Buổi giao lưu giữa các nhà báo diễn ra vào sáng 18-6 tại đường sách TP.HCM. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6).
Chương trình có sự tham dự của các khách mời gồm nhà báo Nguyễn Khắc Cường - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cùng các tác giả Dương Thành Truyền, Hồ Huy Sơn và Trung Nghĩa.
'Tôi chưa chán nghề báo'
Tại buổi giao lưu, khi trò chuyện về lợi thế của nhà báo khi viết sách, tác giả Trung Nghĩa cho biết: "Lợi thế của nhà báo là đi đây đi đó và khả năng viết.
Khi nhà báo đi, họ có thể tác nghiệp, viết những bài báo nhanh nhạy và được trải nghiệm những điều mắt thấy tai nghe. Họ được trực tiếp cảm nhận nơi chốn, con người và văn hóa đó không cần thông qua những lăng kính khác".
Về điều này, ông Dương Thành Truyền có góc nhìn tương tự. Ông lý giải:
"Nhà báo có điều kiện sống trong thông tin và thời cuộc. Điều đó gợi ra cho họ nhiều chất liệu. Những chất liệu đó hiện lên thành tác phẩm báo chí nhưng cũng có khi gợi ra cảm xúc khác".
Ông Dương Thành Truyền bảo ông nhận thấy câu chuyện của tác phẩm báo chí có sức sống ngắn, chỉ được đo bằng ngày, bằng tuần. Do đó, khi đem chất liệu này đưa vào sách, câu chữ sẽ có đời sống lâu bền hơn.
Khi được hỏi về việc liệu có chán nghề, nhà báo Dương Thành Truyền nhiều lần khẳng định ông không chán nghề báo, đồng thời cho rằng việc sống trong thông tin chính là niềm vui của mình.
Ông nói: "Tôi chưa chán nghề báo. Nghề báo cho tôi cơ hội nhìn sự kiện với nhiều chiều và nắm bắt vấn đề với nhiều góc nhìn khác nhau. Góc nhìn đó là cơ hội phát triển bản thân, đặc biệt là khi nhìn về cuộc sống, chúng ta sẽ không định kiến, không cố định nó về một chiều".
Nhà báo Nguyễn Khắc Cường nhìn nhận:
"Viết báo với viết văn giống nhau đều là sự hiểu biết, kiến thức, vốn biểu đạt, giao tiếp. Ngoài ra nó còn có cái khó như nhau là phải làm sao để giữ được người đọc.
Nhưng ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ sự kiện, tức là thông tin, sự kiện phải là có thật. Còn viết văn, thực tiễn chỉ là chất liệu, người viết văn sẽ sáng tạo ra câu chuyện có tính điển hình, khái quát.
Trước đây tôi chưa nghĩ về sự khác biệt này, chỉ viết một cách tự nhiên. Và khi nhìn lại, hóa ra trong câu chuyện của tôi cũng có dáng dấp của người làm báo".
Nhờ báo chí mới đi đường dài với văn chương
Lâu nay, có không ít người cho rằng nhà báo viết sách sẽ chỉ là những sách chuyên ngành hoặc tổng hợp, chắt lọc những bài đã đăng báo trước nay rồi in thành sách. Nhưng thực tế, thể loại mà các nhà báo theo đuổi khá đa dạng, từ văn xuôi đến thơ, từ sách thiếu nhi đến câu chuyện người trưởng thành.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở lĩnh vực xuất bản, tác giả Hồ Huy Sơn cho rằng báo chí và văn chương luôn song hành. Theo đó, Hồ Huy Sơn nhận thấy bản thân mình có hai cuộc đời tách bạch. Trước 14h là nhà báo, và sau 14h sẽ sống đời văn chương.
Đến nay, Hồ Huy Sơn đã có 14 tác phẩm được in thành sách. Tuy nhiên tác giả cũng nói thêm rằng số lượng không nói lên được điều gì.
Anh bày tỏ: "Tôi nghĩ mình phải dành sự biết ơn với nghề báo, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Bởi lẽ, với văn chương, đến hiện tại chắc chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư là có thể sống hoàn toàn bằng văn chương. Còn tôi phải sống nhiều nhờ vào báo chí mới có thể đi đường dài với văn chương".
Tuy nhiên, đó là góc nhìn từ môi trường báo chí, còn ở góc nhìn rộng hơn, ông Dương Thành Truyền nhận thấy bên cạnh khuyến đọc thì phải khuyến khích người Việt viết sách.
Ông nhận xét: "Người Việt hầu như chưa có thói quen viết, cho nên nhiều khi có những chuyện của đất nước, dân tộc, quê hương chúng ta không biết. Những chuyện hằng ngày được ghi lại, 10 năm, 20 năm hay một thế kỷ sau, nó sẽ trở thành có giá trị".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận