06/10/2008 19:52 GMT+7

Kẻ dị thường Damien Hirst

Theo Y CHIÊUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo Y CHIÊUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, chưa có ai lập được “kỳ tích” như Damien Hirst, nghệ sĩ tạo hình đương đại người Anh 43 tuổi. Dù các tác phẩm của ông còn gây tranh cãi về giá trị thẩm mỹ, chúng đã gây những cơn sốt không tải nào hiểu nổi trên thị trường. Người ta đã mua tất cả những gì có chữ ký của Hirst.

Những kỷ lục

Ngày 16 và 17-9 vừa qua, Sotheby’s London đã tổ chức đấu giá trực tiếp toàn bộ tác phẩm của Hirst. Điểm đặc biệt của sự kiện này là tác giả không thông qua bất kỳ nhà buôn hay gallery nào như cách thông thường. Trong cuộc triển lãm - bán đấu giá có tên “Cái đẹp mãi mãi trong trí óc tôi” ấy, 21 ngàn khách đã đến xem và cả ngàn người dự đấu giá.

Ngày đầu, 65 lô tác phẩm các loại đã được bán với giá 70,5 triệu bảng Anh, ngày sau doanh số là trên 41 triệu bảng, tổng cộng Hirst đã bán được 218 tác phẩm với số tiền lên đến hơn 111 triệu bảng (hơn 200 triệu USD), vượt xa mọi mong đợi và ước tính của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh tác phẩm mỹ thuật.

zMS6Ynzn.jpgPhóng to
Hirst với Con bê vàng - 18,6 triệu USD

Trong lịch sử mỹ thuật đương đại, chưa có tác giả nào lại lập được thành tích phi thường như thế ở độ tuổi như thế! Đây cũng là kỷ lục về đấu giá chỉ với một tác giả. Kỷ lục trước đó được lập năm 1993, khi 88 bức tranh và tượng của Picasso được bán trong một buổi với giá 31 triệu USD.

Tại buổi đấu giá đầu tiên 16-9-2008, tác phẩm Con bê vàng - một con bò đực và là bò thật, nặng 600kg, móng và sừng được làm bằng vàng 18 carat, được bảo quản trong dung dịch formaldehyde đã được bán với giá 18,6 triệu USD. Ngay một con bò bằng vàng khối nặng 600 kg cũng chưa có giá cao như vậy!

jhKgKyBb.jpgPhóng to
Một trong những bức tranh thời kỳ đầu của Damiel Hirst

Damien Hirst sinh năm 1965 in Bristol (Anh), tốt nghiệp ngành mỹ thuật tại Đại học Goldsmiths ở London, nơi Damien sớm trở thành khuôn mặt nổi bật nhất trong thế hệ họa sĩ trẻ tại Anh lúc bấy giờ. Những năm 1990 là thời kỳ ngự trị của Hirst trong làng nghệ thuật xứ sở sương mù. Năm 1995, Hirst được trao tặng giải Turner - giải thưởng mỹ thuật cao quý nhất của nước Anh. Những năm đầu của thế kỷ XXI, Hirst có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm tại các đô thị lớn ở châu Âu và Mỹ. Sự nghiệp nghệ thuật của ông thời kỳ đầu gắn với một nhà sưu tập cũng là trùm kinh doanh Charles Saatchi, nhưng đến năm 2003 thì mối quan hệ này kết thúc.

1fW2yWlO.jpgPhóng to
Tranh thời kỳ đầu của Damiel Hirst

Sớm nổi tiếng với những “tranh xoay tròn” (spin painting) được thực hiện trên những mặt phẳng xoay tròn, và những “tranh đồng tâm” (spot painting) với những vòng tròn màu sắc ngẫu nhiên, song Hirst chỉ vang danh thế giới khi thực hiện những tác phẩm dạng sắp đặt thật lạ lùng, kỳ dị, mà chủ đề trung tâm của các tác phẩm ấy là cái chết.

Chẳng hạn, tác phẩm có tên dài ngoằng Điều không xảy ra được về mặt lý tính của cái chết trong tâm trí của ai đó đang sống là một con cá mập hổ dài 4,3m được ngâm trong một bể kính chứa formaldehyde. Hirst thực hiện tác phẩm này năm 1992 với sự tài trợ của Charles Saatchi. Năm 2004, con cá mập này được gallery Saatchi bán cho Steven Cohen với giá 8 triệu USD, trong khi kinh phí để làm bể cá - tác phẩm này chỉ tốn có 50 ngàn bảng Anh!

Năm 1993, trong lần đầu tiên đến với một triển lãm quốc tế, Hirst đem đến Venice Biennale tác phẩm Mẹ và con phân ly - một con bò cái và một con bê bị cắt thành nhiều phần, trưng bày trong nhiều tủ kính chứa formaldehyde. Sau đó, năm 1994, một con cừu cũng được ngâm trong bể formaldehyde tại gallery Serpentine ở London. Kế đến là hàng loạt thứ kinh khủng khác, đến nỗi năm 1995, giới chức y tế của thành phố New York phải ra lệnh cấm một triển lãm của Hirst vì trưng bày trong một bể ngâm formaldehyde hai con bò đực và cái đang giao phối và cả hai đang trong tình trạng thối rữa, vì sợ nó “khiến du khách nôn mửa”.

Tuy nhiên, bất chấp những bài phê bình nặng lời các tác phẩm đáng sợ đó, Hirst ngày càng thành công về mặt thị trường. Tháng 9-2000, gallery Gagosian hàng đầu ở New York tổ chức một triển lãm lớn dành riêng cho Hirst. Khoảng 100 ngàn người đã đến xem triển lãm trong suốt 12 tuần và toàn bộ những gì trưng bày đều được bán sạch! Tháng 9-2003, triển lãm tại gallery White Cube tại London mang về cho Hirst 11 triệu bảng tiền bán tác phẩm.

Hiện nay Hirst là một trong những nghệ sĩ giàu có nhất nước Anh với tài sản được ước tính khoảng 130 triệu bảng Anh, tất cả đều từ tiền bán tác phẩm. Người ta còn ước tính giá tác phẩm của Hirst tại các sàn đấu giá cứ tăng đều khoảng 84% trong những năm gần đây.

Tháng 5-2007, Hirst trưng bày tác phẩm mới của anh tại gallery White Cube ở London mà cây đinh của triển lãm có tên Đức tin xa thẳm là một cái đầu lâu được làm bằng bạch kim và trang trí bằng 8.601 viên kim cương, nặng tổng cộng hơn 1.100 carat, có giá khoảng 15 triệu bảng Anh. Chiếc đầu lâu được làm từ mẫu sọ người thế kỷ XVIII, nhưng có bộ răng người thật. Càng kinh dị hơn khi Hirst đưa ra cái giá cho tác phẩm này là 50 triệu bảng Anh (tương đương 100 triệu USD), và vào tháng 8-2009, tác phẩm đó được bán cho một tổ hợp kinh doanh nghệ thuật trong đó có phần của chính Hirst cùng với gallery White Cube.

BfrAliha.jpgPhóng to
Khúc hát ru con mùa xuân - 19,2 triệu USD

Trước đó, vào tháng 6-2008, kỷ lục về giá tác phẩm của một nghệ sĩ đương thời được lập khi tác phẩm Khúc hát ru con mùa xuân của Hirst được bán với giá 19,2 triệu USD mà người mua là Tiểu vương xứ Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa Al-Thani. Đây là một trong bộ bốn tác phẩm sắp đặt có tên “Khúc hát ru con” theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, được Hirst làm năm 2002 bằng thép không rỉ và kính, mô phỏng những kệ bán thuốc tại các thuốc tây ở Anh, chiều cao khoảng 3m, được trang trí bằng hàng ngàn viên thuốc (giả) đủ sắc màu. Khúc hát ru con mùa đông đã bán được với giá 7,4 triệu USD tại nhà Christie’s ở New York vào tháng 5/2008.

Quan điểm nghệ thuật

kP5Q8x56.jpgPhóng to
Vì tình yêu của Chúa - 100 triệu USD

Các tác phẩm của Damien Hirst thật ra là công trình của nhiều người. Hirst chỉ tự mình làm những tác phẩm thời kỳ đầu, còn về sau luôn có một nhóm trợ lý thực hiện các sáng tạo dị thường của Hirst, thậm chí có thể coi đó một “xưởng chế tác”, giống như cách mà ông vua nghệ thuật pop Andy Warhol đã làm tác phẩm của mình. Vào thời kỳ Hirst còn làm nhiều tranh, có thời điểm như tháng 2-1999, hai trợ lý của ông đã thực hiện đến 300 bức tranh. Hirst hoàn toàn có thể tự vẽ những bức tranh ấy nhưng lại cho rằng hoạt động sáng tạo thực sự là ở quan niệm, ý đồ của người nghệ sĩ chứ chẳng phải ở sự thể hiện thành tác phẩm cụ thể.

“Nghệ thuật nảy sinh từ cái đầu của bạn. Nếu thấy thích thú điều gì đó, nó có thể là cái tựa cho một tác phẩm nghệ thuật và tôi ghi lại điều ấy ngay. Nghệ thuật đến từ mọi nơi. Nó là sự đáp lại của bạn với thế giới chung quanh... Tôi luôn có một danh sách đầy ắp tên các tác phẩm, các ý tưởng triển lãm cũng như các tác phẩm không tên” - quan điểm của Hirst như vậy.

Cuộc triển lãm - bán đấu giá “Cái đẹp mãi mãi ngự trị trong tâm trí tôi” được tổ chức để kỷ niệm tròn 20 năm Hirst làm giám tuyển một cuộc triển lãm của trường Đại học Goldsmiths, nơi bấy giờ anh đang theo học năm thứ hai ngành mỹ thuật.

Sự thành công vượt mức của nó một lần nữa khẳng định vị trí của Damien Hirst với tư cách là người phá vỡ mọi biên giới trong nghệ thuật tạo hình và là một nghệ sĩ không bao giờ sáng tác theo những lối mòn đã có sẵn hay những con đường đã in dấu chân bao người khác. Một người có tên tuổi trong lĩnh vực đấu giá tác phẩm nghệ thuật còn tuyên bố về thành công của Hirst rằng “Bất kỳ thứ gì có chất lượng thật sự đều có giá cao”.

Theo Y CHIÊUDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên