Trí thông minh nhân tạo AlphaGo của Google đã 3 lần liên tiếp đánh bại kỳ thủ cờ vây 9 đẳng thế giới để giành chiến thắng chung cuộc |
Trận đấu kéo dài hơn 4 tiếng được tổ chức tại khách sạn Four Seasons (Seoul, Hàn Quốc) và thu hút hơn 70 ngàn người theo dõi trực tiếp qua kênh Deep Mind trên Youtube.
Như thông tin trước đó, các trận đấu giữa chương trình trí tuệ nhân tạo của Google và các kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới sẽ gồm chuỗi 5 trận. Điều này đồng nghĩa với việc AlphaGo sẽ chỉ cần thắng 3 trên 5 trận thì sẽ dành chiến thắng chung cuộc.
Máy tính từ lâu đã được đánh giá là không thể chơi môn cờ có nguồn gốc cổ xưa từ Trung Quốc này ở cấp độ đỉnh cao, dù công nghệ đã đạt được những bước đột phá trong cờ vua trước đó. Khả năng phát triển Deep learning (học từ những ván cờ và nước đi để hình thành trực giác – thứ mà các kỳ thủ hàng đầu phải sử dụng khi chơi cờ vây) đã giúp AlphaGo đạt được một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.
Ván thứ ba này càng chứng tỏ được sự vượt trội của AlphaGo khi chương trình có thể nhận diện được các tình huống khó gọi là “ko” mà không xuất hiện ở 2 trận trước, điều này sẽ càng giúp cho AlphaGo hoàn thiện hơn nữa.
Trong cuộc thi dành 1 triệu USD này, AlphaGo đã thể hiện sức mạnh vượt trội trước đối thủ được đánh giá là “khó có một kỳ thủ nào đánh bại được hiện nay”. Lee Sedol chia sẻ rằng anh không có cơ hội trong ván thứ nhất, bỏ lỡ cơ hội trong ván thứ hai, và bước vào trận hôm nay với rất nhiều áp lực, nhưng vẫn kêu gọi mọi người xem 2 trận còn lại, dù đã chính thức thua cuộc.
Tại buổi họp báo sau trận đấu, đồng sáng lập Google Alphabet, Sergey Brin chia sẻ: “Thực tế rằng Google có thể thấm nhuần và cảm nhận được "vẻ đẹp" của cờ vây ngay cả trong những chiếc máy tính”.
Đồng sáng lập Google và chủ tịch của Alphabet hiện tại cho rằng “Cờ vây là một môn rất đẹp và dạy con người về nhiều điều trong cuộc sống, nhiều hơn so với cờ vua. Theo dõi các kỳ thủ cờ vây xuất sắc thi đấu giống như chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Do đó, tôi rất phấn khích khi chúng tôi đã có thể đưa được vẻ đẹp đó vào bên trong một máy tính. Tôi rất vinh hạnh khi đứng tại đây cùng Lee, một kỳ thủ tuyệt vời, cũng như đội DeepMind đã làm việc rất chăm chỉ để đem lại vẻ đẹp đó cho máy tính”.
Lee Sedol được xem là nhà vô địch của môn cờ vây thế giới, khi chiến thắng rất nhiều giải đấu trong sự nghiệp lớn và rất thành công của mình. “Tôi thấy hôm nay AlphaGo đã chơi một trận đấu gần như hoàn hảo” và anh thừa nhận mình “thua rõ ràng” ở trận thứ 2. Trước đó vào tháng 10-2015, AlphaGo cũng đã đánh bại nhà vô địch cờ vây châu Âu.
Thuật ngữ trí tuệ nhân tạo được xác định từ một hội nghị tại Đại học Dartmouth từ năm 1956. Trong 60 năm phát triển, chương trình máy tính này đã đạt được những cột mốc đáng kể, so với thời điểm năm 1973 khi bị Giáo sư Sir James Lighthill nhận xét là sẽ chỉ là một tên “tay mơ có kinh nghiệm” trong môn cờ vua, một môn cờ được cho là đơn giản hơn cờ vây.
Đến năm 1997, siêu máy tính cờ vua Deep Blue đã đánh bại được nhà vô địch cờ vua Garry Kasparov. Và gần đây nhất là trước các nhà vô địch môn cờ vây.
Ước tính cờ vây có 10 mũ 170 nước đi cho người chơi lựa chọn. Nhưng một bàn cờ vây chỉ có 8x8 ô, điều này có nghĩa số lượng nước đi là “khổng lồ”, khoảng 10 mũ 170. Các phân tích về nước đi của trận đấu gần như là thất bại khi cố diễn tả hết số nước đi đó. Có đến hàng trăm trật tự cấp độ (orders of magnitude) các nước đi, nó nhiều hơn so với số lượng của nguyên tử có thể quan sát được trong vũ trụ.
Bất kỳ một trong hàng trăm lượt đi cờ vây có khoảng 250 nước đi đúng luật có thể được thực hiện. Việc chọn bất kỳ nước đi nào trong số 250 nước đi đó sẽ tạo ra 250 nước đi khả thi tiếp theo, và cứ như thế cho đến khi ván đấu kết thúc.
Theo quan sát của Demis Hassabis, một trong những sáng lập viên của Deep Mind thì những điều này có nghĩa là sẽ không thể thắng môn cờ vây bằng cách thức toán học thông thường.
Hai trận đấu tiếp theo vào 13-3 và 15-3 vẫn tiếp tục diễn ra để thỏa mãn đam mê của giới cờ vây cũng như những người nghiên cứu về công nghệ trên thế giới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Trưởng phòng TN Trí tuệ Nhân tạo, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM thì đây là một chiến thắng có rất có ý nghĩa, thể hiện bước tiến rất vượt bậc của con người trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thế giới từng khâm phục trước chiến thắng của Deep Blue trước nhà vô địch cờ vua Garry Kasparov vào năm 1997 hay của Watson trước Ken Jennings - nhà vô địch game show truyền hình nổi tiếng Jeopardy của Mỹ vào năm 2011. Cả hai chương trình này đều của công ty IBM. Tuy nhiên, có hai sự khác biệt lớn trong chiến thắng lần này của AlphaGo đó là chiến thắng về mặt công nghệ xử lý tính toán với các bộ vi xử lý đồ họa (GPU) có năng lực tính toán cao và giá thành rẻ; chiến thắng về thuật toán máy học mới dựa trên mô phỏng quá trình nhận thức của con người thông qua hệ thống kết nối nơ-ron với nhiều tầng liên kết phức tạp. Bên cạnh Google, các công ty lớn như Facebook, Microsoft, Baidu... đề có những phòng thí nghiệm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và đều đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong lĩnh vực nhận dạng hình ảnh, tiếng nói của con người... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận