Nội Mông nếu nhìn về là nơi có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng đồng thời cũng là nơi có khí hậu khắc nghiệt khi mùa đông kéo dài nhiều tháng, nơi lạnh nhất ở Nội Mông là -58 độ C, được mệnh danh là nơi lạnh nhất ở Trung Quốc.
Nếu đã từng đến thăm Viện Bảo tàng Nội Mông nằm tại thủ phủ Hohhot của khu tự trị Nội Mông Cổ, có thể bạn cũng sẽ đặt ra trong đầu rất nhiều câu hỏi… Bởi, Nội Mông - vùng đất ấy, khu vực ấy dường như ẩn chứa vô vàn điều kỳ bí.
Nghĩa trang khủng long hóa thạch
Viện Bảo tàng Nội Mông được trưng bày theo bốn chủ đề cơ bản gồm: Thế giới viễn cổ, Cao nguyên hùng vĩ, Bảo tàng dưới lòng đất, Thần Châu phi thiên làm nổi bật về chiều dài lịch sử cũng như đặc điểm môi trường tự nhiên của Nội Mông.
Có người từng ví bảo tàng này giống như một Công viên kỷ Jura thu nhỏ. Ngay khi bước chân vào không gian trưng bày đầu tiên mang chủ đề Thế giới viễn cổ là vô số những bộ xương khủng long hóa thạch được bố trí, sắp xếp đa dạng từ trứng hóa thạch đến các loại khủng long với kích thước to nhỏ khác nhau.
Số lượng khủng long hóa thạch được trưng bày tại bảo tàng Nội Mông vào khoảng 20 loại, ngay cả loài khủng long hóa thạch khổng lồ hiếm thấy là Tyrannosaurus cũng được khai quật và trưng bày tại đây. Trên vùng đất Nội Mông, có bao nhiêu bí mật về khủng long còn chưa được tiết lộ?
Hàng chục triệu năm trước, vùng đất bao la rộng lớn Nội Mông hẳn đã ẩn chứa rất nhiều bí mật. Vào thập niên 20 của thế kỷ 20, một đoàn thám hiểm người Mỹ đã đến vùng đất hoang dã không có người sinh sống ở Nội Mông, cách sa mạc Gobi không xa, tại đây các thám hiểm đã bất ngờ phát hiện số lượng khủng long hóa thạch vô cùng lớn.
Địa điểm phát hiện khủng long hóa thạch là ở một "đầm muối" (theo tiếng Mông Cổ) được bao phủ bởi cát đỏ và đá bùn… nơi mà sau này được báo chí đặt tên là "nghĩa trang khủng long". Kể từ đó, Nội Mông được biết đến là một trong những khu vực đầu tiên ở châu Á tìm thấy khủng long hóa thạch.
Công trình địa chất tuyệt mật - Nội Mông 723 và những thám hiểm kỳ lạ
Năm 1962, công trình địa chất Nội Mông 723 được triển khai nhằm khảo sát, tìm kiếm khoáng sản, mỏ quặng… tại vùng đất rộng lớn này.
Thế nhưng, không biết trong quá trình khảo sát ấy các nhà khoa học đã đào bới hay tìm kiếm được gì mà sau hai tháng công trình Nội Mông 723 đột ngột bị dừng lại và đưa vào nội dung tuyệt mật của quốc gia. Ít năm sau, cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc đã góp phần đưa Công trình địa chất Nội Mông 723 chìm vào quên lãng.
Bởi công trình ấy đã trở thành tuyệt mật, nên cho đến tận bây giờ cũng không ai biết sự thật câu chuyện đằng sau đó là gì? Ở trên mạng có rất nhiều câu hỏi tương tự như: "Người ta rốt cuộc đào được cái gì vậy?" và cũng sẽ có hàng trăm, hàng ngàn cách giải đáp khác nhau.
Rất nhiều năm sau, công trình địa chất Nội Mông 723 trở thành đề tài gợi mở trí tưởng tượng cho các nhà văn, biên kịch. Chẳng hạn như Nam Phái Tam Thúc - tác giả nổi tiếng của rất nhiều câu chuyện mang màu sắc kì bí như đào mộ, trộm mộ, ma quái, khoa học viễn tưởng… đã dành ba năm để viết về công trình 723 trong cuốn Đại Mạc Thương Lang.
Tác giả Nam Phái Tam Thúc trong Đại Mạc Thương Lang đã viết về Nội Mông thế này: "Đến khi ấy, tôi mới biết rằng, trong những dãy núi hùng vĩ, khô khan kia, còn tồn tại vô số điều thần bí, mà dẫu bạn sở hữu một trí tưởng tượng tuyệt vời đến đâu đi chăng nữa, thì có những việc bạn vẫn không thể nào lí giải nổi".
Quả là vậy, một số chuyện kỳ lạ ở Nội Mông vẫn được cư dân mạng đồn đại và xếp vào loạt chuyện kỳ bí nhất ở Trung Quốc. Chẳng hạn như sự xuất hiện của "con trùng địa ngục".
Hình dáng con vật kỳ lạ ấy được miêu tả giống như hình ảnh mà người ta hay nhìn thấy trong những cuốn sách ma thuật. "Con trùng địa ngục" có thể gây sát thương cho người lại gần nó. Thực hư thế nào thì chẳng mấy ai biết vì nó tồn tại giống như một câu chuyện kỳ bí ở thời hiện đại.
Năm 1907, một số người nước ngoài tiến hành khảo cổ tại Nội Mông phát hiện có dã nhân ở khu vực này. Sau đó, rất nhiều chuyên gia nước Nga đến đây để thám hiểm, đáng tiếc kết quả mà họ thu được không khả quan.
Tuy nhiên, vài chục năm sau đó Nội Mông lại có thêm một câu chuyện lạ về những bộ xương hóa thạch khổng lồ. Đó là vào năm 1982, tại Nội Mông người ta khai quật được 8 bộ hài cốt, điều dị thường là những bộ hài cốt ấy đều có chiều dài tới 4m.
Sau khi khai quật những bộ xương ấy được chuyển đến đâu cũng lại là một bí mật, điều tồn tại duy nhất là những bức ảnh cũ được lưu truyền trên mạng mà thôi. Nhưng những khám phá mang tính khảo cổ nói trên vẫn chưa phải là điều bí ẩn nếu so sánh với hồ kinh dị Trát Hán Cung.
Trát Hán Cung hay "hồ kinh dị" ở Nội Mông
Trát Hán Cung là tên gọi phiên âm từ tiếng Mông Cổ, hàm ý là độ sâu khó lường. Trát Hán Cung cũng là tên của hồ kinh dị nằm ở gần sa mạc Hunshandak (tức Hồn Thiện Đạt Khắc). Hồ có diện tích không lớn, đường kính chỉ khoảng 30m nhưng độ sâu thì chưa đo được con số cụ thể.
Vào mùa đông, khi mặt hồ đóng băng, đã có người từng thử khoét một lỗ trên mặt băng và thả dây để đo độ sâu của hồ nhưng rốt cuộc hết dây vẫn không chạm tới đáy, người bản địa phỏng đoán độ sâu của hồ tối thiếu cũng phải hơn 20m.
Lý do mà người dân địa phương đặt tên cho hồ như vậy là vì rất nhiều gia súc, thậm chí cả con người khi tiến lại gần hồ uống nước mà bị rơi xuống nước thì đều biến mất. Vì vậy, người ta còn gọi nó là hồ ăn thịt.
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, tại hồ Trát Hán Cung đã xảy ra liên tiếp các sự cố khủng khiếp, tổng cộng đã có 300 con ngựa, 500 con bò, 25 người mất tích. Ly kỳ ở chỗ là toàn bộ người và gia súc mất tích ấy, không biết là sống hay chết chỉ có điều "sống không thấy người, chết không thấy thây".
Hồ kinh dị ấy giống như một câu đố chưa có lời giải đáp.
Những hiện tượng kỳ ảo trên bầu trời
Rất nhiều người biết rằng, Nội Mông chính là địa điểm phóng tàu vũ trụ Thần Châu. Có thể một phần do điều kiện tự nhiên của Nội Mông phù hợp với việc phóng tàu vũ trụ, phần khác là do điều kiện khí hậu ở Nội Mông đủ khắc nghiệt để các phi hành gia luyện tập trước khi bước vào quá trình thám hiểm không gian.
Một câu hỏi ngược lại, đó là sự trùng hợp về điều kiện tự nhiên ấy có phải cũng là lý do mà người ta thường xuyên bắt gặp các hiện tượng thiên nhiên dị thường, hoặc các vật thể bay không xác định tại khu vực này?
18h30 ngày 25-9-2005 trên bầu trời của Nội Mông xuất hiện vật thể bay không xác đinh, đến 18h40 thì biến mất trong không trung. Cùng ngày thông tin về UFO cũng xuất hiện ở Nga và một số tỉnh khác của Trung Quốc. Sau đó, cụm từ "Sự kiện 9.25" trở thành tên gọi cho sự việc này.
Ngày 19-7-2017 hàng loạt bức ảnh được đăng tải trên wechat và weibo ở Trung Quốc về một hình ảnh kỳ quái trên bầu trời Bao Đầu - Nội Mông. Đó là hình ảnh những vệt "mây" xếp lại giống như một thông điệp nào đó được truyền tải trên bầu trời. Thông điệp đó dành cho ai? Ai là người gửi đi thông điệp? Nghi vấn mà đa số cư dân mạng khi ấy đưa ra là: "Lẽ nào người ngoài hành tinh đã đến thật rồi?".
Những nghi vấn ấy không phải là không có lý khi mà Nội Mông luôn ẩn chứa quá nhiều bí ẩn và cả những điều kỳ bí mang tên "tuyệt mật". Nhưng bất luận thế nào thì cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, lịch sử dài lâu của khu tự trị Nội Mông Cổ vẫn luôn là điều hấp dẫn đối với những người yêu thích khám phá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận