18/04/2017 19:11 GMT+7

​Toshiba trước nguy cơ khép lại một đế chế

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Đầu tuần này, tập đoàn công nghệ Nhật Bản Toshiba thừa nhận đang có nguy cơ lớn ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tồn tại của tập đoàn này sau những thua lỗ lớn vừa qua.

Chủ tịch tập đoàn Toshiba, ông Satoshi Tsunakawa, dự phiên họp báo tại Tokyo ngày 14-3-2017 - Ảnh: CNN
Chủ tịch tập đoàn Toshiba, ông Satoshi Tsunakawa, dự phiên họp báo tại Tokyo ngày 14-3-2017 - Ảnh: CNN

Cú sốc mới nhất và có lẽ cũng thuộc hàng lớn nhất với Toshiba vừa xảy đến tháng trước ở Mỹ khi công ty năng lượng nguyên tử Westinghouse Electric của họ phải nộp đơn xin phá sản tại Mỹ.

Sau hai lần lỡ hẹn công bố báo cáo tài chính, kết thúc quý 4 vào tháng 12 năm ngoái, Toshiba công khai mức lỗ ròng 648 tỉ yen (5,9 tỉ USD). Tuy nhiên, trong một động thái chưa từng có tiền lệ với một doanh nghiệp lớn ở Nhật, Toshiba đệ trình báo cáo tài chính mà không hề có sự phê chuẩn thông qua của công ty kiểm toán PwC Aarata.

Có thể bị loại khỏi sàn giao dịch

Các cơ quan quản lý Nhật Bản sẽ phải quyết định có chấp nhận báo cáo tài chính của Toshiba hay không. Nếu họ không chấp nhận, cổ phiếu của tập đoàn này sẽ bị loại khỏi Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo.

Việc công ty kiểm toán PwC Aarata từ chối đóng dấu xác nhận vào báo cáo tài chính của Toshiba là sự cố khiến tập đoàn này thêm “bẽ bàng” trong bối cảnh đang nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư là họ có thể tìm được lối ra cho cuộc khủng hoảng đang lún sâu.

Công ty Westinghouse của Toshiba đã chịu lỗ hàng tỉ USD do chi phí đội lên và tiến độ xây dựng bị trì hoãn tại các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân thuộc bang Georgia và South Carolina của Mỹ.

Việc đơn vị này tuyên bố phá sản khiến Toshiba có thể loại bỏ nó khỏi các báo cáo tài chính của họ. Tuy nhiên, sự sụp đổ của nó khiến Toshiba tổn thất 1 ngàn tỉ yen (9 tỉ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm nay.

Công ty kiểm toán PwC cho rằng không có lý do nào để tin rằng những tổn thất liên quan tới công ty Westinghouse lại gây những ảnh hưởng tài chính vượt quá cả năm tài chính 2016 của Toshiba.

Nhằm nỗ lực chỉnh sửa bản cân đối kế toán, Toshiba sẽ bán đi lượng cổ phần tương ứng với quyền kiểm soát công ty sản xuất chip máy tính danh giá của họ. Ông Tsunakawa, chủ tịch tập đoàn Toshiba, cho rằng việc bán này có thể mang lại ít nhất 2 ngàn tỉ yen (18 tỉ USD) cho họ.

Theo BloombergWall Street Journal, tập đoàn Foxconn có trụ sở tại vùng lãnh thổ Đài Loan, một trong những nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn nhất của Apple, đã đề xuất giá mua lại với 3 ngàn tỉ yen (27 tỉ USD).

Quá lớn nên không thể “đổ”?

Chính phủ Nhật Bản rất mong muốn giữ lại lĩnh vực kinh doanh chip của Toshiba, do đó đã kêu gọi các doanh nghiệp Nhật cùng đóng góp mua lại cổ phần của công ty sản xuất chip của Toshiba.

Theo các chuyên gia phân tích, với khoảng 190.000 nhân sự trên toàn thế giới, trong đó có hơn 100.000 người đang ở Nhật Bản, vị thế và tầm ảnh hưởng của Toshiba là rất lớn, và nó quan trọng tới mức chính phủ Nhật Bản sẽ không thể để nó bị sụp đổ.

Đầu tuần này Toshiba cho biết việc bán đi lĩnh vực kinh doanh chip và các tài sản khác sẽ giúp tập đoàn này giữ được sự ổn định về mặt tài chính.

Mặc dù đã bán Westinghouse nhưng Toshiba vẫn có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hạt nhân quan trọng tại Nhật Bản. Họ đảm nhiệm các công việc được ủy thác tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân lớn sau thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản.

Toshiba “quá lớn” nên Nhật Bản không thể để họ suy tàn

chuyên gia phân tích Kazunori Ito làm việc tại hãng nghiên cứu Ibbotson Associates Japan

Dẫu vậy thì tình thế vẫn đang khá chênh vênh. Một nguy cơ thấy rõ là các ngân hàng sẽ ngừng hỗ trợ vốn cho những tập đoàn đang lâm vào khủng hoảng.

Cho tới cuối năm ngoái, Toshiba nợ khoảng 1,4 ngàn tỉ yen (13 tỉ USD). Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư đang bán tống bán tháo một số lượng cổ phiếu lớn của hãng này. Đó là chưa kể nếu xảy ra việc cổ phiếu của Toshiba bị rút ra khỏi Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo thì không biết tình hình sẽ còn khó lường tới mức nào nữa.

Hãng Westinghouse hiện cũng đã đang xây dựng các lò phản ứng ở Trung Quốc. Việc mua lại một doanh nghiệp Mỹ-Nhật đang lao đao sẽ giúp Trung Quốc có được công nghệ họ cần để trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên