Xin đừng thu dép của emEm đã có dép để đến trườngSao không là em?
Phóng to |
Cô Lý Thị Thủy, tác giả bài báo “Xin đừng thu dép của em” và em Hờ Hảo cùng mẹ xem kết quả xét nghiệm và đơn thuốc - Ảnh: HU.H. |
1 Trải chiếc chiếu giữa nền nhà nhỏ hẹp mời khách ngồi, chị Hờ Nở - mẹ em Hờ Hảo, ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên (nhân vật trong bài “Xin đừng thu dép của em” - Tuổi Trẻ ngày 18-3) - bày ra vô số phiếu xét nghiệm, đơn thuốc và hộp thuốc các loại. Chị kể: “Vừa rồi, tôi dẫn cháu đi xét nghiệm ở Viện Pasteur TP.HCM, mới biết cháu bị nhiễm khuẩn. Uống thuốc của bệnh viện cháu bớt bệnh hẳn, mặt không còn bị sưng, da không còn nổi mẩn ngứa, giờ đã đi học lại bình thường”.
Chị Hờ Nở cho biết nhờ hơn 15 triệu đồng của bạn đọc chuyển cho Hờ Hảo, qua cô Lý Thị Thủy (tác giả bài viết), gia đình mới có điều kiện đưa em đi TP.HCM chữa bệnh. Trước đó, không có tiền, chị dẫn cháu đi chữa khắp nơi trong tỉnh, ra cả Bình Định, lên Gia Lai, rồi mời thầy về cúng nhưng bệnh vẫn không hết. Trong ngôi nhà nhỏ này, với vợ chồng chị, tài sản lớn nhất là... ba đứa con. Hờ Hảo là con đầu, còn hai em nhỏ chưa đi học. Hai vợ chồng phải làm rẫy, đi rừng, làm thuê quanh năm mới nuôi con đủ ăn. Một đôi dép mới có quai hậu cho con đến trường vì thế cũng phải đắn đo.
Hôm 9-5, khi đại diện báo Tuổi Trẻ trao tiếp cho gia đình hơn 15 triệu đồng của bạn đọc ủng hộ, chị Hờ Nở không ngờ lại một lần nữa được nhận sự hỗ trợ của những người chưa một lần biết mặt. “Không biết cảm ơn thế nào đây, vì nhà đã hết tiền lại chuẩn bị đưa cháu đi tái khám, sự giúp đỡ lúc này với gia đình tôi thật quá lớn” - chị Hờ Nở nói. Cô Lý Thị Thủy xúc động: “Một lần nữa bạn đọc Tuổi Trẻ đến với em Hờ Hảo cứ như là ông Bụt vậy”.
2 Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh, Phú Yên) nằm giữa vùng núi, học trò đến lớp phần lớn có gia cảnh rất khó khăn, trong đó nhiều em là con đồng bào dân tộc ít người. Trước hôm đại diện báo Tuổi Trẻ đến đây, hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền cùng một số bạn hữu đã đến thăm trường và trao thuốc chữa bệnh cho em Trần Ngọc Trọng (nhân vật trong bài “Sao không là em?” - Tuổi Trẻ ngày 2-4) bị suy thận.
Cô Nguyễn Thị Bích Nhàn, người viết bài báo trên, cho biết: “Sau khi bài viết được đăng, tôi bất ngờ nhận được mấy thang thuốc gia truyền cùng hướng dẫn sử dụng rất cụ thể của một bạn đọc Tuổi Trẻ. Từ khi em Trọng uống thuốc này bệnh thuyên giảm hẳn và không còn phải chạy thận. Chờ tái khám lần tới, nếu bệnh tình em Trọng khỏi hẳn thì đây thật sự là một phép mầu” - cô Nhàn kể.
11 năm trời liên tục, Trọng phải thường xuyên vào bệnh viện để chạy thận. Đợt nào chạy nhiều, chi phí 600.000-700.000 đồng, đợt nào ít thì 300.000-400.000 đồng. Những lúc khó khăn quá không đủ tiền vào viện chạy thận, em uống thuốc bắc, thuốc nam cầm cự. Trọng nói: “Mỗi lần chạy thận như vậy, con thấy người uể oải lắm, da dẻ lại vàng đi”.
Bệnh tình, hoàn cảnh gia đình là thế nhưng Trọng đã vượt lên tất cả, không chểnh mảng việc học. Nhiều năm liền, Trọng luôn là một trong những học sinh dẫn đầu lớp. Thầy Trần Hoàng Nam, hiệu trưởng nhà trường, xác nhận Trọng còn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào, ngoại khóa của trường.
Phóng to |
Nhà văn Nguyễn Đông Thức trò chuyện với em Trần Ngọc Trọng - Ảnh: H.T. |
Tâm sự với Trần Ngọc Trọng, nhà văn Nguyễn Đông Thức chia sẻ: “Bác và các cô chú trong đoàn đến thăm con, mang theo tình cảm, sự động viên của rất nhiều người ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Cho nên con phải nhớ rằng xã hội đang có rất nhiều người quan tâm, giúp đỡ con. Con không được quên tất cả tình cảm, sự động viên đó dành cho con không phải vì con bị bệnh mà vì những nỗ lực của con vượt lên trên khó khăn, bệnh tật, vì con đã cố gắng học giỏi. Con hãy tiếp tục cố gắng hơn nữa, học giỏi hơn nữa”.
Từ ngày 6 đến 13-5, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” nhận được bài viết của các tác giả: Nguyễn Long, Vũ Đình Lai, Nguyệt Long, Phi Khanh (Hà Nội), Kim Thoa, Kiến Quốc (Thanh Hóa), Từ Thị Thanh Thúy (Quảng Bình), Đào Mạnh Long (Hải Phòng), Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Văn Học, Thu Hiền (Đà Nẵng), Ngô Thị Phúng, Ngô Công Thành, Trương Thị Kim Thủy (Phú Yên), Vĩnh Linh (Kon Tum), Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa), Hà Giang (Lâm Đồng), Võ Thị Lệ Hằng (Bình Thuận), Phan Thị Hiền (Tây Ninh), Trần Văn Tám, Nguyễn Thị Mộng Thúy, Vũ Văn Dũng, Trần Ngọc Dung, Vũ Thụy Phương Trang (TP.HCM), Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu) cùng các tác giả Dũng Mạnh, Mã Phương, Lý Thế Mạnh, Minh Trần, Nguyễn Hoàng Oanh, Trường Huy, Đoàn Thị Vân Anh, Hồ Tấn Diệm, Bùi Khiết Anh, Nguyễn Lan Anh, Noah Nguyễn, dongdo9x@gmail.com, hoangthinguyentieu@yahoo.com... Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận