Một thời bao cấp khan hiếm hàng hóa - Ảnh: N.C.T.
Tìm cơ hội mở rộng thị trường
Thông qua sự giới thiệu của khách hàng Hong Kong, chúng tôi xuất khẩu được vài lô hàng gia công may mặc cho Công ty Desh Garment (Anh Quốc). Ban đầu, khách hàng cung cấp mẫu mã cùng toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu và cả bao bì cho chúng tôi. Khách hàng kiểm tra cơ sở sản xuất, kiểm tra tay nghề của công nhân và cử người kiểm tra sản phẩm tại nhà máy trước khi đóng gói xuất khẩu.
Chúng tôi làm việc với Tổng công ty May mặc Sài Gòn, do anh Nguyễn Văn Hon làm giám đốc. Anh đã chọn những xưởng có thiết bị tốt nhất với đội ngũ có tay nghề cao nhất để làm gia công cho Cholimex.
Lúc bấy giờ chúng tôi ngã giá với khách hàng tiền gia công một chiếu áo sơmi khoảng 0,55 USD. Chúng tôi tính lại cho Công ty May mặc Sài Gòn bằng tiền đồng trên cơ sở tỉ giá bình quân hàng xuất khẩu (thời giá của công ty) nhân với toàn bộ tiền gia công thương lượng được với khách hàng. Cholimex có thể trả bằng tiền đồng hoặc trả bằng nguyên vật liệu may mặc hay thiết bị. Khoản lời của Cholimex là nguồn ngoại tệ để nhập lại hàng bán ra thị trường trong nước.
Sau vài lô hàng xuất khẩu thuận lợi, chúng tôi đề nghị tổ chức một chuyến đi mở rộng thị trường do phía nước ngoài sắp xếp. Đoàn đi gồm anh Sáu Tường (phó chủ tịch TP.HCM lúc ấy làm trưởng đoàn), anh Hon (giám đốc Công ty May mặc Sài Gòn), anh Trần Bá Tước làm phiên dịch và tôi.
Đến Thái Lan tham quan, chúng tôi biết được trên thương trường có chuỗi giá trị của một ngành hàng mà mỗi công đoạn có loại doanh nghiệp đảm nhiệm. Tại mỗi công đoạn đều có đầu vào (mua, của người cung ứng) và đầu ra (bán, khách hàng tiêu thụ).
Muốn sản xuất ra hàng hóa, người ta luôn quan tâm đến người mua, sức mua - đó là trạng thái của thị trường, mà thị trường luôn thay đổi theo yêu cầu của người tiêu thụ.
Do đó, có những doanh nghiệp kinh doanh rất nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới với nhãn hiệu mang tên doanh nghiệp của họ nhưng họ không sở hữu một xí nghiệp sản xuất nào. Khi họ khám phá ra một loại hàng hóa có yêu cầu tiêu thụ, họ đi tìm xí nghiệp ở một địa phương hay ở một nước nào đó để sản xuất với chất lượng và mẫu mã theo yêu cầu. Thế là họ có thể kinh doanh hưởng lợi ngay.
Khi sản phẩm nào đó có thị trường ổn định thì họ mới tính tới chuyện xây dựng xí nghiệp tự sản xuất. Nhưng cách tốt nhất là họ mua lại một phần cổ phần của xí nghiệp để đảm bảo nguồn cung cấp và xí nghiệp đó cũng có điều kiện tăng vốn, mở thêm công suất hay trang bị máy móc mới. Cách làm này cả đôi bên đều có lợi.
Đến Pháp, đoàn chúng tôi được Hội Việt kiều tiếp đón nồng hậu. Chúng tôi được đi tham quan nhiều tỉnh thành (Paris, Lyon, Marseille...), quan sát thị trường hàng xuất khẩu của Việt Nam như sơn mài, hàng thủ công mây tre lá, hàng thêu, hàng nông sản thực phẩm... Qua giới thiệu của anh em Việt kiều trong ngành kinh doanh mới biết chi phí dịch vụ của thị trường nước ngoài vô cùng đắt. Trong đó, chi phí lớn nhất là tiền thuê mặt bằng, tiền thuê lao động bán hàng, tiền kho, tiền chuyên chở hàng, tiền thuế...
Tất cả chi phí trên (là định phí hằng tháng) phải được phân bổ vào giá của mỗi sản phẩm bán ra. Thông thường nó lớn hơn nhiều lần giá của sản phẩm mua tại Việt Nam. Nếu sản phẩm đó bán chậm thì giá vốn phải tăng lên. Do đó, chúng ta thường ngộ nhận rằng anh em Việt kiều ăn lời quá đáng. Về nước mua hàng với giá rẻ nhưng giá bán tại cửa hàng gấp ba, gấp năm lần mà vẫn không có lời, thậm chí bị lỗ.
Khi đến Thụy Sĩ, đoàn chúng tôi đi thăm Tổng công ty Nestle qua sự giới thiệu của ông Hugo - người có quan hệ mua bán nông sản với Cholimex trước đây. Đến đây, chúng tôi mới biết Nestle là một tập đoàn hết sức lớn của Thụy Sĩ, họ sản xuất hàng trăm mặt hàng thực phẩm chế biến.
Qua ông Hugo, chúng tôi mua nguyên liệu sữa để đưa về Khu công nghiệp Biên Hòa gia công, tạo thêm một mặt hàng sữa hộp cung cấp cho thị trường lúc bấy giờ.
Qua mối quan hệ này, chúng tôi có được công thức làm tương ớt của họ. Nhờ đó, mặt hàng tương ớt của Cholimex được sản xuất sau một năm và vẫn còn được thị trường ưa chuộng cho đến ngày nay.
Kinh nghiệm này đã tạo được tiền đề cho Xí nghiệp chế biến thực phẩm Cholimex sản xuất ra hàng loạt mặt hàng gia vị mới về sau.
Lao động Việt Nam đắt hay rẻ?
Khi đến thành phố Oslo (Na Uy), phía đối tác Deshgarment chuẩn bị một không gian cho chúng tôi trưng bày sản phẩm và tiếp các doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm hàng may mặc Việt Nam. Kết quả là, sau hai ngày làm việc, chúng tôi đã có hợp đồng với 15 khách hàng.
Đến thành phố Montreal (Canada), chúng tôi cũng chào hàng như ở Na Uy nhưng có ít khách hàng hơn. Tuy nhiên, chúng tôi được đi xem vài xí nghiệp may mặc và hiểu biết nhiều điều về ngành hàng may mặc tại đây.
Nếu so sánh với Việt Nam, tiền gia công ở Canada cao gấp từ năm đến bảy lần, nhưng năng suất lao động lại gấp mười lần. Như vậy, nếu tính thu nhập người lao động trên thời gian lao động thì giá lao động của Việt Nam rất thấp, nhưng nếu tính trên đơn vị sản phẩm được tạo ra thì giá lao động chúng ta rất cao!
Đứng ở góc độ kinh doanh của doanh nghiệp, người ta sẵn sàng trả công 1.000 USD/tháng nếu lao động đó có thể tạo ra hiệu quả cho doanh nghiệp gấp hai, ba lần số tiền đó.
Tiền lương luôn luôn gắn với năng suất lao động là thế. Ngoài ra, giá cả của một sản phẩm phụ thuộc vào yêu cầu thị hiếu của người dùng cuối cùng và thời điểm sử dụng. Thông thường, chúng ta tính giá một sản phẩm theo giá nguyên liệu đầu vào, công lao động, các chi phí... Nhưng nếu thị hiếu người dùng thích áo tay ngắn thì giá áo tay dài có thể rẻ hơn dù tốn nhiều vải và công may hơn. Nếu bán không đúng mùa hoặc lỗi mốt, áo đó có thể phải giảm giá khá nhiều.
Vì vậy mới có tình trạng bà con của ta mua đồ giảm giá ở nước ngoài về bán rẻ hơn rất nhiều so với đồ trong nước. Kinh tế thị trường là thế! Với tư duy bao cấp lúc bấy giờ thì thật sự khó hiểu!
Tình bạn
Không ai biết trước những việc sẽ xảy ra trong cuộc đời mình. Tương lai chúng ta là bất định. Điều lạ lùng là nếu mọi thứ xảy ra đều có vẻ ngẫu nhiên, nhưng một khi tương lai đã trở thành quá khứ, chúng ta lại thấy mọi việc dường như được xếp đặt theo logic nào đó. Hồi nhỏ, ta có những người bạn thân thiết đến mức ngỡ rằng không thể thiếu nhau trong suốt cuộc đời này, nhưng rồi sau đó không bao giờ gặp lại. Có những người lạ hoắc đột nhiên xuất hiện rồi hợp nhau, trở thành bạn tâm giao...
Ông Phan Chánh Dưỡng (bìa phải) và các bạn nhóm Thứ Sáu đến tiễn biệt ông Huỳnh Bửu Sơn vừa qua đời hôm 3-6 - Ảnh: PH.VŨ
Từ năm 1985, ban giám đốc Cholimex - nơi anh Phan Chánh Dưỡng làm phó giám đốc rồi giám đốc và anh Tước làm trưởng phòng kế hoạch - đã có chủ trương tập hợp anh em chuyên viên trí thức trên nhiều lĩnh vực nhằm nghiên cứu chiến lược phát triển nguồn hàng xuất khẩu của công ty...
Tôi biết anh Dưỡng không phải là dân kinh tế nòi nhưng rất ấn tượng về sự thông minh nhạy bén của anh, luôn nắm bắt và hiểu ngay các vấn đề chúng tôi đang tranh luận quyết liệt.
Trong các buổi họp, anh luôn chăm chú theo dõi, ghi chép cẩn thận, đặt những câu hỏi thật thực tế, sát sườn và cũng sẵn sàng đưa ra quan điểm của mình khi anh đã được thuyết phục theo đúng logic của chính anh bởi những số liệu, dữ liệu chứng minh rõ ràng. Đó là một tinh thần khoa học đáng trân trọng.
Và tình bạn này đang và sẽ kéo dài đến cuối cuộc đời.
HUỲNH BỬU SƠN
---
Năm 1988, Luật thu hút đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành, lãnh đạo TP.HCM chỉ thị cho các công ty và các sở ngành đề xuất các đề án thu hút đầu tư nước ngoài vào thành phố.
Kỳ tới: Dọn bãi lầy bờ sông để hút đô la
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận