13/03/2016 12:01 GMT+7

Kỳ 1: Trí khôn nhân tạo AlphaGo gây sốc thế giới

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Chương trình AlphaGo của hãng Google vừa giành thắng lợi 3-0 trước đại kiện tướng cờ vây người Hàn Quốc Lee Sedol trong “trận cờ thế kỷ”.

Một người đứng coi ván cờ vây giữa AlphaGo và kỳ thủ Lee Sedol - Ảnh: AP

Đây được coi là “ván cờ thế kỷ” bởi cờ vây là “thành trì” cuối cùng của con người trước máy tính ở những môn cờ nói chung. Để thắng được môn cờ vây, máy tính đòi hỏi phải có “trực giác” như con người, không như những máy tính chỉ thuần tính toán khi hạ gục một kiện tướng cờ vua.

Chính vì vậy, chiến thắng của AlphaGo trước Lee Sedol được xem là một bước tiến đáng kể của trí khôn nhân tạo. Demis Hassabis, trưởng nhóm kỹ sư tạo ra AlphaGo, gọi công trình này như “vượt qua đỉnh Everest”.

AlphaGo đi những nước cờ “chưa từng thấy”

Không phải việc AlphaGo thắng Lee Sedol gây choáng váng mà những nước cờ có một không hai của máy tính này đã khiến toàn bộ thế giới cờ vây phải bất ngờ. Theo đánh giá chung, AlphaGo đã có những nước cờ đầy bất ngờ lúc khởi đầu ván và khiến cho Lee Sedol lâm vào thế bị động.

Kim Seong Ryong, một nhà bình luận và cũng là kiện tướng cờ vây, nhận định: “Nếu làm khảo sát trên 1.300 người chơi cờ vây tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, chắc chắn không một người nào chọn những nước đi như vậy”.

Chủ tịch Hội cờ vây Mỹ Andy Okun và Phó chủ tịch điều hành hội, Andrew Jackson nhận định nếu một học sinh chơi cờ vây có những nước đi như AlphaGo, sẽ bị thầy giáo đánh đòn.

Bản thân kỳ thủ 33 tuổi Lee Sedol thừa nhận sau trận thua: “Tôi hoàn toàn không nói nên lời. Tôi không tìm thấy bất kỳ điểm yếu nào trong ván cờ của AlphaGo. Tôi đánh giá sai khả năng của AlphaGo và tỏ ra hoàn toàn bất lực. Tôi sẽ cố gắng hết sức để ít nhất thắng được một trận”.

Chính Demis Hassabis, cha đẻ của AlphaGo, cũng bất ngờ trước “đứa con” của mình.

Khi được hỏi có bị sốc trước những nước cờ của Alpha Go, Hassabis nói: “Chúng tôi sốc và không nói nên lời. Có lẽ Lee Sedol cũng vậy, thể hiện qua nét mặt anh ấy. Tôi cho rằng đó là những nước đi không ai nghĩ đến. Nước cờ rất táo bạo và quyết liệt. AlphaGo thắng Lee Sedol bằng chính chiến thuật của anh ấy. Vào cuộc, Lee thường đánh dàn trải khắp bàn cờ mà không chủ định vào bất cứ vị trí nào. Các chương trình cờ vây truyền thống rất dở khi đối mặt chiến thuật này, không phải ở mặt tính toán, mà vì thiếu cái nhìn tổng thể”.

Kỳ thủ 26 tuổi Ko Ju-yeon nói: “AlphaGo biết mọi thứ và chơi rất sáng tạo. Hầu hết những kỳ thủ cờ vây đều triển khai lối đánh bằng cách học từ những kỳ thủ giỏi hơn. Trong khi đó, AlphaGo dường như đã tự tạo ra những nước cờ của chính nó”.

Demis Hassabis (phải) - cha đẻ của AlphaGo và Lee Sedol trước trận
Demis Hassabis (phải) - cha đẻ của AlphaGo và Lee Sedol trước trận "cờ thế kỷ" - Ảnh: AFP

AlphaGo thắng nhờ biết tự học

Năm 1997, máy tính Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phát triển trí khôn nhân tạo. Giờ đây, AlphaGo còn thông minh hơn Deep Blue gấp nhiều lần.

Nếu như Deep Blue có thể nghĩ ra 200 triệu nước đi mỗi giây, rồi từ đó tạo ra hoán vị để chọn giải pháp tốt nhất dẫn đến thắng trận thì AlphaGo còn làm được nhiều hơn như vậy rất nhiều.

 Do đặc tính môn cờ vây có số lượng nước đi quá nhiều, trong bàn cờ 19 ô mỗi cạnh, nên không thể dùng “tính toán cơ học” để tìm nước đi. Số nước đi của môn cờ vây có thể tính đến số triệu tỉ. Trong một bài blog viết vào tháng 1-2016, hai thành viên trong nhóm tạo ra AlphaGo Demis Hassabis và David Silver cho rằng số nước đi khả thể của môn cờ vây nhiều hơn số phân tử trong vũ trụ.

Chính vì vậy, phần mềm đánh cờ vây phải biết “trực giác” như con người để chọn những nước đi phù hợp.

Ngoài khả năng thống kê hằng triệu nước đi trong mỗi giây, AlphaGo còn có khả năng tự học. Sau khi được nhập dữ liệu về các ván cờ vây, AlphaGo sẽ “phân thân” tự đánh rất nhiều ván cờ với chính mình, để từ đó thiết lập một hệ thống những nước đi mới, tốt hơn đồng thời loại bỏ những nước đi dở, không cần thiết.

Đây là điểm khiến những người tạo ra AlphaGo rất tự hào về “đứa con” của mình. Họ khẳng định AlphaGo sẽ giỏi hơn qua từng trận đấu.

Điều này được thể hiện qua việc phát triển vượt bậc của AlphaGo hiện nay so với cuối năm 2015. Hồi tháng 10-2015, AlphaGo giành chiến thắng năm ván trắng trước nhà vô địch châu Âu. Nhưng khi đó, hầu hết giới cờ vây đều cho rằng trình độ AlphaGo chưa tiếp cận được với Lee Sedol và chiến thắng gần như chắc chắn nằm trong tay kỳ thủ người Hàn.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng “tự học”, AlphaGo đã phát triển vượt bậc và đã giành chiến thắng trước Lee Sedol.

Ông Andrew Jackson nói: “Có một vấn đề cần đặt ra. Sắp tới AlphaGo sẽ còn đưa ra thêm điều gì mới? Liệu nó có làm đảo lộn mọi thứ? Có khi nào chúng ta phát hiện những điều vốn dĩ đang nghĩ là đúng, nhưng thực sự không phải như vậy?”

Kỳ tới: “Trí khôn nhân tạo giết người như kiến”

AlphaGo thắng ở môn cờ vây, tiến một bước dài trong lịch sử phát triển trí khôn nhân tạo. Vậy trí khôn nhân tạo đang kém trí khôn con người bao xa? Và bao giờ trí khôn con người sẽ bị vượt qua?

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên