03/05/2018 14:46 GMT+7

'Nhìn xấp đề cương ôn thi của con mà tôi kinh hãi'

NGỌC HÙNG (Huế)
NGỌC HÙNG (Huế)

TTO - Con cái chúng ta đang ôn thi quá khổ sở. Mai thi môn này phải cố học thuộc kiến thức, làm bài xong bỏ sang một bên để 'gạo' bài môn khác cho buổi thi tiếp theo.

Nhìn xấp đề cương ôn thi của con mà tôi kinh hãi - Ảnh 1.

Nửa tháng nay lũ trẻ nhà tôi "chạy đua" cho kỳ thi cuối năm. Nhìn các cháu ôn bài đến phờ phạc, chúng tôi xót cả ruột. Nhưng lo lắng và kinh hãi nhất vẫn là mấy xấp đề cương ôn tập dày cộm của các con.

Tôi tự hỏi làm thế nào để nhồi nhét chừng ấy kiến thức vào đầu con trẻ và nhồi nhét như thế được lợi ích gì?

Nếu bố mẹ nào có con đang độ tuổi đi học và thường đồng hành cùng việc học của trẻ sẽ trải qua giai đoạn ôn bài cùng con. Những lúc ấy chúng ta thấm thía vô cùng nỗi khổ của lũ trẻ khi phải "gạo bài" hàng loạt môn học.

Toán, Lý, Hóa, Sinh phải học công thức, cách giải, định lý, mệnh đề… Sử, Địa, Giáo dục công dân, Công nghệ càng khổ sở hơn bởi kiến thức lý thuyết tràn lan, dông dài.

Ngay đến môn Ngữ văn cũng phải học thuộc lòng, hàng loạt bài thơ, hàng loạt khái niệm, định nghĩa, thậm chí là học thuộc cả những bài văn mẫu…

Tôi có cảm giác giáo viên lo rằng kiến thức này quan trọng, kiến thức kia chẳng thể bỏ nên cố gắng "vét" hết có thể để chẳng bỏ sót vào đề cương. Bởi vậy, đề cương môn nào cũng phải vài mặt giấy trở lên. Những dòng chữ kín mặt giấy buộc phải ôn, luyện, ghi nhớ một cách vô hồn.

Con cái chúng ta đang ôn bài quá khổ sở. Mai thi môn này phải cố học thuộc kiến thức, làm bài xong bỏ sang một bên để gạo bài môn khác cho buổi thi tiếp theo. Cách học vẹt, học tủ này chẳng chút hiệu quả khi bao nhiêu kiến thức lại trả cho thầy cô sau khi thi xong.

Ngay đến môn Ngữ văn đòi hỏi năng lực cảm thụ thẩm mỹ và tính sáng tạo cao cũng phải học thuộc lòng thì đúng như lời phát biểu của nam sinh ở TP.HCM: "12 năm phổ thông học theo mẫu, sao đòi người trẻ sáng tạo?".

Năng lực sáng tạo, tư duy đổi mới và phương pháp tự học của trẻ bị giết "từ trong trứng nước" từ lối học thuộc lòng vẫn được áp dụng lâu nay.

Nhớ lại thời đi học của mình cách đây 20-30 năm trước, thế hệ chúng tôi cũng lớn lên cùng cách thi cử theo lối học thuộc lòng. Học thuộc, ghi bài đúng đề cương, đúng đáp án là điểm cao. Giờ đây con cái chúng tôi lại tiếp tục đi vào lối mòn xưa cũ.

Lẽ nào sau bao nhiêu nỗ lực của ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tất cả vẫn chỉ là hô hào, hình thức?

Còn bây giờ chúng tôi nhìn xấp đề cương ôn tập của con mà ớn lạnh, cùng con ôn bài mà lòng hoang mang và lắng nghe cách trả bài của con mà băn khoăn vô cùng.

Xin nhà trường hãy nói không với phương pháp học thuộc lòng từng câu chữ một cách vô hồn! Nó đang thui chột sự sáng tạo, triệt tiêu khả năng hứng thú với môn học và đào tạo ra những thế hệ quen phụ thuộc vào "mẫu", rập khuôn theo "mẫu".

Cả xã hội đang hô hào đổi mới kiểm tra thi cử, ra đề theo hướng mở, tăng khả năng thực hành, chú trọng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vẫn đề thực tiễn… Vậy nhưng nghịch lý là những xấp đề cương dày cộm vẫn tồn tại trong nhà trường và con trẻ vẫn ê a "tụng" mỗi mùa thi đến…

Thế kỷ 21 rồi vẫn còn kiểu học thuộc lòng Thế kỷ 21 rồi vẫn còn kiểu học thuộc lòng 'cổ truyền' sao?

TTO - Tại sao đến nay con tôi vẫn còn học thuộc lòng như một con vẹt? Phải chăng tôi là một người cha 'mù tịt' về chuyện giáo dục thời nay?

NGỌC HÙNG (Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên