24/05/2017 15:00 GMT+7

Thần đồng cờ vây số 1 thế giới đánh thua máy tính

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Thần đồng cờ vây 19 tuổi người Trung Quốc Ke Jie vừa chịu thất bại đầu tiên trong loạt đấu 3 trận trước đối thủ là trí tuệ nhân tạo (AI) AlphaGo của Hãng DeepMind.

Đại kiện tướng Ke Jie trong trận đấu cờ vây với AlphaGo ngày 23-5 tại Ô Trấn - ảnh: Reuters
Đại kiện tướng Ke Jie trong trận đấu cờ vây với AlphaGo ngày 23-5 tại Ô Trấn - Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, đại kiện tướng Ke Jie, người hiện giữ vị trí số 1 làng cờ vây thế giới, đã đầu hàng sau trận đấu cân não kéo dài 4 giờ 30 phút tại Ô Trấn (Chiết Giang, Trung Quốc) ngày 23-5.

Các chuyên gia đánh giá chiến thắng của AlphaGo một lần nữa giúp chúng ta khám phá thêm khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI) và đồng thời thách thức giới hạn của chính con người.

Bất ngờ từ AI

Theo giới quan sát, yếu tố chính khiến thần đồng Ke Jie thua trước AlphaGo đó là cỗ máy đã thực hiện một số nước đi hết sức bất ngờ. Trong cuộc họp báo sau trận đấu, chính Ke Jie phải thừa nhận bản thân cảm thấy sốc sau thất bại.

“Tôi bị sốc. Nhiều nước đi (của AlphaGo) không thể nào xuất hiện trong các cuộc tỉ thí giữa người với người” - nhà vô địch bày tỏ sự kinh ngạc.

Zheng Hong, một kỳ thủ 9 đẳng đã giải nghệ, trước trận đấu hôm qua dự báo khả năng chiến thắng của Ke không cao. “Trí thông minh nhân tạo liên tục tiến bộ bằng cách đấu với chính nó hàng triệu lần” - Zheng lý giải khả năng của AlphaGo.

Ke Jie bước vào thế giới cờ vây chuyên nghiệp năm 11 tuổi và đã đạt đến 9 đẳng, cấp cao nhất trong môn cờ này. Dù đang ở đỉnh cao phong độ, trong một cuộc tỉ thí qua mạng hồi tháng 1, Ke đã từng thua trước AlphaGo.

“Hầu hết mọi người xem đây là trận đấu giữa người với máy, cá nhân tôi không đồng ý - ông Demis Hassabis, cha đẻ của AlphaGo nêu quan điểm. Đúng hơn là con người dùng máy móc như công cụ để cùng nhau khám phá kiến thức”.

Khác với những lần trước đây, AlphaGo trong trận đấu hôm qua dùng hai “bộ não” xử lý riêng biệt để tính toán các nước đi. Thậm chí trước khi tiến hóa như bây giờ, AlphaGo đã đánh bại đại kiện tướng cờ vây người Hàn Quốc Lee Sedol với tỉ số cách biệt 4-1 (năm 2016).

AlphaGo thắng không phải là tận thế. Con người không thể chạy nhanh hơn xe hơi, nhưng đoạt một tấm huy chương điền kinh Olympic vẫn mang nhiều ý nghĩa.

Kiện tướng cờ vây 9 đẳng Zheng Hong

Khả năng vô hạn

Chiến thắng của AlphaGo là cột mốc mới cho các hãng công nghệ như Google, Uber, Alibaba, Baidu… vốn đang tham gia cuộc đua chế tạo trí thông minh nhân tạo. Ứng dụng của AI có thể nói cực kỳ rộng rãi trong cuộc sống chúng ta, từ trợ lý ảo Siri trên điện thoại iPhone cho đến chức năng nhận diện gương mặt trong các ứng dụng thanh toán trực tuyến.

“AI có thể giúp con người tìm giải pháp cho các vấn đề thậm chí chúng ta còn không biết bắt đầu từ đâu” - ông Demis Hassabis mô tả.

Nhà khoa học này cũng tiết lộ công nghệ tạo ra AlphaGo đã giúp giảm mức năng lượng tiêu thụ của trung tâm dữ liệu của Google đến 40%.

Tốc độ tiến hóa của AI là một chủ đề nóng trong thế giới khoa học. Bác học người Anh Stephen Hawking từng cảnh báo sự trỗi dậy của công nghệ, máy móc sẽ hủy diệt loài người.

“Không có khác biệt lớn giữa những gì một bộ não sinh học và một máy tính có thể đạt được. Con người, vốn bị giới hạn bởi tiến hóa sinh học, sẽ không thể cạnh tranh và sẽ bị thay thế bằng AI” - nhà vật lý lừng danh Hawking dự báo.

Điều đặc biệt ở AI, theo ông Hawking, là nó có thể tự cải tiến chính nó với tốc độ ngày càng tăng.

Trở lại Ô Trấn, đại kiện tướng Ke sẽ tiếp tục đấu với AlphaGo hai trận còn lại vào ngày 25 và 27-5. Dù công nhận sức mạnh đáng gờm của cỗ máy, Ke tuyên bố sẽ chiến đấu hết mình “với tất cả niềm đam mê”.

“AlphaGo dù sao chỉ là một cỗ máy lạnh lẽo, và tôi không thể nhìn thấy nhiệt huyết và sự đam mê của nó. Tôi sẽ cố hết mình trong trận đấu cuối với nó. Dù đối thủ mạnh cỡ nào, tôi sẽ không lùi bước” - thần đồng cờ vây của Trung Quốc khẳng định.

Cờ vây (tiếng Trung: weiqi) phổ biến ở Trung Quốc kể từ triều đại nhà Chu (năm 1046 – 256 trước Công nguyên). Từ Trung Quốc, môn này tiếp tục lan tỏa sang bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và trở nên rất phổ biến.

Cờ vây là trò chơi đối kháng giữa hai người trên một bàn cờ kích thước 19x19 ô. Đây được xem là môn cờ phức tạp nhất do con người sáng tạo. Người ta nói số nước đi trên bàn cờ vây còn nhiều hơn số nguyên tử trong vũ trụ thấy được bằng mắt thường.

Cờ vây trở thành công cụ đo sức mạnh của AI so với con người kể từ khi máy tính DeepBlue của Hãng IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua Gary Kasparov năm 1997.

Một trận đấu ở Trung Quốc, cái nôi của cờ vây, lại càng mang nhiều ý nghĩa. Một nhà trí thức Trung Quốc thời xưa sẽ được trọng vọng nếu có đủ các tài năng trong 4 lĩnh vực là “Cầm, Kỳ, Thi, Họa”.

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên