Nhà máy điện hạt nhân Wolf Creek, bang Kansas, được cho là một trong những nhà máy đã bị tin tặc tấn công gần đây - Ảnh: PERETZP/CC
Báo New York Times cho biết, thông tin này được nêu trong một báo cáo khẩn của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS). Báo cáo cũng chỉ ra đứng sau các vụ tấn công mạng này là thế lực nước ngoài, có thể là Nga.
Tờ Times cho biết tài liệu của DHS xếp hạng nguy cơ ở cấp độ cao thứ hai.
Nhà máy điện hạt nhân Wolf Creek từ chối xác nhận việc họ đã bị tấn công mạng, tuy nhiên cho biết hoạt động của nhà máy hiện không bị ảnh hưởng.
Người phát ngôn của công ty này cho biết: "Lý do là vì hệ thống máy tính điều hành hoạt động của nhà máy hoàn toàn độc lập với hệ thống máy tính của công ty".
Trong tuyên bố chung với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), người phát ngôn của DHS cho biết "chưa có dấu hiệu nào cho thấy có nguy cơ đe dọa sự an toàn của cộng đồng" sau các vụ việc.
Dẫu thế, báo cáo của DHS cho rằng có vẻ như nhóm hacker đã cố gắng sơ đồ hóa các mạng lưới máy tính để chuẩn bị cho những đợt tấn công trong tương lai.
Theo đó chúng đã gửi email cho các kỹ sư cấp cao tại các cơ sở hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, giả vờ là các ứng viên xin việc, tuy nhiên lại cài cắm trong các email đó những mã độc.
Giới chức tình báo Mỹ cho rằng các thủ đoạn này giống hệt những chiêu thức từng được nhóm hacker Nga sử dụng trước đây trong các vụ tấn công từng nhằm vào những cơ quan năng lượng khác.
Các nhà điều tra Mỹ từng cáo buộc nhóm hacker tại Nga là đối tượng đứng sau vụ tấn công năm 2015 đánh sập hệ thống điện trên toàn Ukraine.
Tấn công mạng là chiêu thức đang ngày càng được sử dụng nhiều trong các âm mưu thâm nhập hệ thống mạng công nghiệp của một nước khác.
Mỹ và Israel từng bị tố cáo sử dụng mã độc Stuxnet để tìm cách phá hủy một nhà máy điện hạt nhân của Iran.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận