11/10/2016 09:52 GMT+7

“Nhốt” chung cư trong ngõ hẹp

D.NGỌC HÀ - TIẾN LONG - 
LÂM HOÀI
D.NGỌC HÀ - TIẾN LONG - 
LÂM HOÀI

TTO - Ở TP.HCM và Hà Nội, có nhiều chung cư nằm trong những con đường nhỏ hoặc trong đường hẻm, khiến việc đi lại của người dân rất bất tiện!

Hẻm 280 Bùi Hữu Nghĩa vào chung cư  Mỹ Phước (Bình Thạnh, TP.HCM) thường kẹt xe ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hai bên hẻm và trong chung cư - Ảnh: Q.Đ.

“Sao người ta không làm chung cư ở đường lớn mà đưa vô hốc kẹt chi cho chật chội vậy không biết…

Bà Lương Thúy Mẫn (P.2, Q.Bình Thạnh)

Từ đường Bùi Hữu Nghĩa vô hẻm số 280 rộng chừng 7m, quẹo trái qua một khúc cua là đến cổng chung cư Mỹ Phước (P.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)!

Chung cư này là ba tòa nhà 18 tầng, có khoảng 540 căn hộ và là nơi ở của hơn 2.000 người.

Đường nhỏ, 2 ôtô đi không lọt 

Theo ban quản lý chung cư Mỹ Phước, toàn chung cư có 170 ôtô, 1.000 xe máy. Ngoài ra, tại tầng trệt hai lô A và B có quán cà phê, siêu thị mini và quán ăn nên hằng ngày còn có một lượng xe khá lớn ra vào.

Bà Nguyễn Thị Chuột - chủ căn hộ C045 - cho biết do hẻm nhỏ, người đông, xe cộ nhiều nên thường xuyên bị kẹt xe. Đã vậy, các nhà hai bên mặt tiền hay lấn đường làm chỗ buôn bán nên có khi hai ôtô bốn chỗ đi ngược chiều không có chỗ tránh nhau.

“Khi nhận nhà, tôi có thắc mắc với chủ đầu tư về đường vô nhỏ. Chủ đầu tư cho biết có dự án mở đường lớn chạy ngang qua chung cư, đường ra hẻm 280 chỉ là lối đi tạm. Thế nhưng tôi ở đây 10 năm rồi, nhà đã cũ mà chưa thấy mở đường. Nhiều người muốn mua ôtô nhưng ngại đường hẹp nên thôi”.

Còn bà Lương Thúy Mẫn, một người dân sống trong hẻm 280, cho biết xe trong chung cư quá nhiều, ra vô liên tục khiến mọi sinh hoạt trong hẻm đảo lộn cả lên. Con nít không được chạy ra hẻm chơi, người lớn đi ra cũng phải canh chừng xe cộ.

“Sao người ta không làm chung cư ở đường lớn mà đưa vô hốc kẹt chi cho chật chội vậy không biết...”, bà Mẫn thắc mắc.

Mỗi lần Phòng cảnh sát PCCC diễn tập phòng cháy chữa cháy tại chung cư thì chỉ có xe chữa cháy bình thường vô được, còn các loại xe thang không vô đến chung cư do không qua được khúc cua quá gắt và lòng đường hẹp.

“Anh em ruột” với chung cư Mỹ Phước là chung cư Mỹ Đức trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh cùng do Công ty cổ phần Xây dựng số 5 làm chủ đầu tư. Địa chỉ chung cư được ghi chung chung là hẻm 220 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tuy không vướng khúc cua như chung cư Mỹ Phước nhưng đường vào chung cư Mỹ Đức cũng là một con hẻm dài chừng 200m, có chỗ rộng 10m nhưng cũng có chỗ chỉ khoảng 5m.

Chung cư có 4 tòa nhà cao 20 tầng với 740 căn hộ, có khoảng 150 xe hơi, khoảng 1.500 xe máy với khoảng 2.800 cư dân.

Đại diện ban quản lý cho biết con hẻm từ chung cư ra đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thường kẹt vào giờ cao điểm, việc đi lại rất khổ sở.

Chung cư Mỹ Phước nằm trong hẻm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Luồn lách hẻm sâu vào chung cư

Tại Hà Nội, nhiều ngõ ngách chật hẹp nhưng vẫn có nhiều chung cư mọc lên, người dân gọi đó là những chung cư “vô duyên”.

Chung cư HCMCC, số 25A hẻm 379 Đội Cấn (Q.Ba Đình) cao 18 tầng, với cả trăm hộ dân sinh sống nhưng để đi vào chung cư này phải qua con hẻm hẹp dài gần 400m với 5 khúc cua.

Dọc hẻm, hàng trăm căn nhà nằm san sát nhau, ngột ngạt với xe cộ, hàng quán bày la liệt. Mỗi khi chợ tự phát ở đầu hẻm họp chợ, lối vào duy nhất của chung cư bị bịt kín.

Ông Tính, một người dân sống trong hẻm 379 Đội Cấn, cho biết con hẻm này nhỏ, hai xe máy đi vào còn phải tránh nhau nên giờ có thêm chung cư mọc lên việc đi lại rất khó khăn.

Cũng như bà Mẫn ở TP.HCM, ông thắc mắc: “Tôi không hiểu sao người ta lại cho phép xây dựng khu chung cư to trong con ngách nhỏ như thế này. Nhỡ có hỏa hoạn thì xe cứu hỏa chẳng biết sẽ vào bằng cách nào...”.

Một dự án khác là khu chung cư Nàng Hương tại hẻm 583 Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Tòa nhà này cũng nằm sâu vào con hẻm. Bao quanh chung cư là khu dân cư đông đúc, hàng quán nối san sát. Chung cư gồm hai tòa tháp 18 tầng và 22 tầng.

Bà Thúy, một người dân trong hẻm 583, bức xúc: Cả chung cư Nàng Hương có hàng nghìn người dân sống. Giờ cao điểm lưu lượng người, xe cộ dồn ứ thường xuyên gây tắc nghẽn.

“Từ hồi có khu chung cư, chúng tôi mệt mỏi lắm vì mỗi sáng sớm hay giờ tan tầm cả trăm người chen chúc nhau đổ xô ra vào ngõ ồn ào, ngột ngạt”, bà Thúy thở dài.

Còn dự án cao ốc H. Tower (Q.Cầu Giấy) đang xây dựng, được chủ đầu tư quảng cáo nằm ngay mặt đường Đê La Thành.

Tuy nhiên để vào được khu chung cư này khá khó khăn: chỉ có cách men theo con hẻm trong đường Voi Phục, hoặc lựa theo lối vào bên cạnh tòa nhà văn phòng cũ Icon4 Tower.

Anh Hùng, một người tìm hiểu mua căn hộ ở đây, cho hay dự án quảng cáo vị trí đắc địa, trung tâm của các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt trên cao, kết nối các khu đô thị, trung tâm thương mại lớn... nhưng khi thực địa dự án thì không ít người ngao ngán.

Tại quận Hoàng Mai, chung cư Sky Garden Towers cũng nằm sâu trong con hẻm nhỏ 115 phố Định Công. Hiện chung cư này xây đến tầng 8 và đang dừng thi công.

Định Công vốn là con phố nhỏ nối với đường Giải Phóng - khu vực gần hai bến xe phía nam thành phố là Giáp Bát và Nước Ngầm, có đường tàu hỏa đi qua nên thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Nhiều người dân nói dự án có 360 hộ dân, với hàng nghìn nhân khẩu này hoàn thành sẽ gây áp lực khủng khiếp lên hạ tầng giao thông khu vực.

*** Error ***
Vào giờ cao điểm, tại chung cư Mỹ Đức (hẻm 220 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xe ra vào thường xuyên khiến hàng trăm phương tiện ùn ứ tại giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và hẻm 220 - Ảnh: HỮU KHOA

Bó tay vì... chuyện đã rồi

Một cán bộ cấp phép xây dựng ở TP.HCM cho biết những chung cư trong hẻm là hệ quả của quá trình chỉnh trang theo kiểu “khoét lõm” các khu dân cư hiện hữu trong nội thành.

Khi chỉnh trang, các chủ đầu tư dự án chỉ chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng từ chung cư ra đến hàng rào (rìa dự án). Những hạng mục điện, đường, trường, trạm từ hàng rào chung cư ra phía ngoài thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng.

“Nhiều dự án đã được các cơ quan chức năng giao đất, các sở ngành khác đã thông qua, trên bản đồ quy hoạch thì có đường rộng chạy qua, đủ điều kiện về giao thông, phòng cháy chữa cháy.

Nhưng cơ quan cấp phép rất khó xử khi thực tế khu đất chỉ có đường vô duy nhất là một con hẻm đất hẹp và dài ngoằn ngoèo”, vị cán bộ này chia sẻ.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các chỉ tiêu quy hoạch như hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, thiết kế kiến trúc và các chỉ tiêu về cây xanh, đất ở, đất giao thông, đường giao thông... của một dự án đều phải thông qua Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP và các cơ quan quản lý lĩnh vực.

Tuy nhiên, thường các đơn vị này xem xét và thông qua dựa trên bản đồ quy hoạch nên nhiều hạng mục hạ tầng có trên bản đồ nhưng chưa có trong thực tế.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch sau khi duyệt dự án (vì nhiều lý do) cũng khiến những chung cư rơi vào cảnh bị “nhốt” trong những hẻm nhỏ, dài ngoằng.

Khi nói về hướng xử lý đối với tình trạng chung cư ồ ạt mọc trong ngõ, hẻm, một cán bộ thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng rất khó.

“Họ có sai phạm trong xây dựng so với giấy phép hay quá trình cấp phép xây dựng sai thì mới xử lý được. Còn đây các chủ đầu tư đều hoàn thiện các quy trình về đầu tư xây dựng nên có chăng thì chỉ do bất cập về vấn đề quy hoạch thôi”.

Khó quy trách nhiệm

Ông Bùi Trung Dung, cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng có tình trạng “nhốt chung cư trong ngõ hẹp” là lỗi ở quá trình thực hiện quy hoạch.

Theo đó, chủ đầu tư lập dự án và các cơ quan chức năng lập duyệt dự án trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. Do đó, khi các dự án hoàn thiện nhưng cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng như quy hoạch gây quá tải hạ tầng, giao thông...

Điều này, theo ông, rất khó truy trách nhiệm cho một cá nhân hay tập thể nào vì đã trải qua nhiều cấp, nhiều bước.

D.NGỌC HÀ - TIẾN LONG - 
LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên