ThS.BS Trần Đăng Xuân Tùng - Ảnh CK |
2 lần được trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đặng Xuân Tùng (sinh năm 1984) là bác sĩ của Bệnh viện Vạn Hạnh trực tiếp tham gia thực hiện đề tài “điều trị thoái hóa khớp gối bằng ghép tự thân hỗn hợp tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu”.
Nói về đề tài của bản thân cùng đồng nghiệp, bác sĩ trẻ Xuân Tùng cho hay: “Phương pháp sử dụng công nghệ tế bào gốc vào điều trị cho các bệnh nhân thoái hóa khớp gối đã từng bước được điều trị trên bệnh nhân và đem lại hiệu quả tốt hơn so với phương pháp cắt lọc truyền thống. Phương pháp mới còn giúp tiết kiệm thời gian và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, đồng thời còn giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng”.
Với đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng này, bác sĩ Tùng vinh dự nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần V, năm 2017 vào ngày 25-2 vừa qua.
Dù giải thưởng được bình chọn, xét trao 2 năm/ lần nhưng đây là lần thứ hai bác sĩ Tùng được nhận giải thưởng cao quý này.
Anh bộc bạch: “Làm bác sĩ là để cứu chữa người bệnh, chính vì thế bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp khác không ngừng học hỏi, nghiên cứu để tìm ra những phương pháp, công nghệ mới để ứng dụng trong điều trị giúp bệnh nhân kéo dài sự sống tốt nhất”.
Chính vì thế công nghệ tế bào gốc khi ứng dụng vào điều trị khớp gối đã giúp bệnh nhân kéo dài “tuổi thọ” của khớp gối vì thông thường bệnh nhân khi mắc chứng bệnh này về lâu dài sẽ phải thay khớp gối nhân tạo. Nếu thay sớm thì thời gian sau đó cũng có thể phải thay tiếp lần hai, chi phí sẽ tăng lên nhiều lần.
Bác sĩ Phạm Thành Luân tại bệnh viện Quân Y 175 - Ảnh: C.K |
Hỗ trợ người bệnh ung thư kéo dài sự sống
Còn với bác sĩ trẻ Phạm Thành Luân (sinh năm 1987), trung tâm Ung bướu, bệnh viện Quân Y 175, lại là người thầy thuốc mang quân hàm xanh luôn trăn trở tìm kiếm phương pháp giúp người bệnh ung thư kéo dài sự sống.
Trong nhiều sáng kiến, cải tiến mà anh đã được ban lãnh đạo trung tâm, bệnh viện cho ứng dụng vào điều trị thì anh tâm đắc nhất đấy là sáng kiến “Đánh giá tình trạng viêm loét niêm mạc miệng ở bệnh nhân hóa xạ đồng thời ung thư vùng đầu cổ” do anh làm chủ đề tài.
Ngay từ những ngày tốt nghiệp Học viện Quân y về công tác tại bệnh viện Quân Y 175, bác sĩ Luân đã nhận ra hiện tượng một số bệnh nhân ung thư đang điều trị theo phác đồ xạ trị lại bỏ dở có một phần nguyên nhân bệnh nhân bị viêm loét niêm mạc miệng dẫn đến đau đớn.
Bác sĩ Luân đề xuất trong quá trình xạ trị cho các bệnh nhân ung thư, bác sĩ sẽ tích cực hỗ trợ thêm việc điều trị nâng đỡ, giảm đau bằng cách dùng oxy cao áp để giúp người bệnh giảm viêm loét niêm mạc miệng, giúp họ đi hết những đợt xạ trị, như thế cơ hội khỏi bệnh cao hơn.
“Tôi nhận thấy khi xạ trị cho các bệnh nhân ung thư vùng đầu, cổ thì họ rất dễ bị tác dụng phụ làm viêm loét niêm mạc khiến người bệnh đau mà có khi bỏ cuộc giữa chừng để đi tìm phương pháp điều trị khác.
Chính vì thế tôi đã tìm hiểu và đề xuất lãnh đạo cho ứng dụng thêm cách điều trị nâng đỡ giảm đau để người bệnh tiếp tục điều trị, cơ hội kéo dài sự sống cho người bệnh được nâng lên” - bác sĩ Luân chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hà Phương, bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: C.K |
Được bệnh nhân - phạm nhân chọn để trút tâm nguyện
Cũng gắn bó với người bệnh ung thư, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hà Phương (khoa Giải phẫu bệnh, bệnh viện Ung bướu TP.HCM) đã ngày càng yêu nghề và có nhiều nghiên cứu, sáng kiến phục vụ công tác chuyên môn nhằm hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất có thể.
Mới đây, anh đã thực hiện đề tài “Đặc điểm giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch trong ung thư biểu mô tuyến của phổi” phục vụ chẩn đoán bệnh trong thời gian sớm nhất.
Làm việc tại bệnh viện mà đa phần bệnh nhân khi mắc phải những căn bệnh liên quan đến ung thư đều rất dễ bi quan thì người thầy thuốc không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn rất cần sự sẻ chia, động viên để người bệnh lạc quan tích cực.
Bác sĩ Phương chia sẻ câu chuyện khi còn làm việc tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ của bệnh viện, nơi hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn rất nặng, việc điều trị chỉ là làm sao cho người bệnh vơi bớt những đau đớn trước lúc ra đi.
“Lúc công tác ở khoa này, tôi có gặp một bệnh nhân là một phạm nhân trên mình toàn hình xăm, lại luôn luôn có hai anh công an bên cạnh. Nhìn người bệnh, tôi không dám lại gần. Lúc đó tôi chỉ khám cho xong rồi về phòng.
Nhưng sau khi nghe một đồng nghiệp đi trước chia sẻ rằng người bệnh khi nằm ở khoa này nghĩa là họ rất cần được chăm sóc cả về tinh thần.
Từ đó tôi ngộ ra, tôi đã gần gũi với anh bệnh nhân hơn và anh bệnh nhân ấy đã chọn tôi để nói ra tâm nguyện cuối cùng của anh là được gặp hai người con.
Chúng tôi đã kết nối để người thân và hai người con của anh đến thăm anh. Chỉ 3 ba ngày sau anh đã ra đi thanh thản.”- bác sĩ Phương tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận