Bạn có biết giá một tô phở Việt được bán bao nhiêu tiền ở Cu Ba? Câu trả lời là 3-5 USD. Trong khi đó, giá một tô phở tại Mỹ lại xoay quanh mức 9 đến 11 USD, tức khoảng 200.000 - 250.000 đồng.
Vậy còn ở những nơi khác trên thế giới?
Khởi xướng của báo Tuổi Trẻ đã chọn được đúng góc độ để tôn vinh ẩm thực Việt Nam, góp phần thúc đẩy mong muốn khám phá của khách du lịch. Tôi mong sang năm 2018, “Ngày của phở” sẽ được tổ chức thành chuỗi sự kiện phong phú hơn, ở không gian rộng lớn hơn, mang tính cộng đồng hơn và kéo dài hơn thành “Tuần của phở”...
Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ (giám đốc Sở Du lịch TP.HCM)
Những bí ẩn của phở
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, cho rằng dù xuất khẩu gạo lớn của thế giới, nhưng giá trị hạt gạo Việt Nam chưa được tôn vinh và đầu tư xứng tầm.
Trong khi đó, chỉ thống kê ở 6 quốc gia có nhiều người Việt sinh sống, có trên 1.600 nhà hàng Việt và hầu hết đều bán món phở. Và theo con số không chính thức, trên thế giới có đến hơn 10.000 nhà hàng Việt.
"Với mạng lưới rộng khắp như vậy, giá trị tiêu thụ các sản phẩm từ gạo sẽ đem về rất lớn nếu chúng ta có cách đầu tư đúng", ông Kỳ nói.
Sợi phở làm từ bột gạo là một gợi ý và là một trong những giải pháp nâng cao giá trị hạt gạo khi phở đã "lên ngôi".
Giải thích lý do người Nhật rất thích phở, thậm chí đi trước cả người Việt trong sáng kiến "Ngày của Phở", chuyên gia người Nhật Asahira cho biết dù có cùng một nền văn minh lúa nước và ăn cơm gạo, nhưng người Nhật không có tập quán dùng bột gạo làm ra các loại sợi. Tuy nhiên khi phở Việt đến Nhật, gắp sợi bánh lên đã thấy hương vị gạo quen thuộc lan tỏa.
"Các món nước, nóng thì rất hợp với người Nhật, khí hậu Nhật. Thịt bò lại càng quen. Người dùng lại có thể tự nêm nếm thêm cho tô phở của mình. Phở thế là đương nhiên được người Nhật ưa thích..." - ông Asahira cho biết thêm.
Chuyên gia ẩm thực Tôn Nữ Tịnh Hải cũng khẳng định: "Tính biến tấu, dung hòa, quốc tế hóa của phở là rất lớn nên phở dễ lan tỏa". Tôi đã từng nấu phở và hướng dẫn cách nấu cho nhiều khách nước ngoài. Hôm nay được nghe nhiều người nói về phở nên càng tự tin để ra nước ngoài giới thiệu, quảng bá món phở".
Nhiều khách tham gia "Ngày của phở" là những người nấu phở ngon hay đã có cả một tiệm phở. Mỗi người đều có một "bí kíp phở" riêng mình.
Thưởng thức xong tô phở bốc khói, nghe các chuyên gia ẩm thực trò chuyện, nhiều người đã đồng ý gật đầu: "Mỗi người đều có thể nấu phở ngon khi để cái tâm mình vào đó. Mỗi tô phở sẽ chuyên chở một câu chuyện, một lịch sử...". Và phở không chỉ là phở, cũng không chỉ là văn hóa ẩm thực. Trước sợi phở là gạo và gạo lại có câu chuyện của gạo.
"Tôi yêu phở Việt Nam"
Bắt đầu câu chuyện bằng một câu tiếng Việt: "Tôi yêu phở Việt Nam", ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam - cho biết đã có hành trình dài gắn liền với các sản phẩm ăn liền từ gạo.
Đến Việt Nam lần đầu năm 1993 và thành lập Acecook, sản phẩm đầu tiên chính là phở ăn liền làm bằng bột mì. Mãi đến năm 2006, doanh nghiệp này mới sản xuất được sợi phở ăn liền từ bột gạo, để phở đúng là phở Việt.
"Khi xuất khẩu gạo, giá trị là 1. Nhưng nếu xuất khẩu một sản phẩm chế biến từ gạo như là sợi phở, giá trị có thể tăng lên từ 3-5 lần. Tiếp tục nâng sản lượng gạo xuất khẩu là một cách, cách khác là nâng giá trị hạt gạo xuất khẩu bằng các sản phẩm tinh chế", ông Junichi nói.
Đến nay, phở ăn liền đã xuất khẩu đi 42 nước trên thế giới và chiếm tỉ trọng 10% hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này.
Mỗi năm doanh nghiệp này sử dụng 20.000 tấn gạo để sản xuất các sản phẩm chế biến từ gạo, doanh thu từ các mặt hàng này năm 2017 chiếm 18% tổng doanh số, đạt 1.500 tỉ đồng.
Ông Trần Ngọc Trung, Chủ tịch Công ty Vinh Phát chuyên xuất khẩu gạo, cho biết hiện khoảng 15% gạo được bán ra thị trường dùng để chế biến thành các nguyên liệu làm bún, bánh xèo, bánh canh... 85% lượng còn lại được dùng để nấu cơm.
"Một cách khác nữa mà chúng tôi chọn là liên kết với đối tác nước ngoài, sản xuất dầu ăn từ cám gạo, nguyên liệu được thải ra trong quá trình xay xát, hay cung ứng gạo cho các nhà máy bia làm nguyên liệu sản xuất", ông Trung chia sẻ.
12-12: Ngày của Phở
Các vị khách nước ngoài thích thú với món phở Việt tại Ngày của phở Việt - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chiều 12-12, ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - công bố: "Báo Tuổi Trẻ đã đăng ký với các cơ quan chức năng chọn ngày 12-12 hàng năm làm "Ngày của Phở" tại Việt Nam.
Chỉ hai giờ, gần 2.000 phần phở đã được phục vụ miễn phí cho các khách tham dự. Từ những thực khách người Việt khó tính, "đầy một bụng bí quyết phở" cho đến các khách nước ngoài, ai cũng khen ngon.
Nicki - một vị khách đến từ Brighton, Anh - vui vẻ nói cô có thể ăn hết 4 tô phở tại ngày hội này.
"Ở thành phố tôi sống, có đến 5 nhà hàng bán phở Việt, nhưng đến Việt Nam và ngay tại ngày hội này, tôi nghĩ đây mới chính là vị phở ngon nhất" - Nicki chia sẻ.
Phở đã là tình yêu và nỗi nhớ
Khách thưởng thức phở tại quán Dậu trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Người vui nhất trong "Ngày của phở" đầu tiên có lẽ là TS sử học Nguyễn Nhã, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, trưởng đề án Bếp Việt - bếp của thế giới. Ông Nhã chính là người đã đứng chủ biên và xuất bản cuốn Phở Việt, cuốn sách đầu tiên nghiên cứu bài bản về sự ra đời và lịch sử lan tỏa, biến tấu trăm năm của phở.
"Tôi ấp ủ những ý định quảng bá phở từ lâu lắm rồi, cuốn sách của tôi là một trong những ý định ấy, giờ có "Ngày của phở" này, tin là mọi người Việt đều vui. Phở trước giờ quá quen thuộc, nếu có mối quan tâm lớn hơn, đúng hướng hơn thì không chỉ mỗi người sẽ ăn được tô phở ngon hơn mà kinh tế dịch vụ, du lịch, xuất khẩu sản phẩm từ gạo cũng sẽ phát triển hơn..." - ông Nhã nói.
Nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng, người vừa viết trên Tuổi Trẻ loạt bài về lịch sử trăm năm của phở, khẳng định: "Phở đã vào đủ cầm kỳ thi họa của người Việt rồi, không chỉ là thức ăn mà đã là văn hóa, không chỉ đi vào người qua dạ dày mà còn đi vào tình yêu, nỗi nhớ. Phở chắc chắn xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận