14/07/2023 13:39 GMT+7

'Nhốt' người trong nhà ống

Vụ cháy tại Hà Nội mới đây khiến 3 thanh thiếu niên trong một gia đình tử vong vì những nguyên nhân tương tự một số vụ trước.

Chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM có một số căn cơi nới và lắp rào sắt chống trộm vô tình bít đường thoát (nếu có sự cố) - Ảnh: T.T.D.

Chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM có một số căn cơi nới và lắp rào sắt chống trộm vô tình bít đường thoát (nếu có sự cố) - Ảnh: T.T.D.

Nhà ống duy nhất cửa ra vào phía trước (đối với nhà riêng lẻ), có cửa cuốn. Căn hộ có ban công nhưng đã bị rào bằng những song sắt kiểu "chuồng cọp" đã vô tình chặn lối thoát nạn của người nhà khi xảy ra hỏa hoạn.

Với hộ kinh doanh mặt tiền đường do mặt bằng có hạn, phải tận dụng tối đa diện tích chứa hàng hóa. Trong đó không thiếu những chất liệu dễ bắt lửa và cháy lan rất nhanh. Chỉ cần sự cố chập điện cũng có thể làm đám cháy bùng lên trong chốc lát.

Những khu nhà trọ gồm hàng chục phòng nhưng cửa ra vào chỉ có một. Ban đêm xe gắn máy dựng ngổn ngang kín lối đi. Cũng do phải ngăn trộm đột nhập nên chủ nhà trang bị khóa cổng kiên cố, "độc quyền" giữ chìa khóa. Trường hợp xảy ra cháy ban đêm, mở được cánh cửa cũng mất nhiều thời gian.

Một trong những nguyên tắc cơ bản mỗi khi xảy ra cháy nổ là phải ngắt điện. Do vậy, cửa cuốn lúc ấy lại trở thành chướng ngại vật khó vượt qua. Tự mở bằng tay chưa bao giờ đơn giản với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em. Hàng xóm hỗ trợ phá cửa từ bên ngoài cũng không phải chuyện dễ dàng.

Quy định cấp giấy phép xây dựng hiện nay đã chú trọng đặc biệt cho khâu thoát hiểm khi xảy ra cháy. Theo đó chủ đầu tư phải dành một diện tích không gian nhất định sau nhà làm lối thoát. Điều này giúp những công trình xây dựng được khánh thành những năm gần đây thêm an toàn.

Nỗi lo nằm ở những ngôi nhà theo thiết kế cũ và các kiểu sửa sang theo hướng phòng trộm quên phòng bà hỏa. Các căn hộ chung cư vẫn có thể làm khung sắt bảo vệ trẻ em nhưng nhất định phải có cánh cửa đóng mở được. Bởi lẽ chủ hộ dù có sẵn thang dây, song chỉ phát huy tác dụng khi người đủ khả năng sử dụng cũng đang ở nhà.

Trong câu chuyện vừa rồi cũng ở Hà Nội, hàng xóm phá "chuồng cọp" cứu cả gia đình khỏi đám cháy cho thấy hiệu quả của mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và cũng có phần may mắn do xảy ra ban ngày.

Nhà ống nên hạn chế dùng cửa cuốn. Luôn dự phòng búa thoát hiểm, sử dụng khi cần thiết. Khu lưu trú đông người cố gắng mở thêm cửa phụ. Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ tối thiểu nhất, như bình chữa cháy, cát dập lửa, búa tạ và hướng dẫn cho mọi người cách sử dụng.

Phổ biến kỹ năng cơ bản thoát hiểm thoát nạn cho trẻ em là việc không thể thiếu. Vụ việc đau lòng vừa qua, lực lượng chữa cháy phát hiện thi thể hai trẻ trong nhà vệ sinh để nấp. Không vào thang máy, nhà tắm là những điều tối thiểu nhất mỗi khi có cháy.

Nguyên lý cơ bản nhất tăng khả năng sống sót khi có cháy nổ chính là không bị "nhốt" với bất cứ nguyên nhân nào. Tuyệt đối tránh tình trạng có người đi ra ngoài sáng sớm khóa trái cửa, khiến người còn lại trong nhà "mắc kẹt", không thể tự mở khi cần.

Hút thuốc, đốt nhang thờ cúng tuân thủ an toàn, hàng hóa sắp xếp gọn gàng, khoa học sẽ hạn chế tối đa hỏa hoạn và thiệt hại nhân mạng lẫn tài sản.

Mở lối thoát hiểm cho nhà ống, bao giờ?Mở lối thoát hiểm cho nhà ống, bao giờ?

Các cơ quan chức năng đang tìm nhiều cách để mở lối thoát hiểm cho nhà ống nhằm giảm bớt thiệt hại khi có xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên