"Ám ảnh" dọn nhà mỗi khi Tết đến - Ảnh: Facebook Chị em mình
Những nỗi lo đa dạng từ các khoản thưởng, mua sắm và chi tiêu đến việc dọn nhà, trả lời những câu hỏi hóc búa đã trở thành nỗi ám ảnh người trẻ những ngày giáp Tết.
Không ai giống ai
Một trong những áp lực cận Tết mà ai cũng gặp phải là dọn nhà. Cứ đến những ngày giáp Tết, khắp các mạng xã hội hay hội nhóm đều than phiền về việc tẩy rửa nhà cửa sau một năm.
T.H. (21 tuổi, sinh viên Đại học Văn Lang) kể: "Tết nào mình cũng bị la vì dọn nhà. Mình làm rất nhiều, nhưng mẹ cứ hối thúc và sửa ra vào mãi. Kết quả là mình vừa bị la vừa phải dọn từ ngày đón ông Táo tới 29 Tết".
Cùng là sinh viên, Lư Kim Thy đang theo học ngành du lịch, không gặp phải hoàn cảnh trên nhưng lại bị nhận những câu hỏi "éo le". "Gia đình vẫn chưa đặt quá nhiều áp lực, nhưng mình vẫn sẽ gặp những câu hỏi như lương thế nào, thực tập ở đâu, du lịch thì dịch tính làm gì,... mà mình chỉ biết cười trừ", Thy chia sẻ.
Không chỉ sinh viên mà các bạn trẻ đã đi làm cũng sẽ gặp những câu hỏi đốc thúc từ mọi người. Thiên Trang (27 tuổi, nhân viên ngân hàng) dù thu nhập đã ổn định nhưng Tết năm nào bạn cũng được hỏi về kế hoạch lập gia đình.
"Tết đến là báo cáo cuối năm đến, ráng cày xong ăn Tết thì lại bị hỏi "Khi nào lấy chồng?". Lấy chồng còn khủng hoảng hơn báo cáo cho sếp!", Trang nói.
Năm qua, kinh tế của nhiều bạn trẻ bị ảnh hưởng vì dịch nên việc cân nhắc, tính toán các khoản tiền là điều tất yếu. Mùa Tết cũng là lúc nhu cầu chi tiêu, mua sắm từ người dân tăng mạnh.
Nhất Nam (29 tuổi, ngụ tại thành phố Biên Hòa) cho hay: "Các bữa tiệc tất niên khiến mình khá ‘oải’ nhưng từ chối không được. Tết đến, ngoài việc chuẩn bị một khoản biếu bố mẹ, mình cũng phải chi tiền sắm sửa nhà cửa biếu họ hàng các thứ, cũng kha khá đấy!".
Là công nhân cho một công ty về điện máy, thu nhập mỗi tháng của Nam khoảng 7-10 triệu đồng, cộng thêm thưởng thì bạn mới đủ chi tiêu hết mùa Tết.
Quốc Anh (33 tuổi), đang làm công việc tự do, cho biết: "Mỗi năm Tết đến, việc nghĩ đến các khoản sắm sửa quần áo, vật dụng trưng Tết rồi lì xì khiến mình đau đầu, vì hiện tại mình không phải là nhân viên chính thức cho công ty nào, không có khoản thưởng Tết".
Vẫn mong chờ đến Tết Nguyên đán
Sau một năm biến động, bạn trẻ vẫn mong chờ Tết đến
Dù gặp phải không ít áp lực cận Tết, người trẻ vẫn mong mỏi ngày Tết Nguyên đán để được sắm sửa quần áo mới sau một năm làm việc vất vả, được tân trang cho bản thân và trên hết là đoàn tụ, quây quần bên gia đình sau những ngày tháng làm việc vất vả.
"Nhà mình có tập tục tụ họp vào mùng 4 Tết từ khi mình còn nhỏ, nhưng năm trước vì dịch bệnh, mình không được gặp họ hàng. Vừa qua, mình mắc COVID-19 mà không dám nói, sợ bố mẹ lo, nên mình đang mong Tết đến để về thăm mọi người". Với Nhất Nam, Tết là điều rất đỗi thân thuộc và thiêng liêng, đủ để khiến bạn quên đi những nỗi cô đơn khi làm việc xa nhà.
Còn Quốc Anh, dù còn phải lo lắng nhiều về ngày Tết sắp đến, bạn vẫn đang tích cực, lạc quan và mong chờ dịp Tết truyền thống: "Áp lực thì áp lực, nhưng mình vẫn mong Tết để được nghỉ ngơi, ‘xả láng’ với gia đình và bạn bè. Có làm thì có nghỉ, tuổi trẻ mà, ngày nào chả áp lực, chứ đâu phải riêng Tết".
Gia đình và bạn bè của Quốc Anh tụ họp đầy đủ khi Tết đến - Ảnh: NVCC
"Mình nghĩ rằng lời chúc sức khỏe là hay nhất. Mong cho chúng ta sẽ cùng nhau bước qua đại dịch để giảm bớt gánh nặng", Quốc Anh cầu mong.
Dù tương lai và năm mới chưa biết sẽ thế nào nhưng các bạn trẻ vẫn giữ sự lạc quan với tinh thần "Tết đến thì cứ vui lên đi đã, lo lắng tính sau", qua đó giúp các bạn trân trọng hơn những khoảnh khắc còn được gần bên gia đình.
T.H. nói: "Có bị mắng nhiều đến cỡ nào, mình vẫn thích Tết Nguyên đán, để được cùng mẹ sửa soạn mâm cỗ và cầu bình an cho mọi người. Năm năm xuân như ý - Tuổi tuổi ngày bình an".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận