15/04/2025 09:41 GMT+7

Nhớ 'Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội'

Những ngày tháng 4 này, ký ức về những bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân thêm đậm khi bộ sưu tập tài liệu lưu trữ của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới.

Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội - Ảnh 1.

Ca sĩ Thanh Huyền (trái) và nhạc sĩ Hoàng Vân - Ảnh: GĐCC

Bộ sưu tập này được con gái nhạc sĩ, TS Lê Y Linh, lưu trữ và số hóa trên trang hoangvan.org với nhiều ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp. Ôm rộng đủ đề tài, thành thị hay nông thôn, người lớn hay tuổi thơ, nhạc Hoàng Vân có cả.

Tôn vinh con người lao động vượt qua khó khăn, nhọc nhằn không phải điều mới mẻ gì trong âm nhạc tuyên truyền nhưng Hoàng Vân khi cần vẫn biết làm cho sự tôn vinh trở nên lịch lãm, trẻ trung và thật sự có chút quyến rũ huê tình kiểu cách dân phố Hà Nội.
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

"Người mà anh yêu quý vô cùng"

"Trên đất mẹ nắng hồng như lụa, trải nghìn năm gắn bó hai miền. Như cành chung gốc lớn lên, như anh em của mẹ hiền Việt Nam… Huế cầm tay Sài Gòn, Hà Nội, bên dãy Trường Sơn ngời sáng tin yêu…".

Mấy câu ca của bài hát Hà Nội - Huế - Sài Gòn ra đời năm 1961, được phổ từ lời một bài thơ dài của Lê Nguyên, một người cháu họ gọi Hoàng Vân bằng chú, cũng lại từng là đồng đội ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hoàng Vân sinh năm 1930, chỉ hơn Lê Nguyên một tuổi, đều là dân phố cổ Hà Nội, ở cách nhau một số nhà trên phố Hàng Thùng.

Bài thơ ra đời năm 1960, hưởng ứng phong trào kết nghĩa các tỉnh, thành phố hai miền. Hà Nội - Huế - Sài Gòn trở thành biểu tượng lớn của ước vọng thống nhất.

Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội - Ảnh 2.

Nhà thơ Lê Nguyên, ảnh chụp tại Hà Nội năm 1955, trong kỳ nghỉ phép đầu tiên sau chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó ông quay lại Điện Biên Phủ để thu thập tư liệu cho bảo tàng Quân đội (Ảnh tư liệu gia đình)

Hiệu sách quốc văn lớn nhất Hà Nội nằm trên phố Tràng Tiền cũng được đắp nổi hàng chữ rất to cả hai mặt phố: "Hiệu sách kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn", cho đến tận thời đổi mới vẫn còn hiện diện.

Cái tứ "Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội" khiến ai cũng nhớ lâu, cùng với những câu ca thần tình như "trong tình yêu quê hương có một tấm lòng, dành cho em người mà anh yêu quý vô cùng" (Tình ca người thợ mỏ), đã làm thành động lực đưa người viết bài này đi gặp nhạc sĩ Hoàng Vân từ 21 năm trước.

Cuộc phỏng vấn Hoàng Vân ở căn gác 14 Hàng Thùng đem lại cho tôi cảm giác về một người trí thức Hà Nội kín kẽ, khôn ngoan, hiểu biết, mà còn rất nhiều bí ẩn như những bức thư pháp chữ Hán mà ông đang viết.

20 năm sau, con số năm chẵn kỷ niệm các ngày lễ lớn cứ dần to lên, đến lúc tôi thảng thốt nghĩ, mình đã từng chạm vào những vẻ đẹp gắn kết nhiều thế hệ, mà chưa trọn được mong muốn nghe trọn hành trình tạo ra những vẻ đẹp đó.

Tôi đã trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương về bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân phổ thơ của bố anh - nhà thơ Lê Nguyên. Bài thơ này, cùng với một bài khác là Bài thơ gửi Thái Nguyên, đã được Hoàng Vân phổ thành hai bản trường ca cùng năm 1961, mà như anh kể, được Lê Nguyên viết khi ở Thái Nguyên, lúc đang tán cô Thảo - người sau này là mẹ anh.

Hai bài thơ đã thành bài hát của kỷ niệm gia đình, của những người sinh ra từ Hà Nội cũ trong thời đại xây dựng những niềm hy vọng của cuộc đời mới.

Nếu Bài thơ gửi Thái Nguyên chỉ từng được Trần Khánh, giọng ca số 1 của Đài Tiếng nói Việt Nam, thu âm một lần và chưa ai hát lại, thì Hà Nội - Huế - Sài Gòn may mắn hơn, được nhiều danh ca thể hiện và trở thành bài hát đi cùng năm tháng đúng nghĩa.

Sau bản thu âm đầu tiên của Kim Oanh, Hà Nội - Huế - Sài Gòn còn trở thành khuôn vàng thước ngọc với giọng ca Thanh Huyền.

Hà Nội, Huế, Sài Gòn NSND Thanh Huyền

Có thể nói âm nhạc Hoàng Vân là đất phô diễn vẻ đẹp của những giọng ca hàng đầu âm nhạc miền Bắc những năm chiến tranh: Kim Oanh với Quảng Bình quê ta ơi; Tuyết Thanh với Nổi trống lên rừng núi ơi; Bích Liên với Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng; Trần Khánh với Tôi là người thợ mỏ, Người chiến sĩ ấy; Mỹ Bình với Bài ca người giáo viên nhân dân…

Những đứa trẻ thế hệ tôi thuộc lòng những bài hát Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em hay bài hát trong bộ phim Em bé Hà Nội (1974).

Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội - Ảnh 3.

Bìa đĩa hát Hà Nội - Huế - Sài Gòn

Những bài ca làm nên những giọng ca

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Huyền năm nay đã 83 tuổi. Hầu như người yêu nhạc "đỏ" đều đã ít nhất vài lần nghe những bản thu vô cùng được yêu thích của bà. Việc đến với bài hát Hà Nội - Huế - Sài Gòn của Thanh Huyền cũng thật giản dị như các nghệ sĩ khi ấy, là nhiệm vụ được giao, trong số rất nhiều bài hát khác.

Bà Thanh Huyền nói rằng bà tập bài hát rất nhanh và cũng đã tìm cách chuốt giọng hát để bên cạnh những phần mềm mại mang âm hưởng dân ca là có một chất thép của tinh thần đấu tranh: "Sài Gòn vang lời ca bất khuất, của miền Nam đi trước về sau".

Bài hát mang dáng vóc trường ca, các phân đoạn nối tiếp đầy tính sử thi khi khắc họa tính biểu tượng của ba thành phố đại diện ba miền, nhưng tổng thể vẫn đem lại cảm xúc trữ tình khiến cho những ca từ nhiều triết lý trở nên mềm mại, óng ả, sang trọng, đặc trưng cho bút pháp Hoàng Vân.

Lần giở lại ghi chép và ghi âm từ cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Vân từ hơn 20 năm trước có những chi tiết thú vị.

Hoàng Vân kể sau thống nhất vài năm, ông Tư Trương (Trương Bỉnh Tòng - tác giả vở cải lương Cây sầu riêng trổ bông), phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM, đến gặp Hoàng Vân và nói ông viết bài hát cho thanh niên: "Anh Vân, tôi làm chương trình ca nhạc, mấy đứa con gái nó săn lùng anh ghê quá, nó tranh nhau bài Hà Nội - Huế - Sài Gòn, anh có bài mới nào không?".

Hoàng Vân vốn dĩ được truyền tụng là nhạc sĩ của "địa phương ca, ngành ca", hễ viết về tỉnh nào hay ngành nào thì nơi đó phong trào lên ầm ầm, nên ông được đặt hàng liên tục.

Năm 1977, nhân lúc đi thực tế về ngành địa chất mỏ dầu khí ở Vũng Tàu, Hoàng Vân cho ra đời một bài hát "nhạc trẻ": Tình ca Vũng Tàu.

Bài hát cũng là tiết mục trình làng một giọng ca trẻ và ngay lập tức cô trở thành ngôi sao: Nhã Phương. Hoàng Vân kể: "Nhã Phương năm ấy mới 17 tuổi, mặc áo sơ mi đỏ, quần bò, vừa hát vừa kéo violon, đẹp lắm!".

Nhã Phương cũng thể hiện thành công những bài hát khác của Hoàng Vân, ngoài Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã quen thuộc, còn có Hát về cây lúa hôm nay (1976), Tình yêu của đất và nước (1980)...

Tôi rất bất ngờ khi Hát về cây lúa hôm nay được viết ở Ô Môn, lúc đó thuộc tỉnh Hậu Giang. Hoàng Vân nhắc sự dụng công của ông khi viết: "Chiếc cầu tre chênh vênh nhỏ bé, không mang nổi người gánh thóc nặng.

Đường lớn đã mở đi tới tương lai, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay". Cầu tre là thứ sẵn ở Đồng bằng sông Cửu Long và ông khéo léo gợi ý về một vụ mùa thu hoạch thắng lớn và cuộc "kiến thiết xây đắp giang sơn" tương lai.

Chính Hoàng Vân đã hiện thực hóa hành trình "Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội" của mình khi ông đi thực tế sau ngày thống nhất, viết nên những bài ca về cuộc sống mới, gắn kết con người chung sức xây dựng đất nước. Nửa thế kỷ từ ngày đất nước thống nhất, những âm điệu vẫn tỏa ra sự ấm áp của niềm vui sum họp.

Nhớ "Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội" - Ảnh 3.Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh Di sản tư liệu thế giới

Hội đồng Chấp hành UNESCO đã nhất trí ghi danh “Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân” của Việt Nam vào Danh mục Ký ức thế giới” vào sáng sớm nay (11-4) theo giờ Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên