Trong thành phố, những tuyến đường tám làn xe chạy rộng thênh thang, sạch đẹp.
Về miền cao xanh
Phóng to |
Những ngôi lều trên thảo nguyên |
Hohhot theo tiếng Mông Cổ nghĩa là thành phố xanh, tiếng Hán gọi là Thanh Thành. Đây là thủ phủ, đồng thời là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của khu tự trị Nội Mông Cổ. Nội Mông có diện tích hơn một triệu cây số vuông, trên bản đồ nhìn như cánh đại bàng kiêu hãnh sải cánh.
Từ khi du lịch phát triển, thảo nguyên bao la trở thành nơi giải trí, nghỉ ngơi cho đông đảo du khách. Các khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố là lăng mộ Thành Cát Tư Hãn, miếu Vương Chiêu Quân… đã được quy hoạch và đầu tư nâng cấp chỉnh trang. Người dân nơi đây lại giàu những lời ca, điệu múa truyền thống và rất nhiệt tình đón khách nên hình thức homestay (ở nhà dân) cũng được ngành du lịch Nội Mông khai thác triệt để.
Xe đưa chúng tôi tiến vào thảo nguyên theo tuyến đường nhựa hiện đại. Khi các cụm nhà ở bắt đầu thưa thớt, dần hiện ra con đường đất với những ngôi nhà hình chiếc lều rải rác cô độc giữa thảo nguyên bao la. Gần đến nơi, từ trên xe chúng tôi đã cảm thấy ngợp khi nghe tiếng vó ngựa rầm rập. Thì ra đó là những người đàn ông Nội Mông tráng kiện phi ngựa phía trước dẫn đường và hộ tống hai bên xe chờ đón khách.
Phóng to |
Người dân Nội Mông đang đón tiếp du khách |
Được người dân địa phương mời lên lưng ngựa chinh phục thảo nguyên, tôi có cảm giác mình sắp sửa trở thành người hùng kiêu bạc vai đeo cung tên để “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”. Có nài ngựa dìu dắt những bước đi ban đầu, đến khi đã thẳng lưng vững chãi thì du khách có thể thỏa sức phi ngựa lao thẳng vào thảo nguyên ngút tầm mắt mà không lo bị ngã (các chú ngựa này đã quen công việc phục vụ những vị khách phương xa).
Khu vực tập bắn cung cũng được dựng ngay trên thảo nguyên với lô nhô các lốp xe như hoa đất dựng lên định hướng cho tầm ngắm chuẩn xác. Cung tên căng ra trên cánh tay, chân bám chặt trên lưng ngựa giữ thăng bằng, dù mũi tên có lao trúng đích hay không thì ai cũng cười sảng khoái vì những phút giây “yêng hùng” có thật trong chuỗi ngày du mục lý thú này.
Phóng to |
Những “kỵ sĩ” dẫn đường |
Vẫn biết từ tháng 5 đến đầu tháng 10 là khoảng thời gian lý tưởng nhất để tham quan Nội Mông vì lúc này đồng cỏ xanh tươi, không khí mát mẻ. Vậy mà khi đặt chân xuống thảo nguyên Xilamuren, chúng tôi vẫn ngỡ ngàng trước khung cảnh đẹp như tranh. Mùa này, toàn bộ thảo nguyên rực rỡ sắc màu của cỏ xanh cao gần tới đầu gối, xen kẽ với những lớp cỏ bụi trổ hoa tím cà, nâu đỏ và vàng nghệ. Tất cả tạo nên phông nền thiên nhiên tuyệt hảo cho những ngôi lều trắng tựa như nón úp.
Gió thổi từ tứ phía tạo nên những âm thanh rất lạ, như có ai đang thì thầm bên cạnh. Chúng tôi được mời vào một lều lớn nhất và lâu đời nhất ở đây. Khi tấm cửa bằng da dê khép lại, một phần đời sống du mục bắt đầu mở ra với những chiếc cung tên, tranh vẽ trên da ngựa, những bộ yên ngựa được bài trí khắp nơi.
Ghé thăm các lều hay còn gọi là MongCo Bao dành riêng cho khách du lịch, chúng tôi lại gặp một bất ngờ khác: bên trong những chiếc lều màu trắng sữa giản dị được dựng lên theo đúng cấu trúc xưa kia là những trang thiết bị nội thất khá hiện đại, có cả tivi, nhà tắm và điện thoại. Ngồi trong lều ngắm nhìn thảo nguyên xanh ngát với những đàn ngựa thẩn thơ gặm cỏ qua ô cửa sổ bé xíu, bỗng dưng thấy cuộc sống như chậm lại và tâm hồn thật thư thái.
Ở Nội Mông, trẻ em lớn lên trên lưng ngựa, còn ngựa lớn lên theo những ngày tháng cùng người đàn ông chăn dê, phi nước đại săn bắn và lang thang trên thảo nguyên tìm hoa thơm tặng những cô gái đẹp. Những ai đã đọc Totem sói khi đến đây nghe tiếng ngựa hí, thấy dáng người phi ngựa trên đồng cỏ hẳn sẽ liên tưởng đến đoàn thiết kỵ và sói Mông Cổ tung hoành trên thảo nguyên xa xưa.
Sói là một mắt xích lớn trong đời sống thảo nguyên. Người Mông Cổ sống để chiến đấu với sói nhưng khi chết lại cần đến sói thông qua tập tục thiên táng. Thời tung hoành của Thành Cát Tư Hãn ngang dọc từ Á sang âu cũng được cho là dựa trên hai tố chất: trí tuệ của sói và tốc độ của ngựa.
Khúc giao hưởng của cát
Phóng to |
Cáp treo băng qua lòng chảo sa mạc |
Đến sa mạc Vọng âm, chúng tôi lần lượt xỏ chân vào những đôi tất đặc biệt để có thể đi bộ trên cát mà không bị bỏng chân. Với người dân nơi đây, cát không vô tri vô giác, mà chứa đựng nhạc. Mỗi khi gió thổi và đổi hướng, mỗi khi chiếc xe địa hình chuyên dụng chở khách uốn lượn trên từng lớp sóng cát… trong không gian vang lên nhạc điệu u u huyền diệu. Những nốt nhạc trong cát đã mang đến cho sa mạc quanh năm khô khát cái tên Vọng âm đầy chất thơ.
Được đi cáp treo để ngắm sa mạc từ trên cao, ngắm đồi cát nhấp nhô đủ hình thù kỳ lạ rồi cưỡi lạc đà xuyên thẳng vào lòng chảo sa mạc - nhiều người chợt nhận ra bấy lâu nay trong sâu thẳm tâm hồn mình vẫn hiện hữu nỗi khát khao được trải nghiệm một đời sống khác. Thật khó quên cảm giác được người dân địa phương nhấc bổng lên và đặt ngồi vào giữa hai bướu của chú lạc đà.
Phóng to |
Chuẩn bị chinh phục sa mạc bằng lạc đà |
Cưỡi lạc đà thoải mái hơn cưỡi ngựa vì lạc đà di chuyển chậm rãi, từ tốn. Hấp dẫn nhất là được ngắm và chụp ảnh bên những cồn cát sa mạc, nhìn cát đổi màu theo từng giờ trong ngày, từ màu vàng sang màu bạc rồi thành màu hồng. Vào sa mạc, nếu không có những loại xe chuyên dụng và đội ngũ hướng dẫn viên dày kinh nghiệm, du khách sẽ dễ có cảm giác lạc vào trận đồ bát quái của cát và say đắm trong hợp âm của cát mà quên đường về.
Giữa mênh mông cát và bước chân lạc đà đủng đỉnh, người lữ hành có cảm giác như đang trở thành những nhân vật chính trong các phim dã sử của Trung Quốc, Hong Kong…
Đêm thảo nguyên
Ngày nay, phần lớn người dân Nội Mông đã định canh định cư, nhưng chiếc lều du mục vẫn tồn tại như một biểu tượng của kiến trúc và văn hóa sinh hoạt trên thảo nguyên. Thời buổi nhà nhà làm du lịch thì lều cũng được gắn sao. Chúng tôi ngủ trong những chiếc lều 4 sao, một sản phẩm tuyệt vời của cuộc sống gắn liền với thiên nhiên.
Lều là những ngôi nhà hình tròn với hai cột đặt cách nhau khoảng 1,2m được đỡ bởi bộ khung vững chãi. Bộ khung lều được phủ ba lớp: ngoài cùng là lớp vải bạt màu trắng, kế đến là một lớp vật liệu như kiểu da thô bằng lông thú nén lại, có tác dụng cách nhiệt; bên trong là thảm trang trí hoặc một lớp da lông thú. Sàn lều bằng gỗ được lắp với bốn bánh xe lớn để có thể di chuyển mỗi khi muốn thay đổi chỗ ở. Mọi kích thước của lều được tính toán kỹ để đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè, còn đồ dùng cũng có kích thước thích hợp để đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho một gia đình và tiện lợi khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác.
Phóng to |
Nghi thức trước khi thưởng thức thịt dê nướng |
Về đêm, du khách sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn đời sống du mục khi tham gia lửa trại do người dân địa phương tổ chức. Rượu được đựng trong những chiếc sừng đen bóng và liên tục mời khách uống để giữ ấm. Cách thưởng thức thịt dê, thực phẩm chủ yếu trong các bữa ăn ở Nội Mông Cổ - cũng được tổ chức theo nghi thức tế lễ độc đáo: dê nướng nguyên con được trang trí đẹp mắt, đặt trên chiếc bàn có bánh xe do hai cô gái xinh đẹp từ từ đẩy vào trong lều.
Phóng to |
Một điệu múa của người dân Nội Mông |
Sau những lời khấn tế của vị chủ lễ tôn kính, hai vị khách đại diện trong đoàn sẽ được mời lên cắt những miếng thịt dê nướng đầu tiên, sau đó tung lên cao để cúng trời đất. Trong hơi rượu nồng ấm và ánh lửa trại bập bùng, được thưởng thức lời ca, điệu múa của các chàng trai, cô gái cùng tiếng đàn Mã Đầu Cầm tấu khúc vó ngựa vi vút trên thảo nguyên đêm lộng gió thật là một khoảng thời gian đẹp và lạ trong đời.
Phóng to |
Trà sữa và những đặc sản từ sữa |
Người địa phương còn mời du khách thưởng thức sữa dê, sữa ngựa hoặc trà sữa có màu nâu nhạt như cacao. Sữa vắt ra được chứa trong những thùng sắt để qua đêm, người ta hớp lớp váng sữa trên mặt rồi cho sữa vào những bao da lớn, dùng một cây gỗ khuấy mạnh. Sữa lên men chua, trở thành món sữa có vị chua nhẹ.
Váng sữa cũng để lên men và phơi khô thành những tấm bánh màu trắng đục, rắn như đá, nhưng khi cho vào miệng nhai thì thấy dẻo và có vị bùi béo - đây chính là thức ăn khoái khẩu trong mùa đông. Các sản phẩm trà, bánh kẹo chế từ sữa ngựa, sữa dê được bày bán nhiều tại chuỗi cửa hàng, siêu thị sang trọng khắp Hohhot.
Bữa sáng thông thường của người dân nơi đây có sữa dê, các loại bánh, pho mát dê nên cơ thể ai cũng cường tráng, cao lớn. Thật chẳng ngạc nhiên khi một trong những người cao nhất thế giới trong sách Guinness chính là dân Nội Mông: ông Bao Xishun, cao khoảng 2,36m, làm nghề chăn nuôi gia súc.
Một ngày được rong ruổi giữa thảo nguyên bao la, một ngày được sống đời du mục mới nhận ra rằng tâm hồn đã đạt tới sự khoáng đạt chưa từng có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận