03/04/2015 14:37 GMT+7

​Để tránh bị lừa qua mạng, điện thoại

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TT - Liên tiếp những ngày qua, nhiều bạn đọc phản ảnh các trò lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại di động vốn đã cũ nhưng vẫn lừa được nạn nhân mới.

Ông Ngô Trần Vũ - Ảnh: Đ.Thiện

Tuổi Trẻ trao đổi với ông Ngô Trần Vũ, giám đốc điều hành Công ty bảo mật NTS, xung quanh vấn đề này.

Theo ông Ngô Trần Vũ, nguyên nhân khiến những chiêu trò lừa đảo đã cũ nhưng vẫn có thêm nạn nhân mới đến từ sự cả tin, ham giải thưởng của người dùng. Ngoài ra, kẻ lừa đảo luôn thay đổi các hành vi để tạo lòng tin ở người sử dụng.

Coi chừng trò lừa tri ân khách hàng

Liên tục những tuần gần đây, người dùng mạng xã hội Facebook bị giội bom bởi tin nhắn thông báo trúng thưởng chương trình “Tuần lễ vàng - tri ân khách hàng”. Nội dung tin nhắn cho biết: “Tài khoản Facebook của bạn đã may mắn trúng giải nhất chương trình “Tri ân khách hàng Facebook quý 2015” từ Công ty cổ phần tập đoàn Facebook... Giải thưởng của bạn là một xe máy Piaggio Liberty 150 I.E, một phiếu quà tặng trị giá 55 triệu đồng. Bạn hãy truy cập ngay website hethongtrian24.com để đăng ký hồ sơ nhận thưởng. Mọi thắc mắc liên hệ chăm sóc khách hàng Facebook”.

Tùy theo người nhận, địa chỉ website mà kẻ xấu đề nghị truy cập có thể là hotquavip.com, traoquaapp.com, sukientraoqua.net... Điểm chung của những trang web này là được thiết kế rất hoành tráng với nhiều thông tin, hình ảnh khiến nhiều người dùng tin tưởng chương trình trúng thưởng là có thật. Phần quan trọng nhất của trang web lừa đảo chính là thủ tục đăng ký nhận thưởng.

Làm theo hướng dẫn của kẻ xấu, người dùng sẽ gửi mã số thẻ cào cho họ, thậm chí nhiều người còn mất luôn tài khoản Facebook. Sau khi cướp tài khoản của nạn nhân, kẻ lừa đảo tiếp tục gửi tin nhắn đến tất cả bạn bè của nạn nhân trên Facebook để giăng bẫy khiến trò lừa “Tuần lễ vàng - tri ân khách hàng” lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội Facebook. Người sử dụng nên cẩn trọng!

Những trò lừa đảo của tin tặc trong thời gian qua thường nhắm đến tâm lý người dùng thích mua hàng giá siêu rẻ hoặc siêu khuyến mãi và đã có rất nhiều người bị mắc lừa. Trò lừa trên mạng đa dạng vô cùng vây quanh người dùng Internet. Với 40 triệu người dùng Internet tại VN, tin tặc có đủ đối tượng để lừa đảo mà không cần lặp lại nạn nhân cũ.

* Ông có thể chỉ ra những trò lừa đã trục lợi người dùng như thế nào để người dân cảnh giác?

- Cơ chế lừa đảo trên mạng qua Zalo, Viber, Tango, SMS, web... thường có hai dạng phổ biến. Một là lừa đảo bằng cách mời người dùng cài đặt một ứng dụng (app) mới hoặc cài một phần mềm hữu ích như vẽ Chibi, đoán tử vi, xem ngày tốt xấu, nghe nhạc... Sau đó, tin tặc tiêm nhiễm virút vào tập tin cài đặt ứng dụng xuống PC laptop.

Từ đó, chúng thu thập thông tin đăng nhập và mật khẩu người dùng, chiếm đoạt tài khoản người dùng để làm công cụ lừa đảo.

Cách thứ hai là trò lừa đảo hoàn toàn dựa vào tâm lý thích hàng rẻ của người dùng để khai thác mà không cần thủ thuật công nghệ thông tin. Người dùng hay tin vào các trang giá rẻ mà sập bẫy các trò lừa đảo. Chúng kiếm tiền bằng cách khai thác giá trị qua nạp thẻ cào điện thoại hoặc các tài khoản ATM để bòn rút tiền của nạn nhân.

* Các nhà mạng di động, nhà cung cấp ứng dụng OTT nên có trách nhiệm như thế nào trong việc này, thưa ông?

- Người dùng cần lưu ý rằng theo quy định hiện nay, các nhà mạng có hạn mức khuyến mãi chỉ dừng ở mức 50%, vì thế tất cả chương trình khuyến mãi “khủng” x5, x10 chỉ là mánh lới lừa đảo của kẻ xấu.

Còn các nhà mạng, nhà cung cấp cần bảo vệ người dùng của mình bằng cách thường xuyên đưa ra khuyến cáo, cảnh báo về các thủ đoạn của kẻ lừa đảo, đồng thời thông tin đầy đủ về các chương trình khuyến mãi của mình.

* Ông có đề xuất biện pháp nào để có thể ngăn chặn vấn nạn lừa đảo qua mạng di động hiện nay?

- Theo tôi, nhà mạng, cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý tin nhắn, spam và xử lý nghiêm các trường hợp lừa đảo để răn đe kẻ xấu.

Còn người dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, đừng dễ dàng tin vào những thông tin mình nhận được để tránh trở thành “miếng mồi” của kẻ lừa đảo.

Trong trường hợp không chắc chắn, người dùng nên chủ động liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ, nhà mạng để xác minh thông tin thay vì vội vàng làm theo hướng dẫn của người khác.

Ngoài ra để tránh bị mất tài khoản cũng như mất tiền, người dùng nên trang bị phần mềm an ninh có chức năng bảo vệ truy cập mạng xã hội.

Một nạn nhân bị lừa 21 triệu đồng

Trò lừa “Tuần lễ vàng - tri ân khách hàng” trên Facebook đang giăng bẫy người dùng - Ảnh: Gia Tiến

Mặc dù Tuổi Trẻ đã rất nhiều lần cảnh báo nhưng thời gian gần đây số người bị lừa qua ứng dụng nhắn tin miễn phí của mạng xã hội Facebook (cả trên web lẫn trên smartphone) vẫn tiếp tục tăng - theo phản ảnh của bạn đọc.

Chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều người bị lừa từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng. Trong đó có nạn nhân bị lừa đến 21 triệu đồng nhưng kẻ lừa đảo vẫn chưa buông tha như trường hợp của chị Chỉnh, chủ nhân số điện thoại 0985xxxxxx (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Chị Chỉnh cho biết chị nhận được cuộc gọi từ một số di động lạ thông báo chị trúng thưởng xe máy và liên tục yêu cầu chị nạp tiền để làm thủ tục nhận thưởng. Chị làm theo và đã nạp đến 21 triệu đồng nhưng đến nay vẫn bị kẻ lừa đảo thúc nạp tiền tiếp.

 

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên