05/01/2016 21:36 GMT+7

Những bức tượng nhà bác học P. Ký tại Sài Gòn đang ở đâu?

HỒ TƯỜNG
HỒ TƯỜNG

TTO - 10 năm sau khi nhà bác học Trương Vĩnh Ký tạ thế, trang đầu báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 4-6-1908 đã kêu gọi dựng tượng Trương Vĩnh Ký ở trung tâm Sài Gòn.

Mặt tiền nhà của Trương Vĩnh Ký - Ảnh: Hồ Tường
Mặt tiền nhà của P. Trương Vĩnh Ký - Ảnh: Hồ Tường
Bàn thờ Trương Vĩnh Ký ở nhà cũ của ông - Ảnh: Hồ Tường
Bàn thờ P. Trương Vĩnh Ký ở nhà cũ của ông - Ảnh: Hồ Tường

Những người chủ biên tờ báo này vốn là những người yêu nước chống Pháp thuộc phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu.

Trang báo này viết về Trương Vĩnh Ký như sau: “Mặc dầu được người Pháp tin dùng làm một số việc, nhưng Trương Vĩnh Ký không ỷ thế chính trị để tham quyền cố vị, vinh thân phì gia, nên không làm hại gì quê hương.

Sở dĩ phải cộng tác với người Pháp là vì bắt buộc, được yêu cầu, không phải tự ý và chỉ nhằm giúp cho người Pháp mới sang cai trị hiểu biết phong tục lễ nghĩa của người Việt Nam để mà biết cách đối xử.

Ngoài ra suốt đời ông chỉ ngày đêm lo việc giáo dục bằng biên soạn, dịch sách báo. Vì thế Trương Vĩnh Ký xứng đáng là ông thầy đạo lý của cả Nam kỳ.

Lập tượng ông là để tưởng niệm biết ơn ông và nêu gương ông”.

Chân dung nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký
Chân dung nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký rõ nhất hiện nay do hai nhà nhiếp ảnh Hippolyte Arnoux và Emile Gsell chụp trong "Chuyến đi từ Ai Cập tới Đông Dương" (Voyage de l'Égypte à l'Indochine) cách đây khoảng 150 năm. 

Tượng bán thân không được dư luận tán thành

Giấy phép dựng tượng Trương Vĩnh Ký ở một nơi công cộng tại Sài Gòn đã được Chính phủ Nam kỳ thời bấy giờ chấp thuận ngay trong năm 1908.

Từ đó cho đến số báo Lục Tỉnh Tân Văn ra ngày 31-12-1908 quyên góp được 650 đồng Đông Dương.

Tuy nhiên, sau đó tờ Lục Tỉnh Tân Văn bị tạm ngưng vì Trần Chánh Chiếu bị Pháp bắt nên việc quyên tiền dựng tượng Trương Vĩnh Ký chuyển sang tờ báo Nam Kỳ Địa Phận bắt đầu từ số 11-2-1909.

Cho đến số ra ngày 23-9-1909, tờ Nam Kỳ Địa Phận quyên góp được 2.103 đồng Đông Dương. Song song với tờ Nam Kỳ Địa Phận, tờ báo Nông Cổ Mín Đàm cũng tổ chức quyên góp tiền trong nhân dân để cùng nhau dựng tượng Trương Vĩnh Ký.

Ngày 6-12-1922, biên bản của hội đồng phụ trách quyên góp dựng tượng Trương Vĩnh Ký đã lên tới 10.123,15 đồng Đông Dương và đã gửi ở Ngân hàng Đông Dương bên Pháp. Hội quyết định đúc một tượng bán thân do nhà điêu khắc Durenne ở Paris thực hiện với giá khoảng 1.500 franc, làm một chân tượng bằng đá là 20.000 đồng Đông Dương.

Năm 1923, tượng bán thân Trương Vĩnh Ký hoàn tất, chuyển từ Pháp sang, nhưng tượng này đã không được dựng vì ý kiến của đông đảo công chúng muốn dựng tượng toàn thân của Trương Vĩnh Ký.

Mãi đến ngày 18-12-1927, tượng toàn thân của Trương Vĩnh Ký đã hoàn tất và được dựng quay mặt ra đường Norodom, trong công viên đầy cây xanh trước dinh quan toàn quyền Sài Gòn (nay là khu vực dinh Thống Nhất ở TP.HCM).

Buổi lễ khánh thành tượng Trương Vĩnh Ký - Ảnh tư liệu
Lễ khánh thành tượng Trương Vĩnh Ký tháng 12-1927 ở một góc công viên Thống Nhất trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Tượng do nhà yêu nước Trần Chánh Chiếu quyên góp khắp Nam Kỳ lục tỉnh để xây dựng - Ảnh tư liệu

Tượng Petrus Trương Vĩnh Ký trước 1975 ở khu vực công viên Thống Nhất hiện nay  - Ảnh tư liệu

Mặc dầu tượng Trương Vĩnh Ký được dựng ngày 18-12-1927 (có tài liệu nói ngày 19-12-1927, có tài liệu nói ngày 24-12-1927) chủ yếu do người Pháp thực hiện, nhưng không phải là ý muốn của chính quyền thực dân Pháp, mà thực ra là họ lấy tậm nguyện của những người Việt Nam yêu nước thuộc phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu.

Vả lại công cuộc dựng tượng nhà bác học Trương Vĩnh Ký cũng đã từng được đông đảo người Việt Nam ủng hộ thông qua cuộc quyên góp do các báo: Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Kỳ Địa Phận, Nông Cổ Mín Đàm tổ chức, nói đúng hơn là một cuộc vận động chính trị, rộng rãi trong mọi giới, từ nông thôn đến thành thị (“Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa” - Nguyễn văn Trung, Nxb Hội Nhà Văn xuất bản, Hà Nội, 1993). 

Xứ ủy Nam bộ hạ tất cả tượng Pháp dựng, trừ tượng cụ Trương Vĩnh Ký

Tác giả T.T.T. của bài viết “Dựng tượng cụ Trương Vĩnh Ký tháng 12-1927” đăng trên tạp chí Xưa Và Nay số tháng 12-2010 cho biết: “Năm 2002 nhân hội thảo “Trương Vĩnh Ký với văn hóa” tổ chức tại TP.HCM, GS Trần Văn Giàu cho biết sau Cách mạng Tháng 8-1945, Xứ ủy Nam bộ đã ra lệnh hạ tất cả tượng của người Pháp đổ xuống sông Sài Gòn, nhưng tượng cụ Trương Vĩnh Ký thì để lại”, mặc dù tượng đó ở ngay chỗ tập trung biểu tình.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, nơi đặt tượng Trương Vĩnh Ký ở sân sau - Ảnh: Hồ Tường
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nơi đặt tượng Trương Vĩnh Ký ở sân sau - Ảnh: Hồ Tường

Sau 1975, tượng Trương Vĩnh Ký đã được hạ xuống, mang về lưu giữ tại nhà cũ của gia đình Chú Hỏa (tức Hui Bon Hoa, một tư sản người Hoa ở Sài Gòn trước 1975) ở số 97 đường Phó Đức Chính, quận 1, TP.HCM.  

Muốn tham quan, khách mua vé 5.000 đồng ở cổng vào, khỏi gửi túi xách, vào cửa chính của bảo tàng, đi thẳng ra cửa đối diện, phía sau thang máy cổ là đến sân sau, tượng Trương Vĩnh Ký nằm ở phía tay phải.

Thập niên 90 thế kỷ trước, tượng Trương Vĩnh Ký được đặt ở một dãy hành lang trên lầu của tòa nhà này.

Khi Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thành lập, tượng Trương Vĩnh Ký trở thành một hiện vật sưu tập của bảo tàng, hiện được dựng ở sân sau của tòa nhà, đối diện với tượng Quách Đàm (người Hoa đã có công xây dựng chợ Bình Tây, TP.HCM vào thập niên 20 của thế kỷ 20).

Tượng cụ Trương Vĩnh Ký cao khoảng 1,70m, tương đương với chiều cao thực của cụ. Tượng đúc bằng đồng, đặt đứng trên bục cao, mặc áo dài, đầu đội khăn đóng - đây là hai loại trang phục đã gắn liền suốt cuộc đời của Trương Vĩnh Ký.

Tượng Trương Vĩnh Ký ở bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Hồ Tường
Tượng Trương Vĩnh Ký hiện ở sân sau Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Hồ Tường

Trên ngực áo của cụ chạm khắc những huy chương cao quý mà cụ đã đạt được, như: Giáo sư ngôn ngữ Á Đông và là một trong 18 nhà bác học thế giới (1874), Khuê bài Hàn lâm viện đệ nhị đẳng bội tinh (Palmes d'Académie) của Hàn lâm viện Pháp (1883), Hàn lâm viện đệ nhất đẳng của Pháp (1887), Hàn lâm viện đệ nhất đẳng của Hoàng gia Campuchia...

Tượng đồng đúc đã gần 90 năm (đến 2016) giờ đã chuyển sang màu xám, khiến gương mặt và đôi mắt của cụ càng đượm vẻ u buồn, làm cho người ta nhớ đến dòng chữ Latin trên cửa chính vào mộ phần của cụ ở số 520 đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM (góc giao nhau với đường Trần Bình Trọng): “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch: Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi), như nói lên ước nguyện cuối đời của Trương Vĩnh Ký…

Cổng nhà cũ Trương Vĩnh Ký - Ảnh: Hồ Tường
Cổng nhà cũ Trương Vĩnh Ký - Ảnh: Hồ Tường 

Những tượng Trương Vĩnh Ký khác ở Sài Gòn

Ở TP.HCM hiện nay còn một số tượng nhà bác học Trương Vĩnh Ký.

Trước hết là tượng Trương Vĩnh Ký được tôn thờ tại nhà cũ của cụ: số 520 đường Trần Hưng Đạo, Q. 1. Tượng này bằng thạch cao, sơn đen, khiến kẻ xấu từng đánh cắp vì tưởng là tượng đúc bằng đồng đen. Con cháu cụ Trương Vĩnh Ký đã phải bỏ tiền chuộc lại để mang về thờ cho đến hiện nay.

Tượng Trương Vĩnh Ký được thờ tại nhà cũ của ông - Ảnh: Hồ Tường
Tượng Trương Vĩnh Ký được thờ tại nhà cũ của ông - Ảnh: Hồ Tường

Một tượng khác khá nổi tiếng có niên đại 78 năm đang đặt tại phòng truyền thống Trường THPT Lê Hồng Phong (số 235 đường Nguyễn Văn Cừ, P. 4, Q. 5, TP.HCM - từ 19-10-1975 Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký đổi tên thành Trường Lê Hồng Phong).

Tượng Trương Vĩnh Ký ở trường Petrus Trương Vĩnh Ký trước đây - Ảnh: Tư liệu
Tượng Trương Vĩnh Ký đặt ở Trường Petrus Trương Vĩnh Ký trước đây (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Đây cũng là một tượng rất mỹ thuật - Ảnh tư liệu

Hai bức tương khác của Trương Vĩnh Ký được dựng năm 1997 và 2001 tại hai cơ sở của Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký ở số 110 đường Bành Văn Trân (P. 7, Q. Tân Bình, TP.HCM và ở số 21 đường Trịnh Đình Trọng (P. 5, Q. 11, TP.HCM).

Năm 2014, một tượng đồng của nhà bác học văn hóa và ngôn ngữ Trương Vĩnh Ký tiếp tục được dựng trong vườn hoa mặt tiền Đại chủng viện Thánh Giuse (số 6 đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM).

Tượng đồng nhà bác học văn hóa và ngôn ngữ Trương Vĩnh Ký ở vườn hoa mặt tiền Đại chủng viện Thánh Giuse - Ảnh: HỒ TƯỜNG

 

Một điều đáng chú ý: tất cả gương mặt của các tượng đều đượm vẻ ưu tư, u buồn...

Đón đọc bài 4: Ngôi trường và con đường mang tên nhà bác học Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn

HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên