Ngọc Thơ trong xưởng bảo hành, sửa chữa tại Toyota Cần Thơ - Ảnh: T.NHƠN
Em chưa từng hối tiếc khi chọn nghề sửa ôtô lấm lem dầu nhớt này. Công việc tuy cực nhọc, vất vả so với nữ giới, nhưng em có đam mê, có niềm tin vào bản thân, vào công việc mà mình lựa chọn.
Nguyễn Ngọc Thơ
Đam mê... chui dưới gầm xe
Giữa những thợ máy nam lực lưỡng, cô gái trẻ đẹp vẫn thoăn thoắt làm việc như những người thợ khác.
Chọn gắn bó với công việc mà nhắc đến ai cũng nghĩ dành cho nam giới nhưng Nguyễn Ngọc Thơ (ngụ xã Tân Dương, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) lại vô cùng tin tưởng vào sự lựa chọn của bản thân.
Đầu tháng 6, tôi hẹn gặp Thơ ngay tại xưởng sửa chữa - bảo hành Toyota Cần Thơ. Phải khó khăn lắm tôi mới tìm thấy cô gái giữa những hàng dài xe đậu chờ bảo trì và hàng chục nam kỹ thuật viên đang bảo hành, sửa chữa ôtô cho khách.
Tiếng vận hành máy móc, lệnh người điều khiển vang khắp xưởng. Nhìn mọi người bận rộn với công việc, quần áo lấm lem dầu nhớt, ít ai nghĩ môi trường làm việc này lại phù hợp với một cô gái trẻ đẹp.
Thơ kể mình mê ôtô từ nhỏ và ngay đầu năm học cấp III đã quyết tâm sẽ theo học nghề liên quan kỹ thuật ôtô. Được sự ủng hộ từ cha, Thơ càng quyết tâm đeo đuổi sở thích. Ngày điền nguyện vọng thi đại học, cô đăng ký ngành công nghệ kỹ thuật ôtô vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Do là con gái, lại gần nhà nên sau khi trúng tuyển, cô chọn học tại Vĩnh Long. "Thấy em vào ngành kỹ thuật ôtô, bạn học ai cũng bất ngờ.
Nhiều bạn nghĩ em điền cho vui, ai đâu con gái lại học ngành của nam giới. Họ nghĩ nghề này nặng nhọc, vất vả, không phù hợp với nữ" - Ngọc Thơ nhớ lại.
Ngày vào giảng đường đại học, dù biết trước nhưng Thơ vẫn bỡ ngỡ. Lớp học gần 200 người, chỉ có khoảng 10 nữ - "của hiếm" trong ngành học kỹ thuật ôtô.
Hình ảnh các bạn nữ mặc đồ thợ máy rảo bước trong trường khiến tụi em cảm thấy mình đặc biệt lắm. Lúc nào cũng có người ngoái nhìn, đặc biệt là các bạn khoa khác, vì tò mò và bất ngờ" - Ngọc Thơ vui vẻ kể.
Học kỳ đầu, Thơ được tiếp nhận các kiến thức cơ bản về ôtô. Môn học "khó nuốt" đầu tiên là thực hành nguội. Bài tập là từ một phôi sắt phải mài thành một cây búa và hai cây đục.
Phải nói là vô cùng gian nan. Với các bạn nam đã khó, huống hồ nữ chân yếu tay mềm. Nhưng trót đam mê rồi thì phải cố gắng theo. Cuối cùng cũng hoàn thành bài tập, tay có hơi bị chai xíu thôi" - Thơ cười hiền chia sẻ.
Những môn học sau đó kết hợp lý thuyết và thực hành lần lượt gây khó cô gái miền Tây. Ngoài học nguyên tắc vận hành, cấu tạo máy móc, Thơ cũng quen dần với việc mở nắp capô kiểm tra máy móc hay chui gầm xe.
Do học theo tín chỉ, cô thậm chí còn hoàn thành chương trình học sớm nửa năm. Nói về kỷ niệm vui học hành, Thơ kể: "Các bạn nữ là thiểu số nên được con trai trong lớp cưng lắm, lúc nào cũng nhường nhịn và giúp đỡ học tập. Các thầy cũng quan tâm, chỉ bảo tường tận cho sinh viên nữ".
Khoảng thời gian 7 tuần thực tập tại chi nhánh một thương hiệu ôtô danh tiếng ở Cần Thơ không làm khó được cô gái xinh đẹp này mà còn bồi đắp thêm ý chí đeo đuổi công việc.
"Em thực tập khâu pha sơn, công việc đòi hỏi phải có sức khỏe tốt cùng sự tỉ mỉ, cẩn thận. Nghề này tuy đòi hỏi thể lực nhưng cũng có lúc cần sự mềm mại, chi tiết" - Ngọc Thơ thổ lộ.
Đời thường xinh đẹp, nữ tính của Ngọc Thơ - Ảnh: NVCC
Con trai làm được, con gái cũng làm được
Ứng tuyển vào vị trí cố vấn dịch vụ tại Trung tâm Toyota Cần Thơ, phải trải qua hai vòng phỏng vấn gắt gao, Thơ mới được tuyển dụng. Đặc biệt, cô vượt qua nhiều bạn nam trong đợt tuyển dụng này nhờ sự chuẩn bị chu đáo cũng như thể hiện sự quyết tâm.
"Em nhớ nhà tuyển dụng hỏi em một câu là công việc này nặng nhọc, hầu như chỉ dành cho nam giới, thì em có làm được không? Em trả lời rằng mình có tập thể dục, có đủ sức khỏe và quyết tâm để đeo đuổi công việc" - Ngọc Thơ chia sẻ.
Hiện hằng ngày Thơ có mặt ở công ty lúc 7h30 sáng, vào họp triển khai công việc rồi trở về phân xưởng. Cô đã quen dần với công việc sửa chữa, bảo dưỡng, đồng sơn...
Hình ảnh cô gái cầm cờlê, mỏlết sửa chữa ôtô thực sự khiến ai chứng kiến cũng bất ngờ pha lẫn thú vị. Thơ nâng, hạ xe rồi mở capô thay nhớt, kiểm tra hệ thống lọc khí, vặn chặt các ốc bánh xe trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Càng ngạc nhiên hơn khi Thơ là bóng hồng duy nhất trong xưởng trực tiếp làm những công việc liên quan đến sửa chữa.
"Cái nào làm được là em xin các anh cho làm hết. Mấy ảnh cũng tận tình hướng dẫn. Nếu không có sự yêu thích thật sự với công việc này thì vào thực tế làm được vài tháng sẽ không chịu được" - Ngọc Thơ tâm sự và cho biết mình rất chú ý tập thể dục để làm được công việc thường chỉ dành cho nam.
Đối với các dòng xe mới, Thơ tìm hiểu tài liệu tiếng Anh để có thể hiểu về cơ chế vận hành, cấu tạo máy móc, sửa chữa. "Ngay từ lúc còn trên giảng đường em đã biết tầm quan trọng của tiếng Anh với ngành này nên chú ý trau dồi tiếng Anh chuyên ngành. Lợi thế này góp phần giúp em ghi điểm với nhà tuyển dụng chứ đâu chỉ sức khỏe" - Ngọc Thơ chia sẻ.
Nghề sửa ôtô có dành cho nữ?
"Sau gần một tuần rà hơn 25.000 thành viên trong hội anh em sửa chữa ôtô và 26.300 thành viên trong hội sinh viên ôtô thì thấy rằng chị em hiện tham gia vào nghề này vẫn còn "rất quý và rất hiếm".
Mình gọi cho 20 bạn nữ mà mình biết từng học ra trường thì một phần họ đã chuyển ngành, phần còn ở lại thì chọn sang lĩnh vực dịch vụ, thương mại ôtô và không ai trong số đó chọn theo nghề sửa chữa!
Khoảng năm 2010, cả khoa ôtô Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM của mình hình như chỉ có mỗi một chị học ôtô, rồi đến mấy năm sau lại có thêm một bạn gái nữa vào khoa và cả hai đều trở thành những bông hoa đẹp nhất, thậm chí là tài năng nhất, của cả khoa qua nhiều thời kỳ.
Và vài năm trở lại đây, ngành ôtô trở thành hot thì số lượng các bạn nữ tham gia vào học ngành này tăng lên nhiều hơn và có những trường như Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có đến mấy chục bạn tham gia, tạo nên luồng sinh khí mới cho cả ngành...
Nhưng học là một chuyện, còn chọn nghề sửa chữa ôtô để gắn bó là chuyện khác. Tạm bỏ qua mức thu nhập cao - thấp, một phần vì đặc thù của nghề này rất cực, phần nữa là người làm phải có sức khỏe như điều kiện cần cơ bản... nên không dễ tìm được bạn nữ dám dấn thân theo nghề này dài hạn.
Nhưng dù thế nào, mình vẫn cho rằng phụ nữ hoàn toàn có thể tham gia vào ngành này và luôn có những lợi thế nhất định. Năng lực các bạn chẳng thua kém bất kể nam nhân nào" - ông Nguyễn Thanh Đàm, CEO của Vast Group - Tập đoàn công nghiệp phụ trợ ôtô Việt Nam, cho biết.
Lê Vân
------------------------------------
Họ thức từ 5h sáng tập luyện kiếm Nhật. Những cô gái trẻ đẹp vung các đường kiếm dũng mãnh như kiếm sĩ trong phim samurai Nhật Bản.
Kỳ tới: Kiều nữ và... thanh kiếm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận