20/01/2022 14:16 GMT+7

Nhìn lại tròn 1 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ngày 20-1 đánh dấu tròn một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sau khi thắng nhiều phiếu hơn bất cứ ứng viên tổng thống Mỹ nào trong lịch sử, mức ủng hộ dành cho ông giảm xuống mức thấp trong những khảo sát gần đây.

Nhìn lại tròn 1 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trải qua năm đầu tiên với không ít thăng trầm - Ảnh: REUTERS

COVID-19, lạm phát gây khó

Theo báo The Guardian, trong nhiều tháng, xếp hạng mức độ tín nhiệm với ông Biden đã giảm dần ở nhóm tuổi trung niên, mức tín nhiệm trung bình với ông là 42%.

Một cuộc khảo sát ​​của Đại học Quinnipiac công bố vào tuần trước cho thấy mức độ ủng hộ với ông ở mức 33% - thấp đến mức tính chính xác của khảo sát bị nghi ngờ. Trong số những người tiền nhiệm hiện đại, chỉ có ông Donald Trump là có mức tín nhiệm tệ hơn vào thời điểm này trong nhiệm kỳ.

Nhìn lại 1 năm qua, về đối nội, chính quyền của ông Biden đã thông qua nhiều gói ngân sách lớn, trong đó có gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD hồi tháng 3-2021. Tháng 11-2021, ông ký thông qua luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD để cải tổ đường bộ, cầu và đường sắt, đường ống dẫn nước… trên khắp đất nước.

Ông Biden hoàn thành vượt mục tiêu về tiêm vắc xin COVID-19 trong nước và đang cung cấp cho người Mỹ 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh miễn phí tại nhà và khẩu trang tốt để chống biến thể lây lan nhanh Omicron.

Thách thức thứ hai về đối nội của ông Biden là lạm phát. Lạm phát ở Mỹ đang leo thang đến mức đáng ngại nhất trong 40 năm. Giá bán nhà và thuê nhà tăng 20% trong năm qua. Một số hàng vật liệu xây dựng tăng 100%. Giá thực phẩm ở siêu thị tăng từ 15-30%. Giá xe hơi mua mới và cũ tăng 20-35%.

Các chính sách thành công của ông Biden chủ yếu do phe Dân chủ bỏ phiếu, ít thu hút được lá phiếu lưỡng đảng. Việc bắt buộc tiêm vắc xin của ông bị tòa án ngăn chặn. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng ông Biden thực sự thừa hưởng một đống lộn xộn và một tình hình chính trị rất khó khăn khi bước vào Nhà Trắng.

Đối ngoại: Tiến bộ khiêm tốn

Nhìn lại tròn 1 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh 2.

Ông Biden hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16-11-2021 - Ảnh: REUTERS

Về đối ngoại, ông Biden đạt được một số thành công khiêm tốn, theo trang Foreign Policy.

Ông được khen vì nỗ lực giành lại vai trò lãnh đạo của Mỹ về các vấn đề khí hậu. Các nhà lãnh đạo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hài lòng với những nỗ lực phối hợp về chính sách đối với Trung Quốc.

Về chính sách đối với Trung Quốc, ông Biden đã thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc hội đàm có lời lẽ tích cực. 

Cho đến nay, ít nhất, chính quyền Tổng thống Biden đã không thúc đẩy kiểu cạnh tranh có thể gây khó khăn cho Bắc Kinh, cũng như loại bỏ những nhầm lẫn về mục tiêu tổng thể trong chính sách Trung Quốc của họ. 

Ông Kurt Campbell, cố vấn châu Á của ông Biden tại Hội đồng An ninh quốc gia, cho rằng Mỹ đang tìm kiếm "một kiểu chung sống với Trung Quốc, với sự hiểu biết về vai trò then chốt và quan trọng của Trung Quốc".

Thỏa thuận ba bên về hợp tác quốc phòng với Anh và Úc, gọi tắt là AUKUS, trong đó có điều khoản cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Canberra được đánh giá là thành tựu trong 1 năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng chính quyền Mỹ cũng đã không khéo léo khi làm đổ vỡ thỏa thuận trị giá nhiều chục tỉ USD của Pháp với Úc, khiến Paris nổi giận. 

Việc này cũng cho thấy khi Mỹ thắt chặt quan hệ với một số đối tác, nước này có nguy cơ bị phản ứng dữ dội từ những đối tác khác.

Tuy nhiên, chính quyền của ông cũng tự đặt mình vào thế khó trong nhiều trường hợp. Cuộc rút quân của Mỹ sau 20 năm ở Afghanistan vào tháng 8-2021 bị lên án về cách thức triển khai hỗn loạn. Quyết định về việc dứt khoát rút quân Mỹ khỏi Afghanistan khiến một số đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bối rối.

Quan hệ Nga - Mỹ đã trải qua một năm thử thách "những giới hạn đỏ" của nhau, trong bối cảnh hiện chưa có đột phá nào về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên và bế tắc trong vấn đề thị thực cho các nhà ngoại giao vẫn duy trì.

Căng thẳng với Nga về vấn đề Ukraine

Hiện nay khủng hoảng Ukraine là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc đàm phán mới đây giữa hai lãnh đạo Nga và Mỹ. Tổng thống Biden bày tỏ quan ngại về việc Nga tập trung số lượng lớn binh sĩ và khí tài ở biên giới với Ukraine và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có trong trường hợp "Nga gây hấn với Ukraine".

Trong khi đó, Nga yêu cầu các nước thành viên NATO cam kết không để Ukraine gia nhập liên minh này. Mỹ cần phải cam kết không mở rộng NATO hơn nữa về phía đông và không kết nạp các quốc gia từng là thành viên Liên Xô.

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Tổng thống Mỹ Joe Biden: 'Các liên minh đang trở lại'

TTO - Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy chính sách đối ngoại dưới trào của ông sẽ là làm việc cùng các liên minh và xem Trung Quốc là một đối trọng đáng kể.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên