Cách nay hơn 20 năm, trong một lần đến Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) chứng kiến cảnh đời những học sinh ở đây vô cùng đặc biệt và giàu nghị lực, nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh đã quyết định xin dạy học tại trường. Từ đó, nhiều thế hệ đã được bà nhận về rèn giũa. Và dù không thấy mặt, họ vẫn xem nữ nghệ sĩ như người mẹ thứ hai của mình.
Dạy học trò bất hạnh từ tình yêu người mẹ
Những người hay đi ngang căn nhà của nghệ sĩ đàn bầu Lê Thị Vân Anh trên đường Đề Thám (quận 1, TP.HCM) vào khoảng 4h-5h chiều đều quen thuộc với những giai điệu âm nhạc phát ra từ ngôi nhà này. Và nếu bước vào, người ta sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến khung cảnh những người chơi nhạc không thể nhìn thấy ánh sáng.
Trong ký ức người nghệ sĩ 57 tuổi, bà Vân Anh chưa bao giờ quên những ngày trẻ tập nhạc trong khó nghèo. Năm lên 8, bà được ba mẹ cho đi học đàn để thỏa đam mê nhưng cây đàn đầu tiên của bà chỉ là đàn được tạo nên từ... phấn vẽ trên bàn.
Quá khứ cơ cực nên dù chưa qua bất kỳ trường lớp sư phạm nào, nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh vẫn tâm huyết truyền thụ khả năng chơi nhạc cụ cho những hoàn cảnh còn đặc biệt thiệt thòi, khó khăn hơn mình năm xưa.
Hiện nhóm học trò của nghệ sĩ Vân Anh có khoảng 10 người thường xuyên lui tới để bà dạy trực tiếp và đến nay bà đã dạy cho hơn 30 người khiếm thị có thể chơi nhạc cụ dân tộc một cách nhuần nhuyễn.
Mỗi tuần bà Vân Anh dạy các em khoảng 1-2 buổi. Tất cả nhạc cụ, đạo cụ, trang phục... bà đều cung cấp, mà điều đặc biệt nhất là không thu bất kỳ khoản phí nào. Nhìn cách bà giúp di chuyển ngón tay của người học trò mù đến từng phím đàn hay sẵn sàng gõ đi gõ lại bộ phách nhiều lần để các học trò quen nhịp mới thấu tấm lòng nữ nghệ sĩ. Vì học trò không thể nhìn nên có những đoạn nhạc bà cứ kiên trì lặp đi lặp lại rất nhiều lần để các em có thể cảm nhận.
"Thú thật khi dạy các em khiếm thị, tôi chẳng hề có một giáo án nào cụ thể. Dạy cho các em khó hơn người lành lặn rất nhiều. Chưa kể mỗi em chơi một loại nhạc cụ riêng khiến tôi phải dành thời gian cho từng người một", nghệ sĩ Vân Anh chia sẻ.
Khi hỏi đâu là bài tủ của cả nhóm, nghệ sĩ Vân Anh lập tức hát bắt nhịp một đoạn ngắn, rồi cả dàn nhạc như đã được lập trình từ trước, cất lên những giai điệu theo. Bản Hồn quê dần bước ra khỏi trí tưởng tượng của những phận đời kém may mắn. Chưa từng thấy nhạc cụ, cũng như chưa từng nhìn được lời bài hát hay hợp âm nhưng các thành viên say sưa cùng nhau chơi nhạc khiến ai cũng nao lòng.
Mỗi khi thấy có người vào nhà, nghệ sĩ Vân Anh vội ra dấu im lặng. Chỉ đến khi học trò của bà chơi xong bài nhạc, bà mới tâm sự nhỏ: "Mấy đứa đang tập bài mới, không thể nhìn thấy nốt nhạc và âm tiết như người lành lặn, vì vậy bị làm phiền giữa chừng là tụi nhỏ phải chơi lại từ đầu".
Võ Thị Thùy Dương, cô gái 16 tuổi đảm nhận vai trò gõ thanh phách, cho biết mỗi khi nhóm luyện tập bài mới là gần như mẹ (bà Vân Anh) phải dạy lại từ đầu vì khả năng cảm nhạc của mỗi thành viên khác nhau.
"Cách dạy của mẹ rất đặc biệt, mẹ cho cả nhóm cùng chơi với nhau theo ý thích, bất kỳ bài nào cũng được. Cho đến khi nhịp đều rồi mới bắt đầu điều chỉnh về kỹ thuật cho từng người. Có lúc mẹ phải tập cho cả nhóm tới 8 tiếng một bài", Thùy Dương bộc bạch.
Đáng ngạc nhiên rằng dù không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng bù lại khả năng cảm nhạc của các học trò nhạy bén lạ thường. Khó nhất là việc dạy từng phần nhạc cụ của mỗi người, còn sau khi đã nhuần nhuyễn, cả nhóm ráp lại cực kỳ ăn ý.
Muốn các em có "cần câu cơm"
Điều mà nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh luôn đau đáu suốt những năm qua là làm sao học trò của bà kiếm được tiền từ việc chơi nhạc cụ dân tộc để nuôi sống bản thân. Đa số học trò của bà đều từ các mái ấm tình thương, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cũng một số ít người có điều kiện tìm đến bà để học vì niềm vui. Nhưng dù trường hợp nào đi nữa thì bà vẫn dạy bằng cái tâm của mình, không thu bất kỳ một khoản phí nào.
Để tạo cơ hội cho học trò, đi đến đâu bà cũng giới thiệu nhóm nhạc khiếm thị mà mình đang dạy. "10 chương trình thì đã hết tám chương trình từ chối, hai cái còn lại cũng chỉ đồng ý trả cát sê bèo bọt", bà thở dài.
Thậm chí có khi nhóm học trò diễn xong, số tiền mà chương trình trả chỉ tính bằng một người. Những lúc như vậy, bà lại lén bỏ tiền túi cho thêm để học trò mình mừng. Được đồng ý diễn là một chuyện, khâu chuẩn bị còn là một vấn đề lớn hơn. Thông thường mỗi buổi diễn, bà Vân Anh thường nhờ hai người con trai lớn là Hoàng Minh và Hoàng Nam hỗ trợ. Những ngày không có hai anh trai sáng mắt này thì các học trò của bà rất khó để lên được sân khấu.
Là giọng chính, mỗi khi lên sân khấu, Hà Văn Đông luôn được cả nhóm ưu tiên đi giữa để tránh bị té. "Lên sân khấu tụi em vấp té hoài hà, cả nhóm phải nối tay nhau để mẹ dẫn đi một lượt, người cầm đàn, người cầm trống lỉnh kỉnh. Mấy anh chị với mẹ sợ em té, mắc cỡ không hát được nên ưu tiên cho em nhiều lắm. Trước đây lên sân khấu té, nghe mọi người bên dưới cười khiến em và cả nhóm ngại không diễn được, nhưng giờ cũng quen rồi", Đông kể.
Khi hỏi Phạm Xuân Hai, người lớn tuổi nhất trong nhóm, về nghệ sĩ Vân Anh, cậu cho biết: "Mẹ luôn lo lắng và chỉ dạy cho chúng mình rất nhiều điều, từ tập luyện đến việc được đi diễn, mẹ tạo mọi điều kiện để chúng mình thỏa sức đam mê. Cũng không ít lần mẹ phải chịu những gièm pha cho rằng mẹ lợi dụng các bạn khuyết tật để trục lợi, nên chúng mình càng thương và tự hào về mẹ".
Hai chữ "tự hào" nghe rất đỗi bình thường, nhưng khi đứng trước những con người chỉ biết một màu đen mịt mù sẽ thấy được gương mặt của họ toát lên điều đó. Nghệ sĩ Vân Anh nghe người học trò của mình tâm sự như vậy, khóe mắt bà rưng rưng ngấn nước.
Đôi lúc việc dạy những học trò khiếm thị khiến bà Vân Anh gặp nhiều áp lực, bà lỡ miệng nói những điều không nên nói với các em. "Có lần bực mình quá tôi hỏi mấy đứa là diễn như vậy các con nhìn xem có ai thích thú không? Nói xong, tôi như chết lặng vì biết mình đã vừa thốt ra những lời khiến những đứa trẻ bất hạnh này phải đau lòng... Thế rồi tôi phải nhẹ nhàng giải thích", bà nghẹn ngào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận