15/09/2015 09:49 GMT+7

​Như thế là tội ác

LÊ THANH TÂM
LÊ THANH TÂM

TT - Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có cái chuyện lạ nhất trần gian: lãnh đạo ngành y một số địa phương lại gửi công văn xin cấp bằng bác sĩ cho những người hết thời hạn được dự thi tốt nghiệp, đồng thời nợ môn, điểm dưới trung bình.

Có lẽ chuyện này chưa từng xảy ra trong lịch sử, cần ghi vào y văn thế giới để cho con cháu muôn đời ghi nhớ.

Chưa kể những vị thuộc diện được xin cấp bằng học hành ra sao mà suốt mấy chục năm không có nổi mảnh giấy giắt lưng, chỉ riêng ai đó dám làm cái chuyện tày trời là thò bút ký loại công văn xin được đậu tốt nghiệp thì cũng nên được xếp vào hạng... quá liều.

Rõ ràng là họ quá coi thường tính mạng người bệnh, sẵn lòng giao người bệnh cho các bác sĩ dỏm tùy tiện định đoạt. Y phải luôn luôn gắn với đức, mà đức kiểu ấy thì đến ông sư tổ nghề y phải... “vái lạy cả nón”.

Đành rằng người ta cũng có không ít lý lẽ để biện minh cho việc làm của mình. Nào là người đi học có gia cảnh trắc trở, nào là thiếu hụt bác sĩ, rồi chỉ tiêu phấn đấu tỉ lệ bác sĩ trên đầu dân hoặc nhu cầu cấp bách của vùng sâu vùng xa...

Nghe ra có vẻ khá xuôi tai, dễ dàng tặc lưỡi cho qua, nhưng ngẫm cho kỹ lại thấy rất khó chấp nhận.

Đừng quên bác sĩ là một nghề đặc biệt. Đức độ và tài năng của bác sĩ có liên quan trực tiếp tới tính mạng con người. Vì vậy, trong các nghề khác “sai một li đi một dặm”, cũng chẳng ăn thua với nghề bác sĩ vì sai một li là đi... một mạng người.

Điều đó đòi hỏi việc tuyển chọn và đào tạo sinh viên trở thành bác sĩ là rất công phu, kỹ lưỡng trong cả đầu vào lẫn đầu ra, không thể nại điều này điều nọ để lờ đi dù chỉ vài ba chuẩn mực cần thiết. Làm như thế là chết người bệnh, là tội ác.

Đừng nói nghề y, lẽ thường tình trên đời là học hành thì bất cứ nghề nào, cấp nào cũng đều phải nghiêm túc. Ở đây không có chuyện xin - cho. Nên nhớ, “xin” đã là quá tệ, “cho” lại càng tệ hơn.

Nhà trường là nơi học tập và đào tạo, nếu cứ khư khư giữ mãi lề thói xin - cho là làm hỏng cả một nền giáo dục, đồng nghĩa với việc làm hỏng tương lai của đất nước.

Ông bà ta thường nói “giấy rách phải giữ lấy lề”, dẫu hoàn cảnh nước ta còn nhiều khó khăn nhưng không thể vì vậy mà cứ nhắm mắt để cho ra lò những sản phẩm không đạt chuẩn. Như thế thì chẳng khác nào gieo rắc mầm mống hủy hoại cuộc sống, hủy hoại phát triển.

LÊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên