20/01/2016 10:16 GMT+7

Nhớ những người ngã xuống vì Hoàng Sa

HỮU KHÁ - ĐÔNG HÀ
HỮU KHÁ - ĐÔNG HÀ

TT - Sáng 19-1, UBND huyện Hoàng Sa và Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý kịch bản trưng bày cho Nhà trưng bày Hoàng Sa, như một nén hương lòng tưởng nhớ những người con đã ngã xuống để bảo vệ Hoàng Sa.

Học sinh Vũng Tàu đọc và tìm hiểu những bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại triển lãm sáng 19-1 - Ảnh: Đ.Hà
Học sinh Vũng Tàu đọc và tìm hiểu những bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại triển lãm sáng 19-1 - Ảnh: Đ.Hà

Theo đó, tổng mức đầu tư của Nhà trưng bày Hoàng Sa khoảng 40 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Bên cạnh việc tái dựng không gian cột bia chủ quyền Hoàng Sa của VN thời Pháp thuộc dựng năm 1938, khẳng định chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa liên tục từ năm 1916 đã thuộc chủ quyền của Vương quốc An Nam... nhà trưng bày còn cung cấp cho người dân, khách tham quan về địa lý của TP Đà Nẵng và Hoàng Sa.

Trong đó sử dụng hình ảnh, âm thanh đa phương tiện, tái dựng những tài liệu sưu tầm được thể hiện toàn cảnh sinh động về Hoàng Sa mà người Việt từng sinh sống, làm việc và bảo vệ chủ quyền của mình.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện (giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng): “Nếu khách đến tham quan có nhu cầu xin bất cứ tài liệu nào, ngay lập tức sẽ được in ra tặng du khách”.

Tại hội thảo, ông Võ Văn Thắng - giám đốc Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng) - đặt vấn đề: “Nên chăng thiết kế Âm linh tự để khắc ghi tên những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa, không phân biệt đó là ai vì họ ngã xuống là sự hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Ở nơi này, tôi tin thân nhân, bạn bè, đồng đội họ sẽ về thắp hương, thăm viếng, cũng là nơi để mình tìm được sự hòa hợp dân tộc”.

Trong khi đó ông Đặng Công Ngữ, nguyên chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, tâm sự: “Hôm nay ta ngồi lại đây bàn việc làm sao để tổ chức việc trưng bày hiện vật, tư liệu cho hiệu quả, nhất là một nén hương lòng tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa.

Tôi đồng tình với đề xuất cần phải trang bị một số máy ảnh cho ngư dân đang hoạt động trên biển để họ kịp thời ghi lại các hành động vi phạm chủ quyền, hung hăng, táo tợn của Trung Quốc gây hấn, chèn ép đối với ngư dân VN”.

* Cần trang bị máy ảnh cho ngư dân

Sáng cùng ngày, tại sở chỉ huy Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 (TP Vũng Tàu) đã khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Các văn bản, bản đồ và hiện vật được trưng bày tại triển lãm đã minh chứng chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong số này, đáng chú ý là bốn tập bản đồ do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa dân quốc phát hành từ năm 1908 đến 1933 đều thể hiện cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. Triển lãm kéo dài đến ngày 23-1.

Sẽ xây dựng cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ

Ngày 19-1, ông Nguyễn Đức Chính, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư công trình cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ.

Ông Chính nói việc xây dựng cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ nhằm khẳng định chủ quyền thiêng liêng nơi biển đảo của Tổ quốc và là điểm đến thu hút du khách khi thăm đảo.

NHẬT LINH

HỮU KHÁ - ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên