19 nhịp, với tổng chiều dài gần 2,5km bao gồm cả cầu dẫn, thi công trong hơn ba năm, với phí tổn lên đến 6 triệu franc.

Những bước nhảy Nhâm Dần - Ảnh 3.

Cầu Doumer, tức cầu Long Biên, khánh thành năm 1902. Ảnh tư liệu

Trong hồi ký Xứ Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương lúc đó là Paul Doumer cho biết "đây là một trong những chiếc cầu lớn của thế giới" và công phu đến mức ngay khi đã khởi công vẫn có nhiều người không tin có thể làm được.

Cầu khởi công tháng 9-1898 và khánh thành vào tháng 2-1902, ban đầu có tên là cầu Doumer, về sau gọi là cầu Long Biên. Chiếc cầu này nối liền tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương cũng được khánh thành vào dịp đó.

Vua Thành Thái đã lên chuyến tàu lửa đi về cảng Hải Phòng. Lòng ngậm ngùi trước cảnh sông nước Việt phải nhờ người Pháp bắc cầu, nhưng với thái độ cởi mở với văn minh phương Tây, vua vẫn sai Cơ mật viện làm thư cảm tạ.

Những bước nhảy Nhâm Dần - Ảnh 4.

Cầu Bình Lợi khánh thành năm 1902. Ảnh tư liệu

Cũng vào mùa xuân Nhâm Dần 1902, một chiếc cầu sắt bắc qua sông Sài Gòn đã được khánh thành. Đó là cầu Bình Lợi với sáu nhịp bằng kim loại, trong đó có một nhịp quay cho tàu thuyền qua lại.

Chiếc cầu này giúp nối thông tuyến đường bộ từ Sài Gòn đi Biên Hòa. Vào thời điểm đó, đây là chiếc cầu sắt đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn. Liền sau đó trên chiếc cầu này còn có thêm hệ thống đường ray xe lửa đi qua, nối thông tuyến đường sắt Nam Kỳ với Trung Kỳ.

Paul Doumer cho biết giai đoạn từ 1897 - 1902 đã có hàng trăm cây cầu đường bộ, đường sắt lớn nhỏ, được xây dựng trên khắp Việt Nam. Ông gọi đó là "kỷ nguyên của sắt thép và những cây cầu".

Những năm Nhâm Dần đáng nhớ

* Nhâm Dần năm 42: Tướng Mã Viện của nhà Hán đem quân sang đánh Trưng Nữ Vương. Vua cầm quân giao chiến rồi lui về giữ đất Cẩm Khê.

* Nhâm Dần 1002: Vua Lê Ðại Hành sửa sang pháp luật, định lại triều cương, tăng cường quân sự, khuyến khích nông nghiệp...

nhung nam soi _ong nham dan (3)

Tái hiện lễ tịch điền - vua Lê Đại Hành ra đồng cày ruộng ngày đầu xuân. Ảnh: Nam Trần

* Nhâm Dần 1182: Vua Lý Cao Tông xuống chiếu cầu người hiền tài, chấn hưng nền văn hóa giáo dục.

* Nhâm Dần 1242: Nhà Trần cải cách hành chính với quy mô lớn, chia lại đơn vị hành chính lãnh thổ, cơ cấu hệ thống quan chức địa phương...

* Nhâm Dần 1422: Giặc Minh vây đánh Bình Ðịnh Vương Lê Lợi, nhưng ông thoát được về cố thủ tại núi Chí Linh.

* Nhâm Dần 1602: Nguyễn Hoàng lập phủ Quảng Nam và sai thế tử Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ. Hội An từ đó trở thành thương cảng lớn của châu Á.

nhung nam soi _ong nham dan (6)

Bản vẽ cầu Doumer (Long Biên) của Hãng Daydé & Pillé.

* Nhâm Dần 1902: Khánh thành cầu Doumer (Long Biên), Bình Lợi và nhiều cầu đường bộ, đường sắt ở khắp cả nước.

* Nhâm Dần 1962: Đường Hồ Chí Minh trên biển được khai thông bằng chuyến tàu gỗ gắn máy đầu tiên chở hơn 30 tấn vũ khí từ Hải Phòng vào đến Cà Mau.

18-10-2021-duong-ho-chi-minh-tren-bien-con-duong-huyen-thoai-5c82839a-details

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Nguồn: Đại Việt sử ký toàn thư và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Tết Nhâm Dần Tết Nhâm Dần 'áp sát', giới trẻ đủ áp lực 'nghĩ thôi cũng đau đầu'

TTO - Nghĩ đến việc sắm sửa quần áo, vật dụng chưng Tết, rồi tiền lì xì cũng khiến nhiều người đau đầu, nhất là người không làm chính thức cho công ty nào, không có thưởng Tết.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên