15/11/2016 11:11 GMT+7

​Facebook và Google bị tố về tin tức giả

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, công luận rộ lên chuyện mạng xã hội đã góp phần trong việc phát tán tin tức giả có lợi cho các ứng cử viên.

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg khẳng định tin tức giả chỉ là một phần nhỏ trong nội dung của Facebook - Ảnh: AP
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg khẳng định tin tức giả chỉ là một phần nhỏ trong nội dung của Facebook - Ảnh: AP

Sau khi tỉ phú Donald Trump đắc cử tổng thống, mạng xã hội Facebook đối mặt với nhiều chất vấn trách nhiệm của họ tới đâu trong việc phát tán tin giả và không ngăn chặn tình trạng chia sẻ những tin đồn thất thiệt đó.

* Xem: Bầu cử Mỹ: Những tác động "đen tối" của công nghệ

Thật giả khó lường

Cho đến giờ, thật khó để có thể xác minh được rành mạch và toàn bộ những tin tức giả đã bị phát tán trên mạng xã hội Facebook hay các mạng xã hội khác thời gian qua, đặc biệt giai đoạn bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Một số trường hợp điển hình như bản tin nói về chuyện một nhân viên FBI liên quan tới vụ điều tra các email của bà Clinton bị rò rỉ được phát hiện đã chết trong một vụ tự sát (chuyện này không xảy ra); hoặc một bản tin khác nói rằng Giáo hoàng Francis ủng hộ tỉ phú Donald Trump,…

Xác minh được sự thật là chuyện hết sức phức tạp

Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg

Không thể phủ nhận tác động của mạng xã hội Facebook đối với công chúng trong đợt bầu cử qua tại Mỹ khi căn cứ vào 1,79 tỉ tài khoản người dùng toàn cầu của mạng này và hơn 40% người trưởng thành Mỹ đọc tin tức qua Facebook (theo dữ liệu của trung tâm nghiên cứu Pew và Quỹ Knight).

Bên cạnh đó, không chỉ Facebook mới gặp vấn đề trong chuyện tung tin giả mạo. Trang tìm kiếm Google ngày 14-11 cũng đã phải lên tiếng phản hồi lại sau chuyện ồn lên về một bản tin giả được phát tán. 

Google bị chỉ trích vì đã để "lọt lưới" bản tin giả mạo nói ông Trump giành nhiều phiếu cử tri phổ thông hơn bà Clinton - Ảnh; CNET

Cụ thể, nếu ai đó tra tìm cụm từ "final election results" (kết quả cuối cùng của bầu cử) trên Google vào sáng 14-11, họ lập tức nhìn thấy bản tin cho thấy ông Trump giành thắng lợi cả về số phiếu cử tri phổ thông so với bà Clinton trên trang tin tức tổng hợp Google News.

Trong khi đó trên thực tế theo hãng tin AP, bà Clinton mới là người giành chiến thắng về số phiếu cử tri phổ thông, bà Clinton chỉ thua ông Trump số phiếu đại cử tri. Đây là vấn đề không nhỏ bởi với nhiều người, Google chính là mạng Internet của họ, với bất cứ thông tin nào chưa rõ, họ đều "tham khảo" vị "cố vấn thông tin đặc biệt" này.

Google bị chỉ trích vì đã để
Google cam kết sẽ nâng cấp thuật toán tìm kiếm để hạn chế tin tức giả mạo - Ảnh: Reuters

Người phát ngôn của Google cho biết: "Mục đích của công cụ tìm kiếm là cung cấp những kết quả hữu ích và liên quan cho người dùng của chúng tôi. Trong trường hợp này chúng tôi chưa thể đưa ra mọi thức chính xác được ngay từ đầu, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng thuật toán của mình".

Loay hoay tìm cách chống tin giả

Trên thực tế, trong một đợt nâng cấp từ đầu năm 2015, Facebook đã cam kết hạn chế bớt các thông tin giả mạo trên mạng xã hội này bằng cách trao cho người dùng một công cụ giúp họ chủ động tố cáo những tin tức giả mạo trên luồng tin (News Feed).

Tuy nhiên trong gần 2 năm kể từ đó tới nay, Facebook vẫn từ chối không cung cấp cho báo giới thông tin cụ thể về các thống kê liên quan tới tần suất tố cáo tin giả này và bao nhiêu tin tức đã bị loại khỏi bảng cấp tin của họ.

Thậm chí theo trang mạng cộng đồng BuzzFeed, ngay cả một số tin tức bị người dùng dán nhãn giả mạo trên Facebook sau đó cũng chỉ bị chuyển tới một trang khác mà thôi.

Tháng 8-2016, Facebook cũng công bố một nâng cấp khác cho Bảng cấp tin (News Feed) của họ với mục tiêu nhằm giảm bớt những tin tức giả mạo. Facebook cho biết sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp ứng dụng nhận diện được những cụm từ phổ biến trong các tít báo cũ vốn thuộc loại tin tức giả mạo. Từ đó giúp ứng dụng nhận diện và ngăn chặn các dạng thức tin tức tương tự lặp lại sau đó.

Theo Facebook, lý do để họ lựa chọn giải pháp AI thay vì căn cứ vào những tố cáo của người dùng đối với tin tức chính là để nhằm tránh sự can thiệp thiên vị của con người trong tình huống mà chính ông chủ Facebook phải thừa nhận là "xác minh được sự thật là chuyện hết sức phức tạp".

Tuy nhiên đối với sự kiện lần này, theo thông tin từ một nhóm nhân viên của mạng xã hội Facebook cho biết mạng này đã phải thành lập một nhóm chuyên trách bí mật có chức năng chống lại tin tức giả mạo phát tán trên trang mạng của họ.

Tuần trước ông chủ Facebook Zuckerberg tuyên bố, chuyện ai đó nghĩ rằng mạng xã hội Facebook rất có thể đã chi phối tới kết quả bầu cử bằng cách để cho những tin tức giả mạo phát tán rộng rãi trên mạng này là "ý tưởng thật điên rồ".

Tuy nhiên chính một nhân viên giấu tên trong bộ phận kỹ thuật của Facebook chia sẻ với trang BuzzFeed nói rằng: "Cái điên rồ chính là việc ông ấy (Zuckerberg) đã bác bỏ một chuyện như vậy, khi bản thân ông ấy hiểu rõ, và những người trong công ty chúng tôi hiểu rõ, tin tức giả mạo đã nhảy múa loạn xạ trên mạng xã hội của chúng tôi trong suốt mùa tranh cử".

Bất kể việc ông chủ Facebook Mark Zuckerberg khẳng định là không có chuyện những tin tức giả mạo phát tán trên mạng này gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, nhiều người không tin điều đó, ngay cả chính các nhân viên của Facebook.

Cuộc chiến không đơn giản

Cuộc chiến với tin tức giả ngày càng khó khăn, phức tạp hơn cùng với sự phát triển của mạng xã hội - Ảnh: Dc4mf

Nhóm chuyên trách của Facebook đã được thành lập để xác minh việc Facebook đã có vai trò như thế nào trong việc phát tán những tin tức giả mạo trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Trang tin công nghệ Gizmodo dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết để ứng phó với nạn tin tức giả, Facebook đã bổ sung thêm một tính năng nâng cấp cho bảng cấp tin (News Feed) của họ. Theo Gizmodo, lần nâng cấp này sẽ được sử dụng để loại bỏ tin tức giả mạo do người dùng Facebook cung cấp. Trên thực tế ứng dụng này đã có từ lâu nhưng trước đó Facebook vẫn còn chần chừ chưa ứng dụng vì ở góc độ nào đó, Facebook không muốn gây cảm giác với người dùng về việc mạng xã hội này có những quan điểm thiên vị về mặt chính trị.

Trong một động thái liên quan tới cuộc chiến chống tin tức giả, Google ngày 14-11 cũng ra thông báo tập đoàn này đang nghiên cứu triển khai sự thay đổi mới trong chính sách quảng cáo. Theo đó Google sẽ ngăn không cho những website có nội dung bóp méo, xuyên tạc được tham gia mạng lưới quảng cáo AdSense của họ.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên