31/08/2020 13:03 GMT+7

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 1: Treo mình trên vách đá

TÂM LÊ - VŨ TUẤN
TÂM LÊ - VŨ TUẤN

TTO - Những câu chuyện chưa kể về đời phu đá đang lặng thầm nhọc nhằn kiếm miếng ăn nơi núi cao, rừng thẳm. Không ít tai nạn đã xảy ra lặng lẽ không được ai biết tới.

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 1: Treo mình trên vách đá - Ảnh 1.

Bên bếp lửa nhà phu đá xấu số Hạng A Sở - Ảnh: VŨ TUẤN

Đường làm lên núi chỉ là một hình thức, còn chúng tôi không đi được trên đường đó, mà sử dụng dây chão để đu người vẫn là chính, rất nguy hiểm nhưng buộc phải làm.

Một công nhân khoan đá lâu năm ở Hòa Bình

Nhiều phu đá khó làm việc được đến ngày về hưu vì không bị tai nạn hiểm nguy, họ cũng có thể đổ bệnh sớm trong môi trường lao động quá vất vả, độc hại...

Đi dọc vùng núi đá các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, có nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang, nhưng cũng có những ngôi nhà cũ kỹ chưa kịp xây hoặc vĩnh viễn không được xây mới bởi chủ nhân của nó là phu đá đã bị tai nạn trong lúc làm việc.

Tiếng sét trên núi

Cú sét oan nghiệt đánh trúng ngọn núi, ba phu đá đang rải dây thì mìn bất ngờ nổ. Có người bị văng xa vài chục mét, người bị đá đè, mấy hôm sau bạn bè mới tìm thấy. Phận đời phu đá bạc bẽo và mỏng manh. Nhiều người mất ngón tay, mất chân vì đá, nhưng cũng nhiều người không may mắn như vậy. Tai nạn ở mỏ đá xảy ra như cơm bữa.

Nhà của phu đá xấu số Hạng A Sở nằm ở bản Pù Lồng, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Mới hơn 8 giờ tối, cả bản chỉ có hai nhà leo lét ánh đèn sáng. Một nhà là trưởng bản Hạng A Dinh, ông vừa đi ăn cỗ ở bản bên về. Nhà còn lại là của Hạng A Sở.

Bản Pù Lồng chưa có điện, người Mông trong bản đi ngủ sớm, Cứ Thị Tùng được dân bản dưới cho kéo nhờ đường điện lên để thắp sáng, đốt lửa ban đêm xua đi hơi lạnh. Chồng chị Tùng là Hạng A Sở mới mất vì tai nạn ở mỏ đá đầu tháng 6 vừa rồi.

"Anh ấy mới đi làm được 10 hôm thì bị tai nạn. Anh bảo đi làm để lấy tiền dựng lại cái nhà. Tôi không cho đi nhưng anh bảo cố hết một tháng. Ai ngờ...", chị Tùng kê khúc gỗ cho chúng tôi ngồi quanh bếp lửa, để tâm sự nỗi đau còn chưa nguôi.

Vào cái hôm định mệnh ấy, sau vài hạt mưa, một cú sét nổ vang trời đánh trúng vào mỏm núi. Ba công nhân đang rải dây thì mìn bất ngờ phát nổ. Người bị hất ra xa, người bị đá vùi, gần một tuần sau thi thể họ mới được tìm thấy.

Cứ Thị Tùng nhận ra chồng mình nhờ đôi bàn tay của anh. Phần thân trên không còn nguyên vẹn dưới sức mìn và cạnh sắc đá núi, chính bàn tay thô ấm ấy đã khiến chị về làm vợ cậu học sinh lớp dưới.

A Sở với Tùng đã có hai đứa con, đứa lớn mới 10 tuổi, đứa bé 7 tuổi. A Sở phải làm việc miệt mài mất 5 năm để kiếm đủ gỗ chuẩn bị dựng nhà mới cho Tùng và hai đứa con ở. Nhưng ước mơ có một căn nhà khang trang cho vợ con của A Sở mãi mãi dang dở.

Trưởng bản Hạng A Dinh bảo với chúng tôi: "Dân bản sợ đi làm đá lắm. Nhiều người đến đây tìm người đi làm rồi, họ bảo trả mười mấy triệu một tháng. Nhiều tiền lắm! Năm ngoái cũng có người đi, cũng làm đá ở xã Na Ư, huyện Điện Biên, rồi bị đá đè chết".

Sau hơn 3 tuần kể từ khi xảy ra tai nạn, mỏ đá Hoàng Anh ở xã Na Ư chưa hoạt động lại. Quanh đó, ba mỏ đá khác vẫn rầm rập khai thác. Tiếng máy nghiền đá, tiếng máy xúc, tiếng đá xô vào sắt thép nghe chát chúa đến rợn người. Vài công nhân đu mình lơ lửng trên sợi dây nhỏ để khoan vào vách đá.

Nhọc nhằn kiếm miếng cơm manh áo, chẳng ai để ý (hay không muốn để ý) đến mỏ đá bên cạnh mới vài tuần trước có ba người bạn đồng nghiệp chết thảm.

Hai tuần sau vụ tai nạn mỏ đá ở Điện Biên, chúng tôi lại nhận tin thêm hai phu đá khác tử nạn. Một ở mỏ đá của Công ty CP Vật liệu 99 tạixã Trù Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), và một ở mỏ đá Minh Tiến tại xã Minh Tiến (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Cả hai phu đá đều bị rơi xuống vách núi.

Nhọc nhằn đời phu đá - Kỳ 1: Treo mình trên vách đá - Ảnh 3.

Mỏ đá Hoàng Anh ở huyện Điện Biên, nơi phu đá Hạng A Sở gặp nạn cùng hai phu đá khác - Ảnh: TÂM LÊ

Đu dây khoan núi

Vài ngày sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng đã nhận hồ sơ, giấy tờ hợp lệ của doanh nghiệp cung cấp. Hầu hết hồ sơ đúng quy định từ giấy phép khai thác, thiết kế cơ sở, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chứng chỉ tập huấn công nhân...

Thế nhưng thực tế tại mỏ, vách đá không được cắt tầng và làm đường lên mỏ đầy đủ, đảm bảo an toàn, mà dựng đứng nguy hiểm, thậm chí khoét sâu vào như hàm ếch.

Dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có hàng chục mỏ đá đang khai thác. Lớp đất đá được bóc tách vàng rộm một góc trời. Những chiếc xe "hổ vồ" chạy rầm rập từ mỏ đá đến công trường.

Chúng tôi ghé vào những mỏ đá để xảy ra tai nạn cách đây chưa lâu trên địa bàn xã Cao Dương, và tất cả vẫn đang rầm rập khai thác. Từng tốp công nhân nhễ nhại mồ hôi, đu dây, ấn chiếc máy khoan giật đùng đùng vào vách núi. Bụi đá phun ra trắng xóa.

Thi thoảng họ bám vào dây để di chuyển, có lúc họ buông cả hai tay để khuân vác dụng cụ làm việc. Người trong cuộc không hiểu như thế nào, nhưng kẻ bên ngoài như chúng tôi đều rờn rợn với những hình ảnh mạo hiểm này.

Cách đó không xa, một chiếc máy xúc đang gật gù cào đá bên mép vực. Quanh đó, một mạng lưới dây chão, máy tời, thùng phuy vắt ngang dọc vách đá. Ở khu núi đá Kiện Khê, Thanh Liêm (Hà Nam), Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa), ngoài dây chão người ta còn hàn thêm cầu thang sắt trên vách đá cho thợ khoan, thợ đánh mìn làm việc.

Các mỏ ở Thanh Hóa không "đánh hàm ếch" như nhiều mỏ khác mà "đánh cống", tức khoan một hố sâu như cái cống vào trong vách đá cả chục mét, thợ nổ mìn sẽ chui vào nhồi thuốc nổ.

Nguyên nhân của những vụ tai nạn thương tâm ở mỏ đá, theo anh Nguyễn Ngọc Dương - thợ chỉ huy khai thác đá lâu năm ở xã Cao Dương (Hòa Bình), cho biết: "Thường là đá lở. Đá bị khoét mất chân, hoặc đá lở do vụ nổ mìn trước đó không được dọn sạch nên chực lở bất cứ khi nào.

Trời mưa, nước chảy vào các khe đá nứt mới cũng có thể dẫn đến đá trượt cả tảng xuống. Nếu mỏ đá không cắt tầng hoặc cắt tầng không đủ bảo đảm, công nhân có thể bị trượt ngã khi leo núi, khi khoan ở vách đá chênh vênh không có điểm tựa. Hoặc đang xúc đá dưới chân núi cũng có khi đá đổ ụp xuống mà chết".

Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, chỉ từ năm 2017 đến nay đã có ít nhất 17 vụ tai nạn chết người chỉ riêng ở các mỏ đá tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Hầu hết phu đá đều chết trẻ, để lại vợ con trong hoàn cảnh rất khó khăn...

Ngày 17-6-2020, tại mỏ đá của Công ty CP Vật liệu 99 (xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) xảy ra vụ tai nạn lao động khiến phu đá trẻ Trần Văn Thành (19 tuổi, trú tại xã Trù Sơn) tử vong.

Đến ngày 24-6-2020 lại xảy ra vụ tai nạn tại mỏ đá Minh Tiến (Công ty CP ĐTXD và TM An Sơn ở thôn Đồng Tâm, xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Thủy, 37 tuổi, quê ở thôn Tân Hội, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Cả hai là thợ khoan núi, đều ngã do đang khoan, xử lý đá ở độ cao cả 100m. Điều đáng nói là cả hai mỏ đá này từng để xảy ra nhiều vụ tai nạn.

Chỉ khi tận mắt nhìn thấy họ treo mình lơ lửng trên vách núi, mới thật sự hiểu công việc của phu đá vất vả và nguy hiểm thế nào...

Kỳ tới: Mồ hôi thấm vào đá

Nhọc nhằn làm ca đêm Nhọc nhằn làm ca đêm

TTO - Đêm đến. Khi mà phần lớn mọi người chìm trong giấc ngủ bình yên thì vẫn có những người quần quật làm việc.

TÂM LÊ - VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên