Nước mắt ngày đoàn tụ
Trường hợp thứ nhất là bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, hiện sống ở Bình Phước. Năm 1972, trong một lần giận cha, bà bỏ nhà đi. Đến năm 1975, bà quay lại Tây Ninh tìm người thân nhưng lúc này gia đình đã dọn đi nơi khác.
Bà dùng số tiền dành dụm từ làm thuê, đi tìm gia đình trong 2 tuần nhưng không gặp.
Sau đó, bà Thủy trở lại TP.HCM làm thuê, cuộc sống khó khăn nên không có khả năng tìm kiếm. Năm 2009, bà gửi thư về Như chưa hề có cuộc chia ly để nhờ tìm gia đình.
Người bà mong muốn tìm là người mẹ kế Lương Thị Thời và các em. Ngày xưa, bà được bà Thời che chở, bảo bọc.
Chương trình đã mất 12 năm tìm kiếm. Ngày đoàn tụ với người mẹ kế và các em khiến bà không cầm được nước mắt. Bà chưa từng nghĩ sau gần 50 năm thất lạc có thể gặp lại người thân.
Bà Nguyễn Thị Thủy Vân, 1 trong 4 người em thất lạc của bà Thủy, liên tục xin lỗi vì ngày xưa ức hiếp chị mình do được cưng chiều. Tình cảm mẹ con, chị em ngày trùng phùng khiến người chứng kiến cũng phải sụt sùi theo.
Bà Nguyễn Thị Thủy Vân (bìa phải) nghẹn ngào xin lỗi chị vì những lỗi lầm ngày xưa - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Trường hợp thứ hai của chị Nguyễn Thị Cúc Hoa, đang sinh sống tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Năm lên 9 tuổi, chị theo mẹ và anh trai đến ở nhờ nhà dì ruột tại Tam Kỳ (Quảng Nam) do hoàn cảnh khó khăn, cha mất khi chị còn trong bụng mẹ.
Khoảng năm 1972, một người quen của dì đưa chị lên Đà Lạt trông em. Nhưng chị bệnh nặng tưởng chết nên bị bỏ lại bệnh viện ở Đà Lạt và người này nói với gia đình là chị đã chết.
May mắn, chị Hoa được y tá trưởng cưu mang. Lớn lên, chị về lại Tam Kỳ tìm kiếm người thân nhưng bất thành. Sau 10 năm tìm kiếm, Như chưa hề có cuộc chia ly đã tìm được mẹ ruột và anh trai của chị.
Không có niềm hạnh phúc nào bằng khi hơi ấm tình thân tìm thấy nhau. Giờ đây, chị Hoa có thể ngủ yên giấc, không còn những giấc mơ chập chờn bởi sự đứt đoạn tình thâm.
Chị Nguyễn Thị Cúc Hoa (hàng trước, thứ hai từ trái qua) trong vòng tay yêu thương của người thân - Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ổ bánh mì làm nên kỳ diệu
Tính đến tối 3-5, tức sau một tháng phát động chiến dịch "1 ổ bánh mì mỗi tháng để nối thân thương", Như chưa hề có cuộc chia ly đã có hơn 3.700 nhà hảo tâm tham gia gói 12 tháng ủng hộ chương trình, tức đã đạt 1/8 con số tham gia mong muốn là 30.000 người.
Nhà báo Thu Uyên cho biết, phát động chiến dịch "1 ổ bánh mì mỗi tháng để nối thân thương" để đạt được sự cân đối và ổn định về tài chính, bởi hoạt động này cần sự ổn định, để có thể tiếp tục có kinh phí xác minh, tìm kiếm.
"Chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn. Nhưng chúng tôi nhận thấy trong thời buổi này, thu nhập nhiều người xung quanh giảm do ảnh hưởng của COVID-19 nên đạt được con số này là niềm vui của ê kíp.
Tôi mong muốn con số đóng góp này dần dần tăng, để đến lúc nào đó, con số này đạt được như mong muốn, để chương trình có nguồn quỹ hoạt động ổn định.
Như chưa hề có cuộc chia ly đã có 14 năm nhưng cần kéo dài hơn. Nếu như không có sự ổn định thì rất khó để tiến hành lâu dài và vững bền", nhà báo Thu Uyên cho biết thêm.
Thời gian qua, chiến dịch "1 ổ bánh mì mỗi tháng để nối thân thương" được lan tỏa trong cộng đồng nhờ sự chung tay của NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Việt Hương và nhiều cá nhân, tổ chức khác.
Nhà báo Thu Uyên xúc động khi có nhiều sáng kiến như giải chạy bộ trực tuyến, tổ chức buffet và nhiều hoạt động gây quỹ, ủng hộ cho chiến dịch… Những sự đóng góp rất lớn này càng tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho ê kíp Như chưa hề có cuộc chia ly.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận